Đồ điện phải sử dụng theo giờ
Một buổi tối ở lại làng Nhân Nghĩa mới có thể hiểu hết được những điều khó nói thành lời của bà con nơi đây. Cảnh tượng thường trực ở nơi đây là, nồi cơm điện có những lúc phải “ướm” ngay từ sớm, nếu cắm muộn thì cơm chẳng thể chín, máy giặt có mà chẳng giặt được vì điện quá yếu... Không chỉ vậy, trong một ngày mà có tới hơn chục lần điện bị ngắt đột xuất.
Đáng nói, mùa hè cũng như mùa đông, điện nơi đây luôn trong cảnh chập chờn, nhất là vào khung giờ cao điểm. Giờ cao điểm sử dụng điện ở nơi đây là khoảng từ 10 -12h trưa, 16 -20h tối, đây là khung thời gian nhiều người sử dụng điện và điện lưới thường xuyên bị cắt. Bà Đ.T.H người dân làng Nhân Nghĩa cho hay: “Quanh năm điện yếu, nhất là vào mùa hè. Có những khi trời nóng và oi, nhưng điện thì cứ chập chờn như “trêu ngươi” chúng tôi. Gia đình tôi muốn lắp điều hòa cho thằng cháu nội mà điện chập chờn thế này chưa dám lắp”.
Những chiếc bình kích điện giờ đã trở thành vật dụng quen thuộc, rất nhiều hộ gia đình phải dùng bộ đổi điện để tăng điện áp sử dụng trong nhà. Cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng rất lớn từ lưới điện yếu. Theo tìm hiểu, nhiều gia đình không dám lắp đặt và sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện năng quá lớn. Bà N.T.H chia sẻ: “Muốn cắm được cơm chiều thì phải cắm từ lúc 2h30 -3h30, lúc đó cơm mới chín. Còn nếu cắm muộn một chút thì chỉ có nước đổ cơm đi”.
Không chỉ vậy, tuy trong nhà có thiết bị sử dụng điện nhưng lại đành “xếp xó” vì điện lưới quá kém. Bà Đ.T.H cho hay: “Máy giặt nhà tôi mua cũng khá lâu rồi, nhưng muốn giặt máy thì tôi phải đợi đến tận đêm mới có thể dùng vì lúc đó máy mới hoạt động được”.
Nhìn cô con gái út phải học trong điều kiện thiếu ánh sáng, bà Đ.T.H tâm sự: “Cháu út nhà tôi giờ đang học tiểu học, đi học ở lớp về là tôi phải giục cháu làm bài tập ngay, có khi cả nhà có mỗi cái bóng đèn tích điện phải ưu tiên để cháu học. Sống ở thành phố mà nhiều khi như ở vùng sâu, vùng xa vậy”.
Được biết, nguyên nhân điện lưới chập chờn là do làng Nhân Nghĩa vẫn chưa có tủ điện riêng. Đường dây điện tuy được thay mới, sửa chữa theo từng năm nhưng do nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày một tăng nên tình trạng điện chập chờn vẫn thường xuyên xảy ra.
Bóng đèn tích điện là “bạn” mỗi buổi tối ăn cơm của gia đình bà Đ.T.H. |
Bao giờ điện được ổn định?
Dù đã sáp nhập với thành phố từ năm 2008, nhưng đến nay điện lưới của xã Nam Đồng vẫn trong tình trạng phập phù nơi này sử dụng, nơi kia bị cắt. Theo tìm hiểu của chúng tôi, lưới điện tại xã được nhiều công ty tư nhân nhận thầu và mỗi đơn vị thầu sẽ quản lý lưới điện của một làng. Tuy hàng năm, các đơn vị nhận thầu vẫn sửa chữa, thay mới đường dây nhưng tình hình vẫn không mấy cải thiện.
Ông Đỗ Văn Tảy, Trưởng thôn Nhân Nghĩa chia sẻ: “Điện lưới yếu gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của bà con nhân dân. Mặc dù đã có đề xuất lên cấp trên nhưng đến nay chịu thiệt thòi vẫn là người dân, còn cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra cách giải quyết cụ thể”.
Xã Nam Đồng đã được sáp nhập vào thành phố gần 7 năm. Tuy nhiên, đến nay xã vẫn chưa được công nhận là phường. Và mặc dù đã 7 năm trôi qua nhưng điện lưới toàn xã vẫn là mô hình đấu thầu giữa các doanh nghiệp điện tư nhân. Ông Nguyễn Hoàng Phú – Phó Chủ tịch UBND xã Nam Đồng cho biết: “Đến nay, Sở Điện lực Hải Dương vẫn chưa chấp nhận việc bàn giao lưới điện của xã về Sở. Chính điều này đã gây khó khăn trong công tác quản lý cũng như sử dụng điện lưới của xã. Phía xã đã có ý kiến đề nghị lên cấp trên, tuy nhiên vẫn chưa được giải quyết”.
Điện là thứ thiết yếu trong cuộc sống của người dân và là điều kiện không thể thiếu để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, lưới điện yếu gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống cũng như sản xuất của người dân. Như vậy liệu có hay không sự quan tâm đúng mức của cơ quan chức năng trong việc phát triển kinh tế địa phương?/.