Hai điểm nóng ô nhiễm nhiều năm 'chờ giải quyết' ở Đà Nẵng

(PLVN) - Tình trạng ô nhiễm môi trường tại thôn Phước Hậu (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) do bị ảnh hưởng của cơ sở kinh doanh than Đông Bắc (thuộc Công ty CP Than Đông Bắc, Quảng Ninh) được biết đến suốt 10 năm qua.  Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) cũng là điểm nóng ô nhiễm liên tục được nhắc đến. Sau rất nhiều phản ánh, tình trạng vẫn chưa được xử lý triệt để.
Kênh nước đen sì bên mỏ than

Mỏ than trên núi gây ô nhiễm 

Vào những ngày nắng, người dân thôn Phước Hậu thường xuyên chịu cảnh bụi than từ bãi chứa than Đông Bắc bay đến gây bụi bặm, dính bẩn, ô nhiễm mọi đồ dùng sinh hoạt, nguồn nước… Ông Bùi Thanh Minh (ngụ thôn Phước Hậu) cho biết, mùi than nồng nặc khét lẹt làm ai nấy vô cùng khó chịu.

Người già, trẻ em thường xuyên đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp. Kho bãi chứa than chỉ cách khu dân cư một con đường rộng 5m, hàng đêm tiếng động cơ xe tải trọng tải lớn, rồi máy xúc hoạt động rầm rầm làm người dân không ngủ được… 

Theo ông Minh, bức xúc nhất hiện nay vẫn là tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm, thấy rõ nhất vào những ngày mưa. Nguồn nước thải từ bãi chứa than đã làm ô nhiễm hoàn toàn khe nước tự nhiên trên núi ngay sát thôn, làm hơn 11 ha đất nông nghiệp không thể canh tác được nữa, phải bỏ hoang.

Việc chăn nuôi cũng bị thiệt hại. Ông Minh dẫn chứng, cả khu dân cư trước đây có hơn 200 con bò, nhưng do uống nguồn nước ô nhiễm từ bãi than đã bị bệnh, chết, đến nay chỉ còn không đầy 20 con. Tất cả nước giếng sinh hoạt trong khu vực đều bị ngấm nước từ bãi than trở thành màu đen, bốc mùi hôi thối không thể sử dụng…  

Thời gian qua, PLVN cũng đã có một số ghi nhận, phản ánh tình trạng trên. Sau đó đại diện phía cơ sở mỏ than thông tin, để hạn chế tiếng ồn, đơn vị ngừng hoạt động vào ban đêm, chỉ làm việc giờ hành chính. Tuy nhiên phía người dân không đồng tình với nội dung trả lời này.

Trao đổi báo chí, ông Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết, từ năm 2017, người dân thôn Phước Hậu đã kiến nghị lên xã, lên huyện về tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến khu dân cư ở cơ sở kinh doanh than Đông Bắc. Phòng Tài nguyên – Môi trường (TNMT) huyện đã tiến hành kiểm tra và đã có Công văn số 672, ngày 11/12/2017 trả lời kiến nghị người dân. 

Theo công văn này: “Phòng TNMT phối hợp UBND xã Hòa Nhơn, Trung tâm quan trắc TNMT Đà Nẵng, lấy mẫu phân tích mẫu nước thải tại vị trí đập tràn hệ thống lọc cơ sở kinh doanh than Đông Bắc. Kết quả phân tích thử nghiệm ngày 4/12/2017 cho thấy các chỉ tiêu, thông số tại vị trí lấy mẫu nước thải ra môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn 40: 2011/BTNMT quy chuẩn Quốc gia về nước thải công nghiệp…”. 

Công văn này cũng yêu cầu cơ sở kinh doanh than Đông Bắc xây dựng hệ thống thu gom nước thải, xây dựng tường rào chắn, không để nước mưa chảy từ bãi chứa than ra khu dân cư, phải hoàn thành trước ngày 15/1/2018.

Hàng ngày phải dùng xe phun nước chống bụi, quét dọn sạch sẽ nước thải than và bụi than khu vực cổng ra vào cơ sở và tuyến đường giao thông vào cơ sở.  Cũng theo ông Phát, UBND xã đã đề xuất chuyển cơ sở kinh doanh than Đông Bắc vào Cụm Công nghiệp Hòa Nhơn trong thời gian tới khi Cụm Công nghiệp này được xây dựng tại thôn Phước Thuận.

