Theo Văn bản số 9077/SXD-QLN ngày 29/9/2017 của Sở Xây dựng Hà Nội, nhà số 187 phố Bà Triệu là biệt thự 3 tầng, nhóm 3, do Xí nghiệp Quản lý nhà ký hợp đồng cho 10 hộ thuê để ở. Hiện đã có 4 hộ mua nhà theo Nghị định 61/CP, còn 6 hộ chưa mua, trong đó có hộ ông Lâm Ngọc Thụ. Ông Thụ đứng tên Hợp đồng thuê nhà số 5364 ngày 8/11/1994 tại tầng 2, diện tích 30 m2. Ông Thụ chết, hai con ông Thụ là Lâm Ngọc Chi và Lâm Ngọc Thắng tiếp tục sử dụng (chưa ký lại hợp đồng thuê nhà).
Trong quá trình sử dụng, ông Thắng đã cải tạo, xây dựng thêm tầng 2 và tầng 3 trên nóc nhà vệ sinh chung của cả số nhà. Do công trình liền kề nhà vệ sinh đã bị phá dỡ, bức tường chịu lực chính để đỡ phần xây dựng thêm của ông Thắng đã bị phá nham nhở, đe dọa đến an toàn của người dân và của toàn công trình.
Để bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và tài sản, Sở Xây dựng đề nghị: UBND quận Hai Bà Trưng, UBND phường Lê Đại Hành thực hiện làm biển cảnh báo công trình nguy hiểm để cảnh báo người dân về nguy cơ sập đổ công trình tại 187 phố Bà Triệu để nhân dân biết và có biện pháp phòng ngừa; Phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội tuyên truyền, vận động gia đình ông Lâm Ngọc Chi và Lâm Ngọc Thắng di chuyển ra khỏi công trình nguy hiểm, tự nguyện tháo dỡ công trình do gia đình xây dựng trái phép tại 187 phố Bà Triệu, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và tài sản.
Trường hợp gia đình không tự nguyện tháo dỡ, đề nghị UBND quận Hai Bà Trưng kiểm tra, có phương án xử lý vi phạm về trật tự xây dựng đô thị đối với phần diện tích xây dựng thêm không phép của gia đình ông Lâm Ngọc Thắng tại 187 phố Bà Triệu”.
Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng giao trách nhiệm cho Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển có văn bản yêu cầu ông Chi, ông Thắng tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, nguy hiểm tại 187 phố Bà Triệu; phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết vụ vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng này.
Tuy nhiên, không hiểu vì sao công trình sai phạm nêu trên vẫn không bị xử lý nên bà Loan phải có đơn tố cáo một số cán bộ thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu bao che sai phạm, tạo điều kiện cho công trình trái phép được tồn tại.
Giải quyết đơn của bà Loan, ngày 30/5/2018, UBND TP Hà Nội có Kết luận số 56/KL-UBND, khẳng định rõ, “Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội; Xí nghiệp quản lý và Phát triển nhà Hai Bà Trưng, UBND phường Lê Đại Hành buông lỏng quản lý để cho các hộ dân sử dụng, xây dựng không phép, vi phạm trật tự xây dựng…”.
Công trình xây dựng trái phép, gây nguy hiểm vẫn ngang nhiên tồn tại giữa Thủ đô. |
Khi nhận được đơn của bà Loan đề nghị giải quyết việc xử lý công trình vi phạm của hộ ông Chi, ông Thắng, UBND phường Lê Đại Hành chưa xem xét, trả lời bà Loan là chưa làm hết trách nhiệm trong công tác giải quyết đơn thư công dân.
Tại văn bản trên, UBND TP Hà Nội yêu cầu Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội; Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà Hai Bà Trưng kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc không thường xuyên kiểm tra giám sát, nắm bắt việc sử dụng các diện tích sử dụng chung tại biển số nhà 187 Bà Triệu để các hộ dân có hành vi cơi nới, lấn chiếm phần diện tích sử dụng chung, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện phức tạp.
UBND quận Hai Bà Trưng, UBND phường Lê Đại Hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chưa kịp thời xử lý công trình nguy hiểm theo quy định. Yêu cầu khẩn trương thực hiện hướng dẫn của Sở Xây dựng về xử lý công trình nguy hiểm, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho các hộ dân trong biển số nhà 187 phố Bà Triệu”.
Cần nhắc lại rằng, hướng dẫn của Sở Xây dựng đã nêu rõ, trường hợp không tự nguyện tháo dỡ, đề nghị UBND quận Hai Bà Trưng kiểm tra, có phương án xử lý vi phạm về trật tự xây dựng đô thị đối với phần diện tích xây dựng thêm không phép của gia đình ông Thắng tại 187 phố Bà Triệu.
Nhưng từ khi có UBND TP Hà Nội có Kết luận và giao nhiệm vụ như trên, 2 tầng xây dựng trái phép, có nguy cơ sập đổ tại số nhà 187 phố Bà Triệu vẫn ngang nhiên tồn tại, đe dọa đến sức khỏe tính mạng của người dân ở đây?
Nhiều năm gần đây, Hà Nội luôn đề cao việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức và tăng cường công tác bảo đảm trật tự đô thị và văn minh đô thị. Vậy, không biết điều gì khiến việc xử lý dứt điểm một công trình xây dựng trái phép, nguy hiểm ngay giữa Thủ đô lại khó khăn, kéo dài đến như vậy?