Hà Nội: Đường 6 nghìn tỉ phải “né” ki ốt của doanh nghiệp như thế nào?

(PLO) - Đường Võ Chí Công (đoạn qua phường Xuân La, quận Tây Hồ) được đầu tư trên 6.300 tỉ đồng. Tuyến đường đẹp, đắt đỏ, biểu trưng cho bộ mặt Thủ đô đã phải “nắn” phần vỉa hè để né hàng chục kiốt kinh doanh của các doanh nghiệp tại vị trí vỉa hè đoạn chạy qua phường Xuân La, quận Tây Hồ. Nghịch cảnh kiốt chém vỉa hè tuyến đường siểu đắt, siêu đẹp này đang gây nhức nhối trong dư luận.
Các kiốt “ăn” vỉa hè đường hơn 6.000 tỉ
Các kiốt “ăn” vỉa hè đường hơn 6.000 tỉ

Kiốt “ăn” vỉa hè siêu đường

Phản ánh đến Đường dây nóng báo Pháp luật Việt Nam, người dân tại phường Xuân La, quận Tây Hồ bức xúc cho biết là vỉa hè đường Võ Chí Công rộng thênh thang từ 7-8m đến đoạn tổ 4B, cụm 1 phường Xuân La, quận Tây Hồ thì bị thắt lại chỉ còn khoảng 3m vỉa hè. Lý do là vì có hàng chục kiốt “ăn” vỉa hè.

Trao đổi với phóng viên, đại diện người dân tại đây bức xúc cho biết là quá trình giải phóng mặt bằng, để đảm bảo tuyến đường thẳng, đẹp, hiện đại, tất cả các hộ dân phải GPMB không một ai có thể “thò” ra một viên gạch vào chỉ giới đường, vỉa hè. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì cơ quan hữu trách Hà Nội lại để cho hàng chục kiốt của doanh nghiệp (tại tổ 4B, cụm 1, phường Xuân La) được tồn tại. Vỉa hè tại đoạn này, do có kiốt kinh doanh nên bị bóp lại từ 8m vỉa hè xuống chỉ còn khoảng 3m. “Với chiều rộng như vậy khi kiốt kinh doanh để xe máy là vỉa hè hết lối đi. Chúng tôi không hiểu ai, thế lực nào bao che, để tồn tại nghịch cảnh chéo ngoe ở cung đường đẹp này của Thủ đô”- một người dân ở phường Xuân La bức xúc nói.


Các kiốt “ăn lẹm” vào phần vỉa hè tuyến đường hơn 6.000 tỉ
Các kiốt “ăn lẹm” vào phần vỉa hè tuyến đường hơn 6.000 tỉ

Theo quan sát của phóng viên thì chỉ cách cây đa nổi tiếng bởi trước đó đơn vị thiết kế phải thiết kế nắn đường tránh chặt phá cây đa khi làm đường (hướng Cầu Giấy đi cầu Nhật Tân) khoảng hơn 50m thì vỉa hè đường Võ Chí Công đang rộng thênh thang từ 7- 8 m thì bị thắt lại chỉ còn khoảng 3 m, phần còn lại nhường chỗ cho hàng chục kiốt bán hàng vươn ra từ hai khu nhà ở 5 tầng. Quan sát cho thấy dãy kiốt này kéo dài khoảng 50m, kinh doanh quán cafe, hàng ăn sáng. Khách đến ăn để xe trên vỉa hè đường Võ Chí Công trước các kiốt trật kín, người dân không có lối đi bộ trên vỉa hè.
Hết dãy kiốt (tổ 4B, cụm 1, phường Xuân La, quận Tây Hồ) vỉa hè đường Võ Chí Công lại rộng trở lại là 8m.

