Hà Nội: Vụ tranh chấp thừa kế kéo dài 16 năm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo hồ sơ vụ kiện, ông Bùi Tiến Dũng và Bùi Tiến Cường là bị đơn trong vụ kiện chia thừa kế căn nhà 61B Lò Sũ (phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) với người anh là ông Bùi Tiến Thành từ năm 2008. Vụ tranh chấp 16 năm nay qua nhiều lần xét xử, nay vẫn chưa đến kết quả cuối cùng.
Nhà số 61B Lò Sũ. (Ảnh: Gia Hải)
Nhà số 61B Lò Sũ. (Ảnh: Gia Hải)

Chưa đủ cơ sở kết luận chữ ký “Lâm” trong di chúc

Ngôi nhà 61B Lò Sũ là tài sản để lại của cụ Bùi Khắc Lâm (qua đời năm 1998) và cụ Nguyễn Thị Thịnh (qua đời năm 2001). Hai cụ có 10 con chung và 1 con riêng.

Tại nhà 61B, có gia đình 3 người con là ông Dũng, ông Cường, ông Đức (vợ là bà Loan) sống. Sau đó, ông Bùi Tiến Thành là con hai cụ đã xuất trình di chúc đề ngày 18/9/1992. Ông Thành yêu cầu ông Dũng, ông Cường, ông Đức bàn giao nhà cho mình, vì trong di chúc có nội dung ngôi nhà sẽ thuộc quyền sở hữu ông Thành. Đề nghị này không được đồng thuận vì cho rằng bản di chúc có một số điểm cần làm rõ.

Trong đơn khởi kiện ngày 28/7/2008, ông Thành cho rằng bố mẹ đã di chúc lại toàn bộ nhà đất cho mình. Lúc làm di chúc, bố mẹ ông hoàn toàn minh mẫn, khoẻ mạnh, không bị ai ép buộc dụ dỗ. Bản di chúc này được Phó Chủ tịch UBND phường xác nhận, đóng dấu. Nguyên đơn cho rằng bản di chúc là hợp pháp.

Ngày 30 - 31/8/2012, TAND Hà Nội ra Bản án sơ thẩm 42/2012/DSST. Trong bản án này có lời khai của nguyên đơn đề nghị Toà giải quyết theo di chúc ngày 18/9/1992. Về phía ông Dũng, không đồng ý, cho rằng di chúc có yếu tố giả mạo, mẹ ông (cụ Thịnh) không biết chữ. Trong đơn thư gửi cơ quan chức năng, ông Dũng - ông Cường cho rằng bản di chúc là giả mạo vì số CMND của bố ông sai, năm sinh của mẹ ông sai; di chúc có dấu hiệu bị tẩy xoá; chữ ký không đúng…

Ngày 12/9/2013, TAND cấp cao tại Hà Nội có Bản án phúc thẩm 168/2013/DS-PT, xác định việc sai số CMND (là số 3 hay số 5) của cụ Lâm cũng như năm sinh của cụ Thịnh (là 1921 hay 1922), không ảnh hưởng đến nội dung di chúc; nên di chúc đã tuân thủ cả về hình thức và nội dung. Bản án phúc thẩm giữ nguyên phán quyết của cấp sơ thẩm.

Ngày 15/2/2017, TAND tối cao có Quyết định 02/2017/DS-GĐT giám đốc thẩm với bản án trên, nêu rõ: Theo Kết luận giám định 2015/C54-P5 ngày 12/8/2013 của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) thì chữ ký “Lâm” trong di chúc do ông Thành xuất trình; với tài liệu mẫu là chữ ký “Lâm” trong hợp đồng đổi nhà năm 1966 (do ông Thành cung cấp); và chữ ký “Lâm” trong Giấy khai sinh năm 1962 (do ông Dũng cung cấp); là không đủ cơ sở kết luận người ký.

Còn chữ ký “Lâm” trong di chúc, với chữ ký “Lâm” trong “Đơn gửi UBXDCB TP Hà Nội và Sở Lao động Hà Nội” ngày 14/6/1988 (do ông Dũng xuất trình); là không phải một người ký ra.

Do đó, chưa đủ cơ sở kết luận chữ ký “Lâm” trong di chúc nguyên đơn xuất trình, có đúng là chữ ký của cụ Lâm hay không.

TAND tối cao nhận định cần giám định chữ ký cụ Thịnh

Quyết định của TAND tối cao cũng cho rằng lời khai việc cụ Thịnh không biết chữ, hay cụ Thịnh đã học qua lớp xoá mù chữ, là đang có mâu thuẫn; nhưng chưa được làm rõ.

TAND tối cao nhận định lẽ ra cấp sơ và phúc thẩm phải thu thập tài liệu chứng cứ để làm rõ cụ Thịnh có biết chữ không và chữ ký của cụ Thịnh (nếu có) để giám định. Từ đó mới có căn cứ xác định chữ “Thịnh” trong di chúc mà nguyên đơn xuất trình có phải là chữ ký của cụ Thịnh hay không.

TAND tối cao nhận định cấp sơ và phúc thẩm chỉ căn cứ vào di chúc nguyên đơn xuất trình để chấp nhận yêu cầu chia thừa kế theo di chúc là chưa đủ cơ sở. TAND tối cao quyết định huỷ hai bản án sơ và phúc thẩm.

Ngày 17/9/2020, TAND Hà Nội xử sơ thẩm, ra Bản án 54/2020/DSST. Ngày 13/3/2023, Bản án 124/2023/DS-PT của TAND cấp cao tại Hà Nội hủy Bản án sơ thẩm 54, giao hồ sơ vụ án cho TAND Hà Nội giải quyết, xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

Trong đơn gửi cơ quan chức năng mới đây, phía bị đơn cho rằng sự việc đã kéo dài 16 năm, nhiều lần xét xử, nên mong muốn TAND Hà Nội giải quyết vụ án theo đúng quy định pháp luật.

Đọc thêm