Bỗng dưng vướng lao lý
Ông Cường được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án dân sự “Yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và bồi thường thiệt hại”, giữa nguyên đơn là ông Lê Ngọc Thiện, bị đơn là bà Lương Thúy Lành.
Sự việc xảy ra từ tháng 2/2016 và đã qua vài lần tranh kiện không xong, mới đây, TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế buộc phải rút hồ sơ để xử lý lại theo trình tự sơ thẩm. Điều đáng nói, do vướng vào tranh chấp này, 3 năm qua, ông Cường và gia đình bị thiệt hại nặng nề về kinh tế cũng như thiệt hại về danh dự do bị TAND TP.Huế áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bị cho là trái pháp luật.
Hồ sơ vụ việc cho thấy, tháng 11/2015, vợ chồng ông Cường nhận chuyển nhượng nhà đất số 23 Hai Bà Trưng, phường Vĩnh Ninh, TP.Huế của vợ chồng ông Lê Thanh và bà Lương Thúy Lành được thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật. Ngày 31/12/2015, UBND TP.Huế cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCN) số CC 150126 công nhận quyền quyền sở hữu, sử dụng của gia đình ông Cường.
Nguồn gốc nhà đất trước đây vốn do vợ chồng ông Thanh, bà Lành nhận chuyển nhượng của vợ chồng ông Thiện, việc chuyển nhượng cũng đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. GCN của ông Thiện cũng đã được cơ quan quản lý Nhà nước điều chỉnh sang tên cho vợ chồng bà Lành từ năm 2015 trước khi chuyển nhượng cho người thứ ba ngay tình (là vợ chồng ông Cường).
Song rất bất ngờ, ông Thiện lại có đơn khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đã ký với vợ chồng ông Thanh, bà Lành, hủy hợp đồng chuyển nhượng giữa vợ chồng ông Thanh, bà Lành với vợ chồng ông Cường.
Trong quá trình giải quyết vụ án, TAND TP.Huế đã ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 220/2016/QĐ-BPKCTT ngày 02/6/2016, buộc ông Cường phải mở khóa cửa, giao nhà cho vợ chồng ông Thiện quản lý.
Ông Cường cho rằng, việc ký quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là vi phạm pháp luật. “Tuy nhiên, vì tôn trọng cơ quan tố tụng, tôi đã chấp nhận giao chìa khóa ngôi nhà. Nhưng đến nay, sau gần 3 năm, vụ kiện giữa ông Thiện, bà Lành chưa xong, vợ chồng tôi bị thiệt hại nặng nề do hậu quả từ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được cho là trái pháp luật”, ông Cường bức xúc.
Quyết định bị cho thiếu căn cứ pháp lý
Theo ông Cường, việc tranh chấp giữa ông Thiện, bà Lành không hề liên quan đến gia đình ông, bởi việc mua bán ngôi nhà 23 Hai Bà Trưng, phường Vĩnh Ninh, TP.Huế đã được pháp luật thừa nhận. “Tuy nhiên, chỉ vì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND TP.Huế, gia đình tôi đã bị tước đoạt quyền lợi chính đáng từ ngày 02/06/2016 đến nay”, ông Cường ngao ngán.
Cũng theo ông Cường gần 3 năm qua, gia đình ông bị thiệt hại nặng nề về tâm lý và nhất là mất đi cơ hội kinh doanh từ quyết định của tòa. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, ông Cường đã có đơn gửi TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND TP.Huế, tuy nhiên, đến nay không hiểu vì lý do gì vẫn chưa hề được giải quyết và trả lời.
Quan điểm của một số luật sư về vụ việc cho rằng, thời điểm TAND TP.Huế ban hành Quyết định số 220 ông Thiện và bà Huế không phải là chủ sở hữu ngôi nhà mà thuộc quyền sở hữu hợp pháp của vợ chồng ông Cường.
Đến nay cũng chưa có bất kỳ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nào hủy bỏ GCN cấp cho vợ chồng ông Cường và vợ chồng ông Cường không ủy quyền, không giao nhà đất trên cho ai quản lý. Như vậy, tại thời điểm TAND TP.Huế ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là không có căn cứ…
Việc TAND TP.Huế buộc ông Cường phải mở cửa nhà 23 Hai Bà Trưng của mình, giao cho vợ chồng ông Thiện quản lý là không có căn cứ, trái với quy định tại Điều 168, 169, 182, 184, 185, 186 Bộ luật Dân sự năm 2005 và Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013.