Hà Nội tăng cường chặn "cửa" hàng Tết giả, kém chất lượng

Giữ thị trường ổn định, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, sáng qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chỉ đạo “tăng cường kiểm soát lại giá cả, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, kiểm soát lại các cửa ngõ ra vào của TP”.

Giữ thị trường ổn định, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, sáng qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chỉ đạo “tăng cường kiểm soát lại giá cả, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, kiểm soát lại các cửa ngõ ra vào của TP”.

Ảnh minh họa

Do ảnh hưởng của nền kinh tế nên sức mua của người dân kém hơn các năm trước còn DN thì rụt rè hơn trong việc dự trữ hàng hóa. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này thị trường hàng hóa chuẩn bị cho người dân thủ đô đón Tết Quý Tỵ 2013 về cơ bản là tốt.

Để bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân trong và sau Tết nguyên đán 2013, bà Nguyễn Thị Như Mai - Phó Giám đốc Sở Công thương - cho biết, ước tính tổng lượng hàng hóa dự trữ được tăng thêm của hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn TP trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, Sở NN&PTNT tuyên bố sẽ tăng cường kiểm tra các kho dự trữ, chợ đầu mối, mở 300 điểm bán rau tại các khu đô thị để phục vụ rau sạch cho người dân. Ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - khẳng định, sẽ có các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, không để dịch bệnh xảy ra, trong đó đề nghị thành phố hỗ trợ 100% vắcxin dịch bệnh nguy hiểm và thuốc sát trùng và hỗ trợ vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để tăng số lượng, đáp ứng nhu cầu trong dịp Tết.

Lo ngại nhất mỗi dịp Tết là hiện tượng găm hàng, tăng giá, hàng giả, hàng kém chất lượng gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm nhất là với thị trường có sức tiêu thụ mạnh như Hà Nội. Dự báo của Sở Công thương cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng Hà Nội tháng 1 sẽ tăng khoảng 0,5% so với tháng 12/2012, trong đó chủ yếu là các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, rau củ quả.

Vì thế, 2 tháng qua, các cơ quan chức năng đã quyết liệt ra quân kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm. Cơ quan quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 2.014 vụ, xử lý 1.784 vụ vi phạm, thu gần 10 tỷ đồng tiền phạt. Theo bà Mai, các vi phạm chủ yếu là vi phạm về giá nên lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung làm rất quyết liệt để ngăn chặn những vi phạm này.

Bên cạnh đó, hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở nên đáng báo động đến nỗi “Đội quản lý thị trường kiểm tra vụ nào “dính” vụ đó mà toàn vụ lớn” như bà Mai phản ánh. Đại tá Đinh Xuân Bình - Phó Giám đốc Công an TP-  cũng cho biết, trong thời gian qua lực lượng công an đã thường xuyên kiểm tra, xử lý tội phạm buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ…hàng giả, hàng cấm, hàng lậu.

Tuy nhiên, các Sở ngành chức năng vẫn cần tăng cường kiểm tra kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn chặn buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu tại các cửa hàng kinh doanh lớn, các điểm tập kết chứa hàng lậu, kho tang bến bãi…, xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng tình hình để đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt nhằm đẩy giá bán lên cao, gây bất ổn định thị trường, vốn diễn ra nhiều vào dịp cuối năm.

Chỉ đạo công tác chuẩn bị hàng hóa, thị trường cho dịp Tết, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu đề nghị, các sở ngành cần tiếp tục tập trung nắm chắc, kịp thời tình hình chung về thị trường, hàng hóa, cung cầu; tăng cường kiểm soát lại giá cả, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, kiểm soát lại các cửa ngõ ra vào của TP. Đặc biệt, “nhất định không được đưa hàng kém chất lượng về phục vụ hàng hóa cho bà con ở ngoại thành, vùng xa xôi”.

H.Giang

Đọc thêm