Vị thế, trách nhiệm của Thủ đô

(PLVN) - Hà Nội cần hướng tới trình độ phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế; phân tích sâu hơn nguyên nhân của việc thành phố chưa tạo được các “đột phá lớn” cho phát triển kinh tế; làm rõ hơn việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thủ đô. 
Một góc Hà Nội.
Một góc Hà Nội.

Đây là một trong các yêu cầu tập thể Bộ Chính trị khi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác chuẩn bị Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025, cuối tuần qua.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu “Hà Nội phải đi đầu, làm gương mọi phương diện”. Chắc chắn khi đặt ra yêu cầu này, không chỉ với tư cách  người đứng đầu Đảng và Nhà nước mà còn với tư cách là một nguyên Bí thư Thành ủy và là một người con của Thủ đô.

Làm thế nào để Hà Nội trở thành động lực lan tỏa, hạt nhân gắn kết hiệu quả, bền vững và tích hợp được tiềm năng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ? Làm thế nào để Hà Nội phát huy được vai trò, vị trí trung tâm, hạt nhân, tiên phong, dẫn dắt?

Hà Nội mang trong mình tiềm năng vào loại bậc nhất. Hà Nội bây giờ khác xưa nhiều, quy mô lớn, không chỉ có 36 phố phường mà bây giờ mở rộng ra rất nhiều. Nếu nói đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay, thì Hà Nội chưa bao giờ có được quy mô, vị thế, tầm vóc và yêu cầu đặt ra cũng cao như bây giờ.

Không chỉ riêng tiềm năng, thế mạnh của địa phương mà Hà Nội với vị trí là trung tâm chính trị của quốc gia, nơi các cơ quan Trung ương đặt trụ sở nên đặc biệt ưu thế. Chỉ nhìn hạ tầng giao thông – vốn là “điểm nghẽn” của nhiều quốc gia trong quá trình phát triển dễ thấy Hà Nội ưu thế đến như thế nào. Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, các cầu lớn trên sông Hồng hiện tại như Thanh Trì, Chương Dương, Nhật Tân, Thăng Long, Đông Trù...; các đường vành đai lớn như vành đai 3 (sắp tới là 4, 5) đều được đầu tư bằng vốn Trung ương, vốn vay ODA của đất nước.

Yêu cầu đối với Hà Nội là toàn diện, phát triển kinh tế là quan trọng, nhưng còn văn hóa, phẩm giá Việt. Hà Nội phải văn minh, thanh lịch, cụ thể hóa tiêu chí xây dựng người Hà Nội, xây dựng Thủ đô, đặc biệt là vấn đề quản lý đô thị.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ: “Muốn vậy phải xây dựng Đảng, xây dựng con người, xây dựng tổ chức, kỷ cương kỷ luật, làm ăn bài bản, có kiểm tra, phân công trách nhiệm rõ ràng; làm được thì thưởng không làm được thì phạt, vi phạm thì xử lý” và “nhạy bén, chủ trương đúng, hành động quyết liệt, thường xuyên kiểm tra đôn đốc, xử lý cho nghiêm, tuyệt đối không được tự mãn”.

Thủ đô Hà Nội là bộ mặt cả nước, bộ mặt quốc gia, hình ảnh Việt Nam, đó vừa là vinh dự đặc biệt vừa là trách nhiệm nặng nề. Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội, khẩu hiệu này rất quen thuộc, nay phải hành động.