Đau đớn trước các “thảm họa” trùng tu
Dư luận bàng hoàng, xót xa, phẫn nộ trước hàng loạt di tích hàng trăm năm bị “xẻ thịt”. Chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) ngót ngàn năm tuổi bị tàn phá khi nhà chùa tự ý dỡ nhà tổ và gác khánh để xây mới khi chưa được phép của các cơ quan chức năng. Đình cổ Quang Húc (xã Đông Quang, Ba Vì, Hà Nội), đơn vị thi công tu bổ di tích đã khiến các mảng chạm cổ kính bỗng biến mất, thay vào đó là những mảng chạm lạ lẫm. Chùa Sổ (Thanh Oai, Hà Nội) những mái ngói cổ bị đơn vị thi công vứt bỏ ngổn ngang khiến chúng vỡ nát, tự bổ sung các hạng mục mới. Đình Yên Phụ (Hà Nội) hạ giải toàn bộ cột gỗ thay bằng cột bê tông. Thành nhà Mạc (Tuyên Quang) sau khi trùng tu giống hệt “cái lò gạch” tức mắt. Chùa Nga Mi (Hoàng Mai, Hà Nội) đã bị xoá bỏ toàn bộ cái cũ, xây mới nhiều thành phần chịu ảnh hưởng từ tạo hình nước láng giềng. Đình Tiên Canh (Vĩnh Phúc, Hà Nội) đã trở nên tan hoang sau khi trùng tu…
Bảo tồn di sản, trùng tu, tôn tạo di tích đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, người làm nghề phải lĩnh hội và vận dụng nhuần nhuyễn tri thức từ ba lĩnh vực khoa học và thực tiễn: Lịch sử - khảo cổ học, văn hóa - mỹ thuật, kiến trúc - kỹ thuật xây dựng. Nhưng trên thực tế, có không ít di tích cổ bị “phá” dưới bàn tay của những cá nhân, công ty ít am hiểu về di sản. GS Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hoá truyền thống thẳng thắn, những người thi công coi tu bổ di tích như sửa nhà cửa chứ không phải tu bổ di sản văn hóa. Họ chỉ lo phần vỏ vật chất bên ngoài, không chú tâm vào tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử của công trình. Điều này dẫn tới “thảm họa” trùng tu.
Trước việc “bức tử” di tích này vừa qua, Nghị định 61/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh vừa được Chính phủ ban hành. Trong đó, về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề tu bổ di tích, Nghị định nêu rõ, tổ chức phải đáp ứng điều kiện: được thành lập theo quy định của pháp luật; có đủ điều kiện hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng; có ít nhất 2 người được cấp Chứng chỉ hành nghề lập quy hoạch tu bổ di tích…
Chứng chỉ hành nghề là cần chứ chưa đủ ?
Sự ra đời của Nghị định mang đến nhiều hy vọng rằng từ nay các tinh hoa văn hóa cổ không còn bị bị “xẻ thịt”, bị “xử tử” bởi bàn tay của những kẻ “khoác áo” tôn tạo, trùng tu di tích nữa. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn sự băn khoăn. Đó là Chứng chỉ trùng tu di tích. Bởi hiện nay, để có Chứng chỉ này người làm nghề chỉ học những lớp học ngắn hạn. Vậy lấy gì để đảm bảo chất lượng của nguồn nhân lực, để sẽ không có những di tích tiếp tục được “làm mới” ?
Thực tế ở nước ta hiện nay, chưa có trường đại học nào đào tạo nguồn nhân lực trùng tu di tích, chỉ một số trường đại học đào tạo kiến trúc sư, kỹ sư, có môn học và chuyên đề này. Còn đào tạo trùng tu di tích là đào tạo bổ sung, tức là, những người sau khi đã tốt nghiệp ở các trường đại học về kiến trúc, xây dựng, đã có kiến thức cơ bản về kiến trúc và xây dựng được đào tạo bổ sung thêm kiến thức về tu bổ.
Cách đây bốn năm, Bộ VHTT&DL ban hành Thông tư 18 quy định các tổ chức và cá nhân tham gia công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có chứng nhận, chứng chỉ hành nghề. Chứng chỉ hành nghề được Cục Di sản văn hóa - Bộ VHTT&DL cấp dựa theo nhiều điều kiện, trong đó yêu cầu phải có kinh nghiệm thực tiễn (đã tham gia thực hiện ít nhất ba công trình), bên cạnh đó phải có giấy chứng nhận đã tham gia lớp học bồi dưỡng về tu bổ di tích.
Từ năm 2010 đến nay, Viện Bảo tồn di tích - Bộ VH-TT&DL đã chủ động tổ chức được 16 khóa học đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ tu bổ di tích cho hơn 800 học viên. Mỗi khóa bồi dưỡng là rất cần thiết, tuy nhiên, một khóa đào tạo ngắn ngày (khoảng 4 tuần), thực tế chỉ có thể đủ bù lấp những kiến thức thiếu hụt cơ bản nhất mà chưa thể cung cấp hết những kiến thức và kỹ năng cần thiết về tu bổ di tích.
Ông Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết: “Những người làm công tác trùng tu di tích cần phải được đào tạo một cách bài bản, thay cho những khóa học ngắn hạn như hiện nay chỉ mang tính chất bồi dưỡng nghiệp vụ cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực này. Trùng tu di tích là một chuyên ngành khoa học liên quan đến nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật... không thể học trong thời gian ngắn mà làm tốt ngay được”.
Theo ông Vinh, việc yêu cầu phải có chứng chỉ và chứng nhận hành nghề sẽ loại trừ được những người chưa có kiến thức, năng lực tham gia vào công tác tu bổ di tích. Tuy nhiên, chứng chỉ hành nghề là cần chứ chưa đủ cho việc trùng tu di tích. Chứng chỉ hành nghề đơn giản chỉ có ý nghĩa xác nhận những người được phép tham gia hoạt động trùng tu chứ chưa thể đảm bảo việc người được cấp chứng chỉ có đủ trình độ để không làm biến dạng, mất mát giá trị của di tích.