10 năm "lơ lửng" trong dự án KĐT mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh

(PLO) - Dự án khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm, nay là quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được triển khai từ năm 2002. Cũng từ đó đến nay, người dân sinh sống trong phạm vi dự án đã bị “lơ lửng” trước nội dung các văn bản liên quan đến quy hoạch dự án.
Ngôi nhà của ông Hiển bị phá dỡ vào ngày 20/1/2014
Ngôi nhà của ông Hiển bị phá dỡ vào ngày 20/1/2014
“Đất làng xóm” bị vào dự án  
Đầu năm 2003, UBND TP.Hà Nội có  Quyết định số 189/QĐ- UB về việc thu hồi đất tại xã Cổ Nhuế và xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm (nay là phường Cổ Nhuế, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) Hà Nội, giao Cty Kinh doanh Dịch vụ nhà Hà Nội xây dựng khu đô thị mới. Trong phạm vi thu hồi đất có một phần diện tích ở của hơn 200 hộ dân thôn Trù, thôn Viên, xã Cổ Nhuế.
Quyết định này làm người dân ở đây “ngã ngửa” bởi theo Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg (20/6/1998) của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020) thì thửa đất của gia đình họ thuộc “đất làng xóm ngoài khu vực đô thị” chứ không nằm trong khu đô thị mới. Đến tháng 2/2005, UBND TP.Hà Nội cũng có Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Tây Hồ Tây. Theo đó, tại Dự án cải tạo xây dựng khu vực làng Cổ Nhuế - Nghĩa Tân thực hiện theo “cơ chế xã hội hoá: Nhà nước, các nhà đầu tư, các tổ chức xã hội đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, người dân cùng tham gia đầu tư nâng cấp đường làng, ngõ xóm và cải tạo xây dựng nhà ở của mình theo quy hoạch”.
Trên cơ sở quy định về việc “người dân được cải tạo xây dựng nhà ở của mình theo quy hoạch” như trên, các hộ dân thôn Viên, thôn Trù, xã Cổ Nhuế đã liên tục có đơn đề nghị TP.Hà Nội phải đưa diện tích nhà đất của họ ra khỏi phạm vi dự án đầu tư xây dựng khu đô thị của Cty Kinh doanh Dịch vụ nhà Hà Nội.
Cho đến tháng 4/2005, UBND TP.Hà Nội đã có công văn đồng ý điều chỉnh cục bộ chức năng sử dụng các khu đất OTT1, OTT2, CC3, CC4 từ mục đích xây dựng các nhà vườn để bán và dịch vụ thương mại tổng hợp thành nhà ở do dân cư đang sinh sống tự chỉnh trang theo quy hoạch”. Đối với diện tích sau khi điều chỉnh để nhân dân trong khu vực tự chỉnh trang theo quy hoạch được duyệt, Cty Kinh doanh Dịch vụ nhà Hà Nội phải có giải pháp để thực hiện nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật và giao thông tại các công trình hạ tầng kỹ thuật và giao thông tại các ô đất nói trên đảm bảo khớp nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án.
Tuy nhiên, đối chiếu với chỉ giới thì vẫn còn 41 hộ thuộc “đất làng xóm” nhưng vẫn nằm trong diện đất làm dự án khu đô thị mới. 
Quyết định lấp lửng khiến dân hoang mang 
Cho đến tháng 2/2012, UBND TP.Hà Nội mới có Quyết định điều chỉnh một số nội dung ghi tại Quyết định giao đất cho Cty Kinh doanh Dịch vụ nhà Hà Nội trước đây (nay là Cty TNHH MTV Kinh doanh dịch vụ Nhà Hà Nội). Theo đó, 14.813m2 đất ở các ô OTT1, OTT2, CC3, CC2 là khu dân cư hiện có, giao để cải tạo chỉnh trang theo quy hoạch.
Như vậy thì diện tích đất của các hộ dân ở đây vẫn ở trong tình trạng “lơ lửng” vì trên danh nghĩa thì đất vẫn được “giao” cho Cty TNHH MTV Kinh doanh dịch vụ Nhà Hà Nội chứ thành phố không khẳng định rõ việc để các hộ dân tự chỉnh trang. “Với nội dung lấp lửng như trên thì chúng tôi có bị lấy đất nữa không? Ai là người đóng thuế đất? Ai là chủ sử dụng đất? Cty hay người dân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các ô đất cải tạo, chỉnh trang kia?”- các hộ dân nêu thắc mắc. 
Ngoài ra, theo phản ánh của các hộ dân ở đây thì từ khi có các văn bản của thành phố đến nay, họ không hề thấy Cty Kinh doanh Dịch vụ nhà Hà Nội có động thái nào nhằm “khớp nối với hạ tầng” như nội dung công văn trên. Nhưng bức xúc hơn cả là trong 10 năm qua, mỗi khi người dân làm thủ tục xin phép xây dựng thì chính quyền đều từ chối với lý do “chưa có quy hoạch cụ thể nên không cấp phép”; còn các quyền năng khác của người sử dụng đất như được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tặng cho, chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất… đều bị hạn chế hoặc không thể thực hiện.
Hàng loạt hộ dân như hộ ông Nguyễn Hữu Dũng, Phí Mạnh Hải, Phí Văn Hạnh, Nguyễn Mạnh Tuấn, Phí Kim Môn… đều cho biết, gia đình họ sử dụng đất từ hàng chục năm nay, đã làm thủ tục đề nghị cấp sổ đỏ từ 2-3 năm nay nhưng chưa có kết quả.
Khổ nhất có lẽ là những hộ gia đình đông người, nhà cửa xuống cấp nhưng không thể sửa chữa hoặc xây mới. Một số hộ do bức xúc về chỗ ở mà “đánh liều” dựng nhà để giải quyết nhu cầu trước mắt thì đều bị chính quyền địa phương lập biên bản, xử phạt và cưỡng chế phá dỡ.
Ông Chu Văn Hiển (76 tuổi, con liệt sỹ chống Pháp) cho hay: tôi được các cụ cho 90m2 đất ở, đã bị dự án lấy mất 60m2. Gia đình có 5 thế hệ sinh sống nên rất khó khăn về chỗ ở, tôi đã buộc phải làm nhà cấp 4 trên diện tích còn lại thì bị chính quyền cho máy ủi phá dỡ”.
Với tình trạng “lơ lửng” trong suốt 10 năm qua, những người dân ở đây đề nghị UBND TP.Hà Nội phải có văn bản dứt khoát khẳng định diện tích đất của họ nằm ngoài dự án và sớm công bố quy hoặch để họ “tự chỉnh trang”; đồng thời, phải làm rõ trách nhiệm của những cơ quan, đơn vị đã gây thiệt hại cho hàng chục hộ dân ở đây trong những năm qua.

Đọc thêm