Hà Nội: 6 tháng, 109 vụ án để quá thời hạn xét xử

(PLO) - Theo ông Nguyễn Hữu Chính - Chánh án TANDTP Hà Nội, nguyên nhân của những tồn tại trên là do số lượng các loại vụ án Tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng cao so với cùng kỳ 2015 với nhiều vụ án lớn, phức tạp, trong khi biên chế thẩm phán của một số đơn vị chưa đủ để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. 
Ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP Hà Nội.
Ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP Hà Nội.

Khai mạc Kỳ họp thứ 2 HĐND TP Hà Nội, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Nội và Tòa án nhân dân (TAND) thành phố đã có báo cáo về công việc khởi tố, xét xử trong 6 tháng qua.

Theo Viện trưởng VKSND TP Hà Nội Nguyễn Quang Thành, 6 tháng đầu năm, tỷ lệ bắt giữ chuyển khởi tố hình sự đạt 99,6%; đã kiểm sát chặt chẽ 100% các vụ án từ khi khởi tố, tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 100%... Công tác phê chuẩn các lệnh, quyết định của cơ quan điều tra (CQĐT) được xem xét thận trọng; không có trường hợp VKS truy tố mà Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội. 

Đồng thời VKS hai cấp đã kiểm sát việc bắt, tạm giữ 4.250 đối tượng, chuyển khởi tố hình sự 4.232 người, đạt tỷ lệ 99,6% (tăng 0,26% so với cùng kỳ 2015); thụ lý kiểm sát điều tra 4.865 vụ/8.000 bị can (khởi tố mới 3.482 vụ/5.673 bị can). Đã quyết định truy tố 2.727 vụ/4.696 bị can, đình chỉ điều tra 32 vụ/138 bị can, tạm đình chỉ điều tra 02 vụ/02 bị can. Tỷ lệ giải quyết ở VKS đạt 95,5% (tăng 0,1% so với cùng kỳ 2015).

Cơ quan này cũng phối hợp với CQĐT, Toà án xác định 684 vụ án hình sự trọng điểm, áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết 27 vụ án; phối hợp với Tòa án tổ chức 693 phiên tòa xét xử lưu động ở những địa bàn trọng điểm, phức tạp về tội phạm; tổ chức 156 phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ tranh tụng tại phiên tòa cho kiểm sát viên.

Theo ông Nguyễn Hữu Chính, 6 tháng đầu năm, diễn ra nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm. 

Có thể kể ra những vụ án tham nhũng như vụ án xét xử bị cáo Phạm Thị Bích Lương và đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (xảy ra tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Nam Hà Nội); vụ án Nguyễn Hữu Vinh và đồng phạm phạm tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”; vụ án Nguyễn Quốc Trung và đồng phạm (25 bị cáo) phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy”…

Tuy nhiên, ông Chính cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, TAND hai cấp TP Hà Nội vẫn còn 109 vụ án để quá thời hạn xét xử (tăng 3 vụ, bằng 2,8% so với cùng kỳ năm 2015). Án tạm đình chỉ còn 624 vụ, tăng 108 vụ so với 6 tháng đầu năm 2015; một số vụ án sau khi tạm đình chỉ thẩm phán không theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng thực hiện công việc theo quy định để đưa vụ án ra xét xử làm cho thời gian giải quyết vụ án kéo dài. Tỷ lệ giải quyết án hành chính còn thấp chỉ đạt 26,9%.

Theo ông Chính, nguyên nhân của những tồn tại trên là do số lượng các loại vụ án Tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng cao so với cùng kỳ 2015 với nhiều vụ án lớn, phức tạp, trong khi biên chế thẩm phán của một số đơn vị chưa đủ để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài ra, một số vụ án bị kéo dài do các cơ quan, tổ chức chưa cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án trong công tác giám định, định giá tài sản, thực hiện ủy thác tư pháp. Nhiều vụ án đương sự không hợp tác, gây khó khăn trong việc tống đạt hoặc khi Tòa án tiến hành thẩm định tại chỗ.

Trong 6 tháng qua, kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội tiếp tục có chuyển biến. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng tăng 7,3%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 85.484 tỷ đồng (50,5% dự toán). Thành phố đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tiếp tục thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị” với cách làm sáng tạo, kiên trì, hiệu quả và thu được những kết quả tích cực. 

Phát biểu tại phiên khai mạc, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (Chủ tịch HĐND TP Hà Nội) cho biết: bên cạnh việc xem xét thông qua 10 nghị quyết quan trọng, trong kỳ họp này, HĐND TP sẽ xem xét việc bãi nhiệm đại biểu HĐND đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường vì đã vi phạm Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Việc thảo luận, xem xét thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm bà Nguyệt Hường sẽ được tiến hành vào chiều 3/8.

Đọc thêm