Đến nay đã quá hạn yêu cầu xây dựng hệ thống thu gom nước thải, người dân lại tiếp tục có phản ánh cho rằng, tình trạng gây ô nhiễm môi trường của kho bãi chứa than Đông Bắc đối với khu dân cư vẫn chưa được cải thiện.

Ô nhiễm kéo dài ở cảng cá

Đi vào hoạt động từ năm 2004, Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang có diện tích 58 ha mặt nước, bốn ha trên bờ. Theo đánh giá, Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đang chịu nhiều áp lực về môi trường.

Ông Phạm Bá Hùng, Phó Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang (BQL) cho biết, bình quân số lượng tàu thuyền neo đậu trong Âu thuyền khoảng 400 chiếc mỗi ngày, số lượng tàu thuyền cập cảng khoảng 50 - 55 lượt mỗi ngày đêm, vào những ngày mưa bão số lượng tàu thuyền neo đậu lên đến 800, thậm chí 1.200 chiếc khi cao điểm…

Cảnh ô nhiễm tại Âu thuyền Cảng cá Thọ Quang

Ngoài ra, tại đây còn có chợ đầu mối, hàng ngày tập trung hàng nghìn lao động, tư thương lưu trú, buôn bán, sinh hoạt. Theo thống kê, năm 2017, tổng lượng rác thải tại khu vực khoảng 1.656 m3 rác thải, năm 2018, gần 2.000 m3 rác thải…

Với lượng rác thải khổng lồ như thế, nhưng Đội Môi trường của BQL chỉ có 14 cán bộ, nhân viên hàng ngày thực hiện nhiệm vụ dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải 8 tiếng mỗi ngày, kể cả ngày lễ, tết, dội rửa, phun vi sinh khử mùi tại khu vực chợ, nhà chứa rác, cầu cảng.

“Có thể nói công việc làm không xuể, có những hôm thời tiết thay đổi, số lượng tàu thuyền vào nhiều, đội môi trường phải mất tới 2-3 ngày mới dọn xong lượng rác thải ra”, ông Hùng nói. 

Để đảm bảo môi trường, ngoài dọn rác, theo ông Hùng, đơn vị còn vận động tư thương lắp đặt 1 cân điện tử tại vị trí cầu cảng số 3, đầu tư 1 xe điện chở thùng rác… nhằm nâng cao năng lực bố xếp hàng hóa, giải phóng hàng nhanh, không để cá vụn, nước thải rơi vãi trong quá trình vận chuyển. Đặc biệt, nhanh chóng hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo trạm xử lý nước thải…

Ông Phạm Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng Âu thuyền Cảng cá Thọ Quang thừa nhận, mặc dù đơn vị đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, nhưng đấy mới chỉ dọn dẹp phần rác thải cứng.

Vấn đề nan giải nhất với âu thuyền, cảng cá vẫn là mùi hôi. Ông Thành thông tin, mùi hôi có từ các nguồn: Từ vận chuyển làm rơi vãi nước thải, cá vụn trên đường khu vực cảng cá, vấn đề này đã được xử lý bằng hóa chất tẩy rửa, điện giải; mùi hôi bùn nước từ đáy lòng hồ âu thuyền.

“Trên thực tế địa lý, bản chất Âu thuyền là một cái ao tù, chỉ có một đường thông ra duy nhất tại vịnh Mân Quang, năm 2010, đã có ý kiến đề xuất từ Sở NN-PTNT sẽ đào một kênh dẫn nước từ sông Hàn phía bờ Nại Hiên Đông, thông vào Âu thuyền, tạo dòng chảy lưu thông, nhưng không hiểu lý do gì, ý kiến ấy đã không thực hiện được”, ông Thành nói.

Ngoài ra, việc người dân thiếu ý thức, thường xuyên vứt rác xuống Âu thuyền cũng đang trở thành vấn đề nan giải. Mặc dù BQL đã thường xuyên tuyên truyền bằng mọi hình thức và cho ký cam kết với các chủ tàu thuyền, nhưng để xử lý hành vi này khó thực hiện, do BQL là đơn vị sự nghiệp  không có chức năng xử phạt; phạm vi quá rộng, nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia hoạt động trong khu vực.

Đọc thêm