Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Hà Nội luôn coi trọng và xác định phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội; giải quyết hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá - xã hội.
Mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế Thủ đô dựa trên nền tảng văn hoá, tìm nguồn lực và phát triển động lực từ văn hoá, nhất là trong điều kiện kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương – cho rằng, để phát huy được nguồn lực cho phát triển từ chức năng điều tiết xã hội của văn hóa, Hà Nội cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ bản chất văn hóa, vai trò, vị trí, ý nghĩa của văn hóa trong đời sống; cụ thể hóa bằng những chính sách, được chế định trong các quy định luật pháp và được bảo đảm thực hiện bằng các thiết chế chính trị-xã hội.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn cũng chỉ rõ, yếu tố quan trọng nhất quyết định hiệu quả đầu tư cho văn hóa là con người, nghĩa là đầu tư cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhân viên chuyên môn, người hoạt động các phong trào, văn nghệ sỹ, đội ngũ trí thức hoạt động văn hóa… Cảnh quan đô thị là yếu tố hàm chứa hàm lượng văn hóa cao.
Tuy nhiên, quy hoạch phát triển của Hà Nội hầu như chưa được tính toán cẩn thận nên hay bị điều chỉnh, thay đổi, thiếu sự kết nối hạ tầng, không đồng bộ với các yếu tố văn hóa, xã hội, dịch vụ. Vì vậy, cần phải được điều chỉnh trong giai đoạn tới.