“Hà Nội thênh thang ký ức” viết chung về mảnh đất Hà Nội, nhưng tập trung sâu và nhiều hơn về các vùng ven đô – vốn xưa kia là làng cổ, làng văn hóa; các làng ngoại thành. Để có thông tin viết, nhà văn Nguyễn Văn Học phải dành nhiều thời gian tìm hiểu, lấy thông tin, gặp gỡ nhân chứng, chính quyền cơ sở…
Nguyễn Văn Học cho biết: “Đây không phải là cuốn sách khảo cứu. Một phần yếu tố về lịch sử, văn hóa vùng đất được đưa vào chỉ nhằm làm nổi bật vẻ đẹp của vùng đất đó. Mối quan tâm chính của tôi vẫn là hơi thở cuộc sống đương đại, với những làng cổ, làng nghề, vùng quê đã thay da đổi thịt, bị đô thị hóa, nhiều nét đẹp còn giữ được nhưng cũng không ít vẻ đẹp đã bị mai một theo thời gian”.
Trong sách, tác giả đã tập trung viết về những làng ven đô đã bị đô thị hóa hoàn toàn, thậm chí dấu vết về một ngôi làng còn quá ít. Anh cũng quan tâm khai thác về các di tích của làng như đình, chùa, miếu, giếng cổ hay ao, hồ, cây cối. Đặc biệt là những giá trị của làng, nếp làng, lối sống, lối ứng xử, nghề cổ truyền, bảo tồn nghệ nhân…Đặc biệt, vệt bài 3 kỳ “Khi làng lên phố” của anh đã đạt giải Nhì cuộc thi viết ký, ghi chép “Thăng Long - Hà Nội: 11 thế kỷ lắng hồn sông núi”, do báo Hà Nội mới tổ chức.
Thật sự, ở Hà Nội có rất nhiều đề tài để văn chương và báo chí khai thác. Chỉ từ nhà ra đường là đã thấy. Người viết cần quan sát tinh, chịu khó, tỉ mỉ, cẩn thận là có sản phẩm. Đúng 10 năm trước anh đã cho ra mắt cuốn sách Hoa thở để đón chào Hà Nội 1000 năm và sau 10 năm khi Hà Nội chuẩn bị bước vào tuổi 1.010 anh lại “gói ghém” tình yêu với mảnh đất này bằng tập “Hà Nội thênh thang ký ức”.
“Tôi yêu Hà Nội, tôi tiếc ký ức và luôn muốn gìn giữ ký ức, từ đó tỉ mỉ lắng nghe cuộc sống, phố phường, cây cối, con ngõ, mái ngói, sự chuyển dịch của bốn mùa…thậm chí quan tâm vào những khoảng khắc, những điều rất đỗi nhỏ bé và bình dị của Hà Nội. Vì thế tôi nghĩ rằng, ở mỗi mốc thời gian quan trọng đều có kỷ niệm. Nên tôi sẽ chuẩn bị đề tài để phù hợp và in thành sách, từ những gì mình đã viết được. Tất nhiên, phải chuẩn bị tâm thế. 10 năm trước một cuốn, và năm nay là “Hà Nội thênh thang ký ức”. Mỗi cuốn sách đều kể về Hà Nội theo cách riêng, nhưng luôn hiện diện một tình yêu và cả nỗi trăn trở về thành phố nghìn năm văn hiến”, Nguyễn Văn Học chia sẻ.
Trong tập ký sự, tác giả nhắc lại những vẻ đẹp của giếng làng đã được khẳng định từ nhiều thập niên qua. Giếng làng cũng là một di sản, một vẻ đẹp làng quê mà ngày xưa giá trị sử dụng rất lớn. Có làng đào cả hệ thống giếng để cung cấp nước sinh hoạt cho xóm, làng. Song, do quá trình đô thị hóa, nhiều giếng bị lấp, không được sử dụng, bị ô nhiễm. Qua các bài viết trong cuốn sách, tác giả cũng đưa bạn đọc cùng dự phần vào thực tế, nhiều giếng nói riêng, hệ thống di tích, nét đẹp văn hóa nói chung bị mất đi, xuống cấp là lỗi của con người.
Nên trong mỗi bài viết, thông điệp “cùng bảo vệ” rất rõ. Dù lớn hay nhỏ, thì mỗi khối tài sản đều cần có cách để bảo vệ, bởi có những thứ mất đi rồi mới thấy tiếc. Có những chiếc giếng bị lấp đi rồi nhưng do tiếc quá nên người ta lại khơi lại. Xét đến cùng, những khối tài sản ấy đều được cha ông chúng ta gây dựng, gìn giữ và mong muốn thế hệ sau giữ lấy, tiếp nối và trao truyền. Hà cớ gì chúng ta, mỗi người dân, cán bộ không có trách nhiệm bảo tồn?
“Hà Nội thênh thang ký ức” của nhà văn Nguyễn Văn Học, do NXB Dân trí phát hành, năm 2020.