Hà Nội đi đầu trong tuyển chọn công dân nhập ngũ

(PLO) - Năm 2018, Thủ đô Hà Nội có tỷ lệ công dân tình nguyện nhập ngũ cao với 1.399/3.455 công dân, đạt tỷ lệ 40,5%. Những năm qua, Hà Nội cũng là địa phương có tỷ lệ công dân nhập ngũ có trình độ cao đẳng, đại học đứng đầu. Để có kết quả đó, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của Hà Nội từ thành phố đến cơ sở đã chủ động vào cuộc, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn động viên các tân binh nhập ngũ năm 2018.

Ngày 16/4, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2018, triển khai công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2019. Ngày 5/3/2018, 30 quận, huyện của TP Hà Nội đồng loạt tổ chức lễ giao nhận quân năm 2018. Theo chỉ tiêu gọi công dân nhập ngũ, 3.455 công dân nhập ngũ năm 2018 của thành phố được giao cho 13 đầu mối đơn vị nhận quân cấp Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh chủng, các Tổng cục, Sư đoàn và tương đương. Trên cơ sở đó, 30/30 quận, huyện, thị xã hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Hội đồng Nghĩa vụ quân sự TP Hà Nội cho biết: “Năm 2018, thực hiện chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao về tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của Hà Nội từ thành phố đến cơ sở đã chủ động, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khắc phục khó khăn hoàn thành quy trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả. 

Theo quy định tại Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, chất lượng công dân nhập ngũ tăng, đặt ra yêu cầu ngày càng cao cả về chất lượng và trình độ. Tại TP Hà Nội, công tác tuyển quân được thực hiện nền nếp trong nhiều năm. Từ việc rà soát nắm lực lượng, tổ chức sơ tuyển, khám tuyển; tỷ lệ điều khám theo chỉ tiêu 3/1, chất lượng chính trị văn hóa ngày càng được nâng cao. 

Công tác tuyên truyền giáo dục được triển khai bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, sinh động, Qua đó, nhận thức của cán bộ, nhân dân và công dân trong độ tuổi nhập ngũ ngày càng được nâng cao, thấy rõ hơn tầm quan trọng và nghĩa vụ, trách nhiệm đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”. 

Triển khai ở tuyến huyện, ông Đinh Mạnh Hiền - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết: Năm 2018, Chương Mỹ có 12.851 công dân trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự. Trong đó, có 2.875 công dân đủ điều kiện sơ tuyển về sức khỏe. Chỉ tiêu nhập ngũ là 195 công dân. Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện đã điều khám 585 công dân lên khám, kết quả 100% đạt tiêu chuẩn sức khỏe. Trong số 195 công dân nhập ngũ có 70 người có trình độ trung cấp trở lên, 81 người viết đơn. Tuy nhiên, hiện có nhiều thanh niên cố tình xăm trổ để né tránh nghĩa vụ quân sự.  

Ông Nguyễn Khắc Hiền-Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội cho biết: Khắc phục khó khăn về khám tật khúc xạ, Hà Nội đã đầu tư máy móc. Hiện 100% trung tâm y tế các huyện có máy đo khúc xạ thị lực cho công dân. Các quận, huyện thiếu bác sĩ, Sở đã điều 8 bác sĩ mắt, 3 bác sĩ da liễu, 2 bác sĩ tai mũi họng về địa phương, đảm bảo chất lượng khám, sàng lọc kỹ các đối tượng nhiễm HIV, nghiện ma túy. Một số đối tượng trốn tránh nghĩa vụ quân sự bằng cách uống các chất kích thích hay thuốc làm tăng huyết áp, thị lực, cán bộ y tế bố trí theo dõi cả ngày để kiểm tra.

Để triển khai tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2019, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chỉ rõ 4 vấn đề cần rút kinh nghiệm gồm: Một số địa phương việc nắm nguồn chưa chặt chẽ; đưa công dân khám tuyển không bảo đảm yêu cầu; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Nghĩa vụ quân sự nhiều nơi chưa thực sự được quan tâm; nhiều địa phương chưa quan tâm đến công tác phối hợp với y tế trong khám sức khỏe nên vẫn còn tình trạng bù đổi.

Vì vậy, trong thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện, hướng dẫn, chỉ đạo trong việc tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ. Khắc phục nguồn, di biến động của công dân trong độ tuổi khám tuyển nghĩa vụ quân sự cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn, nhất là trong khâu tổ chức nhằm khắc phục hạn chế.

Việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội cần bài bản, bền vững, pháp lý hóa để địa phương, cơ sở có cơ sở pháp lý thực hiện. Tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng quân sự địa phương và tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ trong những năm tiếp theo. 

Đọc thêm