Hà Nội: Uẩn khúc hàng loạt vụ mất trộm cổ vật

(PLO) - Hàng loạt các vụ mất trộm, đánh tráo cổ vật trong đình Thanh Mạc diễn ra một cách kỳ bí đang khiến người dân thôn Thanh Mạc (xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Nhiều cuộc họp thôn, xóm liên tục được tổ chức, lòng dân không phút giây nào nguôi ngoai nỗi tiếc nhớ những giá trị văn hóa, lịch sử được gìn giữ hàng trăm năm bỗng “bốc hơi” một cách khó hiểu.
Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an hình ảnh ở hai mẫu vật được chụp lại tại hai thời điểm năm 2010 và năm 2015 không cùng một chiếc đỉnh.

Hai kèo gỗ tiền tỷ biến mất và câu chuyện chiếc đỉnh bị tráo

Đình Thanh Mạc xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ thờ Tướng Phạm Bạch Hổ - một danh tướng từ thời Ngô Quyền. Hàng năm, đình Thanh Mạc là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, nghi lễ thiêng liêng truyền thống của người dân xã Thanh Đa. Chính vì thế, từ năm 1991 đình Thanh Mạc đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Tuy nhiên, vào ngày 19/7 ngôi đình này bỗng mất trộm hai kèo gỗ sưa trị giá hàng tỷ đồng khiến người dân vô cùng hoang mang, lo lắng.

Theo lời kể của ông Lê Minh Đạo (73 tuổi), thủ từ đình Thanh Mạc, sau giờ tập thể dục, ông Đạo vào thắp nhang, đốt đèn trong đình. Khi vừa bật đèn lên, ông Đạo giật mình khi thấy cửa phụ vào khu ban thờ bị mở toang, gậy chống cửa bên trong được dựng ngay góc nhà. Trong hậu cung, phía bên trên sát mái ngói phía Tây xuất hiện một lỗ hổng lớn, nhìn lên trên nóc thì hai thanh kèo bằng gỗ đã bị trộm cạy mất.

Theo các cụ cao niên trong làng, hai thanh gỗ bị trộm “cuỗm đi” là gỗ sưa nguyên bản - (một loại gỗ quý hiếm có giá hàng chục triệu đồng/kg) có niên đại cả vài trăm năm. Hai kèo gỗ bị mất có chiều dài khoảng 3 mét, rộng khoảng 20 cm, dài độ 6 – 8 cm, mỗi chiếc kèo nặng xấp xỉ gần 1 tạ. Ngoài ra, ông Đạo cho biết thêm, chiều hôm trước đó, ông cùng một số hội viên người cao tuổi của thôn đi giăng dây điện để thắp đèn. Cho đến tối trước khi ông và ông La đi ngủ vẫn chưa có chuyện gì xảy ra. Suốt cả đêm hôm đó cũng không thấy có động tĩnh gì.

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Bút (83 tuổi) thì: “Khoảng 5h chiều ngày 17/7, khi đi qua khu vực phía sau đình làng tôi có nhìn thấy một chiếc xe ôtô tải đậu sát tường bao phía sau khuôn viên đình. Ban đầu tôi chỉ nhìn thấy có khoảng 2 đến 3 người đứng lấp ló như chuẩn bị xếp cái gì đó lên xe. Giữa ban ngày như thế tôi không nghi vấn đó là kẻ trộm nên không không để ý”.

Ông Nguyễn Doãn Huệ - Trưởng thôn Thanh Mạc cho biết: “Trước khi xảy ra vụ trộm này, đình cũng từng bị hai lần trộm đột nhập chặt gỗ sưa trong khuôn viên đình. Trong đó, năm 2007 lợi dụng buổi tối trời mưa, kẻ trộm đã lẻn vào đình cắt đi một cây sưa lâu năm và 4 ngày trước khi xảy ra vụ mất hai kèo gỗ, khu vườn của đình cũng có một cây sưa còn non bị chặt trộm”. Theo người dân thôn Thanh Mạc, không chỉ mất gỗ sưa, đình Thanh Mạc còn rất nhiều câu chuyện khuất tất trong việc bảo quản các sản vật và cổ vật quý hiếm. Trong đó, phải nhắc đến nghi án đánh tráo chiếc đỉnh cổ, có niên đại hàng trăm năm, được xem là “báu vật” linh thiêng của ngôi làng.

Theo đơn trình báo sự việc gửi UBND xã Thanh Đa và các đơn vị chức năng, vào thời điểm ngày 7/3 Âm lịch 2015, khi thu dọn các đồ thờ cúng tại đình làng sau kỳ lễ hội, một số cụ cao niên trong làng phát hiện chiếc đỉnh trong đình thờ Thành hoàng làng có trọng lượng nhẹ hơn. Ngoài ra, các hoa văn chi tiết trên chiếc đỉnh cổ này cũng khác rất nhiều so với chiếc đỉnh mà dân làng Thanh Mạc trước đây vẫn sử dụng để thờ cúng.

Ông Lê Thế Hậu (67 tuổi) từng làm cụ trưởng, chủ tế, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Thanh Mạc cho rằng, hoa văn và phần chân chiếc đỉnh đồng hiện nay có sự khác biệt lớn với chiếc đỉnh cổ lâu đời. “Tôi và một số cụ như cụ Đông, cụ Chính, cụ Thành, cụ Uy, cụ Lý… là những người đã từng trông nom và lau chùi đỉnh cất đi rất nhiều lần nên không còn lạ gì. Đỉnh một năm được đem ra thờ tế 3 lần, sau khi dùng xong lại được cất đi và bảo quản cẩn thận. Chiếc đỉnh hiện tại hoàn toàn khác biệt với chiếc đỉnh mà chúng tôi sử dụng để tế lễ hàng năm”.

