Vụ việc nữ sinh 14 tuổi bị lột quần áo, ép hút thuốc lá, hậu quả không lường của bạo lực học đường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạo lực học đường là vấn đề được xã hội quan tâm mà đối tượng chủ yếu là các em học sinh với nhiều câu chuyện, vụ việc để lại hậu quả hết sức to lớn. Dưới góc nhìn của luật sư tình trạng này đáng lo ngại ra sao và phải làm gì để ngăn chặn?
Vụ việc nữ sinh 14 tuổi bị lột quần áo, ép hút thuốc lá, hậu quả không lường của bạo lực học đường

Theo Công an TP Hà Nội, vào chiều ngày 6/6/2024, xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, một nữ sinh lớp 6, Trường THCS Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ đã bị một nhóm học sinh (đang học tại một số trường THCS) đánh, lột quần áo, ép hút thuốc lá. Sự việc sau đó được quay lại và đăng tải lên mạng xã hội.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Giám đốc Công an Thành phố đã chỉ đạo Công an huyện Chương Mỹ khẩn trương phối hợp các đơn vị nghiệp vụ xác minh, xử lý vụ việc theo quy định của của pháp luật.

Qua xác minh, Công an huyện Chương Mỹ đã làm rõ 7 trường hợp liên quan đến vụ việc. Hiện Công an huyện Chương Mỹ đã hướng dẫn Nhà trường phối hợp gia đình các học sinh quản lý, giáo dục con em, phòng ngừa các hành vi vi phạm tái diễn. Đồng thời, tiếp tục điều tra, xử lý vụ việc theo quy định.

Từ vụ việc trên, chúng ta không thể không lo ngại về tình trạng Bạo lực học đường và những hệ luỵ khôn lường của nó. Dưới đây là quan điểm và góc nhìn của Luật sư đối với tình trạng Bạo lực học đường xảy ra trong môi trường giáo dục hiện nay.

Một luật sư thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội bày tỏ: tình trạng Bạo lực học đường diễn ra phổ biến, với nhiều lý do, gồm yếu tố khách quan và chủ quan. Cụ thể, chủ yếu xuất phát từ chính nhận thức của các em. Trong độ tuổi từ 12 – 17 tâm lý, nhận thức, sự trải nghiệm chưa đầy đủ, nên các em rất dễ nổi nóng, bị lôi kéo và kích động.

Gia đình, nhà trường có tầm quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, suy nghĩ, hành động của các em. Sống trong gia đình không hạnh phúc, thường xuyên chứng kiến cảnh đòn roi, bạo lực, khiến đứa trẻ dễ bắt chước. Thêm vào đó, việc cha mẹ nuông chiều, không sát sao, buông lỏng việc giáo dục là môi trường để các em sống theo cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực. Tâm lý phó mặc, đổi lỗi cho giáo viên, nhà trường trong việc đào tạo, giáo dục học sinh của các bậc phụ huynh vẫn tồn tại, và sự phát triển của mạng xã hội khiến cha mẹ với con có những rào cản nhất định.

Bên cạnh đó nhà trường đang tập trung chú trọng vào đào tạo kiến thức, ít quan tâm hoặc quan tâm không đúng mức đến kỹ năng, cách xử lý tình huống, nên khi học sinh bị bạo lực học đường giáo viên, nhà trường rất lúng túng trong việc giải quyết vấn đề.

Hậu quả khôn lường của bạo lực học đường

Bạo lực học đường gây tổn thương đến thân thể cho học sinh từ những tổn thương nhẹ đến các thương tích nghiêm trọng trên cơ thể. Đa phần để lại thiệt hại về người, những mất mát về thể xác, tinh thần cho học sinh và gia đình.

Thời gian có thể làm dịu đi những vết thương về thể xác nhưng những kí ức về việc bị bạo lực học đường hằn sâu vết thương lòng, ám ảnh tâm lý, khiến các em chìm trong lo âu, sợ hãi. Nỗi ám ảnh ấy có thể theo suốt cuộc đời, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách và hòa nhập cộng đồng.

Có thể thấy bên cạnh vụ việc đáng tiếc xảy ra tại Chương Mỹ còn có rất nhiều những trường hợp bạo lực học đường khác xảy ra. Như trong vụ việc nữ sinh lớp 6 trường THCS Trần Quang Khải (Đà Nẵng) bị ba bạn nữ kéo lê trên nền bê tông, đạp vào người, tát vào mặt, dẫn đến chấn động não xảy ra vào ngày 11/4/2024; hay vụ việc một học sinh lớp 7 ở Thạch Thất, Hà Nội đã bị các bạn đánh đến mức phải điều trị tâm thần tại Bệnh viện Bạch Mai, hiện nam sinh này vẫn chưa thể đi học trở lại sau khi phát bệnh tâm thần,…

Hệ lụy không chỉ bó hẹp trong phạm vi cá nhân, mà còn lan rộng ra gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Niềm tin vào môi trường giáo dục bị lung lay, nghi ngờ, bất an trong cộng đồng. Vấn nạn này kêu gọi sự chung tay đẩy lùi từ gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Hành vi bạo lực học đường bị xử lý như thế nào?

Theo quy định hiện hành, tùy vào độ tuổi, mức độ, tính chất, hậu quả của hành vi mà học sinh đánh bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật, thậm chí là phải chịu trách nhiệm hình sự.

Về xử phạt hành chính, theo Luật xử lý vi phạm hành chính, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

Khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, việc học sinh đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường thuộc các trường hợp học sinh không được làm, sẽ bị xử lý theo một trong các hình thức: Phê bình; Khiển trách và thông báo với gia đình; Cảnh cáo ghi học bạ; Buộc thôi học có thời hạn.

Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, tùy vào tính chất, mức độ tổn thương của người bị đánh mà học sinh đánh bạn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích” tại Điều 134 BLHS 2015.

Về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, Điều 12 BLHS 2015 sửa đổi quy định, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Người từ đủ 14-dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, căn cứ Điều 599 Bộ luật Dân sự 2015, người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

Trường học không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý; trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường.

Tuy nhiên, không một sự trừng phạt hay đền bù nào là thỏa đáng đối với những tổn thương về thể chất cũng như tinh thần mà các em là nạn nhân của bạo lực học đường phải mang theo suốt cuộc đời.

Để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường, hiện nay chúng ta cần nâng cao trách nhiệm của nhà trường và phụ huynh thông qua quá trình tuyên truyền. Nhà trường, phụ huynh, cơ quan các cấp cần thường xuyên quan tâm, theo dõi và nắm bắt tình hình của các em học sinh trong lớp mình chủ nhiệm hoặc tham gia giảng dạy đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm và giáo viên tham gia dạy kỹ năng sống.

Đồng thời, nhà trường, gia đình cũng cần tăng cường hỗ trợ phổ biến kiến thức pháp luật về bạo lực học đường, bạo lực học đường là hành vi xấu, cần ngăn chặn để bảo vệ các em học sinh khỏi những hệ lụy tiêu cực của bạo lực học đường gây ra, theo quy định tại Nghị định 80/2017/NĐ-CP về môi trường giáo dục an toàn.

Đọc thêm