“Khoảng mờ” bóp vỉa hè để ki ốt tồn tại

Được biết, đường Võ Chí Công nằm trong dự án tuyến đường vành đai II từ Cầu Giấy đến Nhật Tân. Cung đường này dại hơn 6km có tổng mức đầu tư hơn 300 triệu USD, tương đương hơn 6.300 tỉ đồng, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng trong nước, được khởi công xây dựng từ tháng 3/2012 và đến nay đã hoàn thành, đi vào sử dụng. Đường có bề rộng từ 58-64m, mỗi bên có hai làn xe cơ giới, một làn xe buýt, hai làn xe hỗn hợp. Vỉa hè mỗi bên rộng 8m và giải phân cách giữa từ 3-9 m.

Để làm rõ việc vì sao các kiốt này tồn tại, “ăn” vỉa hè đường Võ Chí Công mà không bị xử lý, phóng viên Pháp luật Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Lê Tiến- Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La. Ông Lê Tiến cho biết chính quyền phường đã nhận ra sự việc này và có nhiều lần báo cáo lãnh đạo cấp trên xử lý. Dãy kiốt này được xây vươn ra khỏi tường khu nhà 5 tầng.


Phần vỉa hè cho người đi bộ trên đường Võ Chí Công bị thu hẹp
Phần vỉa hè cho người đi bộ trên đường Võ Chí Công bị thu hẹp

Theo Phó Chủ tịch phường Xuân La thì các kiốt trên là của Cty cổ phần đầu tư Phát triển nhà Hà Nội số 5, Cty Cổ phần tu tạo và phát triển nhà. Vụ việc này có liên quan đến việc cấp chỉ giới đường đỏ đã cấp lẻ cho một số cơ quan trước đó.

Về vụ việc này, TP. Hà Nội đã có văn bản số 96/UBND-GT Yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội kiểm tra rà soát về chỉ giới đường đỏ đường vành đai II. Năm 2001 khu nhà ở Xuân La, Tây Hồ (khu 5 tầng có các dãy ki ốt “ăn” vỉa hè đường Võ Chí Công) được Cty Tư vấn- Dịch vụ nhà đất thuộc Tổng Cty đầu tư phát triển Nhà Hà Nội đầu tư xây dựng. Quá trình triển khai lập dự án chủ đầu tư được cung cấp bản vẽ chỉ giới đường đỏ tỉ lệ 1/500 do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập tháng 8/2000 và được Kiến trúc sư trưởng thành phố chấp thuận vào tháng 9/2000. Từ tháng 10/2002 chủ đầu tư bắt đầu thực hiện triển khai dự án.

Phần các dãy kiốt đang tồn tại hiện nay được giải thích là nằm trong chỉ giới đường đỏ mà doanh nghiệp đã được cấp nên TP. Hà Nội biết là chướng mắt nhưng... khó xử lý.

Điều chéo ngoe là đến cuối năm 2001 cũng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập bản vẽ chỉ giới đường đỏ đường vành đại II (đoạn Nhật Tân- Xuân La, Bưởi) và được Kiến trúc sư trưởng Thành phố chấp thuận, UBND TP. Hà Nội phê duyệt cho thấy khi điều chỉnh chỉ giới đường đỏ vành đai II sẽ ăn vào chỉ giới đã cấp cho doanh nghiệp xây các công trình CT1, CT2, CT3 khoảng 5,5m (trong khi các công trình này đã xây dựng xong). Việc chồng lấn chỉ giới và trách nhiệm thuộc về ai đang khiến TP. Hà Nội loay hoay chưa xử lý được.

Làm việc với ông Lê Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La, phóng viên cung cấp các hình ảnh cho thấy dấu hiệu các dãy kiốt được chủ đầu tư mới xây dựng, chứ không phải tồn tại từ lâu, không được xây trên tầng khối đế của các tòa nhà. Ông Tiến cho rằng việc có xây cùng trên tầng khối đế, cùng kết cấu móng tòa nhà hay không đã xẩy ra nhiều tranh luận giữa các đơn vị kỹ thuật. “theo quan điểm của chúng tôi, việc để các kiốt trên tồn tại gây mất mỹ quan cho tuyến đường, gây khó khăn cho công tác quản lý của chúng tôi”- Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La nói./.

Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin...

Đọc thêm