Trao đổi với phóng viên, cụ Hoàng Đình Chính (83 tuổi) cho biết: “Chiếc đỉnh đồng là cổ vật của đình Thanh Mạc đã có niên đại khoảng vài trăm năm, những hoa văn trên chiếc đỉnh đồng cổ khá tương đồng với hoa văn thời Nguyễn, tức là cách đây khoảng 200 - 300 năm. Nếu tính về giá trị cổ vật có thể lên tới cả tỷ đồng. Tuy nhiên, chiếc đỉnh đồng hiện tại thì lại có niên đại từ thế kỷ 20, trong khi đình chúng tôi đã có hàng trăm năm. Thế mà các cơ quan chức năng của huyện, thành phố lại cho rằng không có sự đánh tráo và kết luận chiếc đỉnh hiện tại là đỉnh ngày xưa thì thật là phi lý. Chúng tôi không thể chấp nhận điều vô lý đó được”.

Để phân tích rõ hơn chiếc đỉnh hiện tại và đỉnh cổ có khác nhau hay không, người dân thôn Thanh Mạc đã quyết định gửi hình ảnh chiếc đỉnh hiện tại và hình ảnh chiếc đỉnh được quay, chụp lại từ năm 2010 đến Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an để giám định. Sau quá trình giám định kỹ càng, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã có kết quả giám định dựa trên các bằng chứng được người dân cung cấp. Theo đó, Văn bản kết luận số 240/C54-P5 ký ngày 7/3/2016 thể hiện, hình ảnh ở hai mẫu vật được chụp lại tại hai thời điểm năm 2010 và năm 2015 không của cùng một chiếc đỉnh. Như vậy, việc giám định đã cho thấy rõ chiếc đỉnh hiện tại và chiếc đỉnh mà người dân thôn Thanh Mạc sử dụng trong tế lế nhiều năm qua là hoàn toàn khác nhau.

Uẩn khúc khiến dân làng dậy sóng

Nói về những vụ mất trộm cổ vật, cụ Hoàng Đình Chính tỏ ra vô cùng bức xúc: “Để lấy được hai cái vì kèo nặng tới cả tạ như vậy chắc chắn không phải chỉ một chốc, một lát là xong. Tôi nghi ngờ có “tay trong”. Tại sao nó lại không trộm vào buổi tối mà lại là ban ngày, điều này công an cần phải điều tra thật kỹ” - cụ Chính đặt nghi vấn.

Còn ông Lê Thế Hậu lại cho rằng: “ Việc mất trộm tài sản thiêng liêng của ngôi đình thôn đã làm cho người dân hết sức bức xúc. Từ chiếc đỉnh bị đánh tráo và hai thanh kèo gỗ sưa trị giá hàng tỷ đồng bỗng bốc hơi. Chắc chắn đã có kẻ nhòm ngó và lên kế hoạch cũng như có sự phối hợp của “nội gián” mới biết được hai thanh gỗ ấy là gỗ sưa mà trộm. Đình Thanh Mạc là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh của người trong thôn mà liên tục mất cổ vật là không thể chấp nhận, các cơ quan chức năng phải vào cuộc một cách quyết liệt, chứ người dân chúng tôi vô cùng bức xúc”. Ngoài ra ông Hậu cũng cho biết thêm: “Nghi án chiếc đỉnh bị đánh tráo còn chưa giải quyết được cho người dân thì bây giờ lại liên tiếp mất các món đồ quý giá khác. Vậy mà khi người thôn Thanh Mạc đi gõ cửa chính quyền địa phương, cơ quan cảnh sát điều tra thì chỉ nói qua loa không nhận thấy dấu hiệu một cách qua loa, đại khái rồi cho chìm vào quên lãng…thì không thể chấp nhận được”.

Nhận định về những vụ mất trộm đồ vật quý giá, Trưởng thôn Thanh Mạc  cho rằng, vụ mất trộm này không đơn giản chút nào vì nó xảy ra ở bên trong đình. Hai thanh kèo bị mất được gác ở dưới cổ diềm phía trong cùng hậu cung rất ít người biết đến. Việc để trộm cạy lấy đi hai thanh kèo là việc đáng xấu hổ với người đứng đầu thôn như tôi, dù đây là việc không ai mong muốn”.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Bá Khang, Trưởng Công an xã Thanh Đa cho biết, sau khi dân phản ánh, chính quyền địa phương cùng lực lượng công an đã nhanh chóng xác minh đồng thời báo cáo lên cơ quan cấp trên để phối hợp điều tra làm rõ. “Ngày 21/7/2016, UBND xã đã tổ chức buổi họp trao đổi với người dân về vấn đề liên tục mất cổ vật, trong đó chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng sẽ cố gắng hết sức để tìm ra thủ phạm. Đồng thời, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân trong quá trình cơ quan cảnh sát đang điều tra không nên quá nghi kị, vội vã quy trách nhiệm cho những người trông nom đình để tránh những điều đáng tiếc xảy ra”, ông Khanh cho hay.

Đọc thêm