Hải Dương: Bãi vật liệu xây dựng phớt lờ lệnh cấm

(PLO) - Mặc dù UBND tỉnh Hải Dương đã yêu cầu các bến bãi trên địa bàn tỉnh này dừng mọi hoạt động từ ngày 15/5, nhưng tại bãi chứa vật liệu xây dựng của gia đình ông Bùi Tiến Quảng (trú tại khu 15, phường Ngọc Châu, TP  Hải Dương) mọi việc vẫn diễn ra bình thường.
Bến bãi của gia đình ông Quảng.
Bến bãi của gia đình ông Quảng.

Theo đơn phản ánh của một số người dân phường Nhị Châu, TP Hải Dương gửi Báo PLVN, bãi tập kết kinh doanh vật liệu xây dựng của ông Bùi Tiến Quảng có vị trí nằm trên diện tích ruộng 03 của xã viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhị Châu, sát bờ kè chân cầu Phú Lương, sông Thái Bình. Quá trình hoạt động, bến bãi của ông Quảng còn có hành vi vi phạm hành lang bảo vệ kè, không có giấy phép kinh doanh vẫn hoạt động một cách công khai trái pháp luật.

Một người dân phản ánh: Bến bãi này đã hết hạn thuê đất công của phường nhưng thường xuyên có hoạt động đào bới lấy đất trồng trọt, đất bờ bao bãi giáp với sông để vận chuyển đi nơi khác làm biến dạng toàn bộ diện tích đất công điền, thay đổi hiện trạng đất. Sau đó chở rác, chất thải rắn xây dựng về để san lấp lại mặt bằng và dùng xe có tải trọng lớn chuyên chở vật liệu xây dựng trên tuyến đường nội đồng gây bụi làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp… 

“Mùa mưa bão đến, UBND tỉnh đã có yêu cầu các tổ chức, cá nhân có hoạt động bến bãi chứa, kinh doanh vật liệu xây dựng và các hoạt động khác ngoài bãi sông có liên quan đến đê điều, thoát lũ phải dừng hoạt động, di chuyển hết máy móc, trang thiết bị, giải tỏa toàn bộ vật liệu, nguyên liệu, nhiên liệu, tháo dỡ các nhà tạm hoặc các tấm bưng nhà tạm, thanh thải tất cả các vật cản lũ trên bãi sông xong trước ngày 15/5. Tuy nhiên, một bến bãi hoạt động giáp chân cầu, nơi có rất nhiều người, phương tiện qua lại vẫn hoạt động ngang nhiên. Trách nhiệm của cơ quan chức năng và chính quyền ở đâu?”, người dân này đặt câu hỏi.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo phường Nhị Châu cho biết, bến bãi của hộ ông Quảng nằm trong quy hoạch, tuy nhiên hiện chưa được cấp phép để hoạt động. Vì vậy, sau khi nhận được phản ánh của người dân, phường đã cử cán bộ xuống kiểm tra và lập biên bản ngày 3/4/2018 và ngày 27/4/2018, nêu rõ: Hoạt động của bến bãi đã làm biến dạng mặt bằng hiện trạng; thời điểm kiểm tra, thời gian hợp đồng thuê mặt bằng đã hết; hệ thống điện sinh hoạt không đảm bảo về an toàn điện. 

Theo đó, phường Nhị Châu và Hạt Quản lý đê điều TP Hải Dương đã yêu cầu chủ bến bãi nghiêm túc dừng ngay mọi hoạt động, di chuyển vật liệu ra khỏi bãi sông trả lại hiện trạng ban đầu; đồng thời không được tập kết vật liệu trung chuyển trên bến bãi và làm các thủ tục cấp giấy phép hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Chưa hết, để đảm bảo an toàn các công trình đê điều và phòng chống lụt bão mùa mưa lũ, ngày 4/5/2018, UBND phường Nhị Châu cũng đã ra Quyết định số 50/QĐ-UBND đình chỉ mọi hoạt động bến bãi trên địa bàn phường. Trong đó đình chỉ các hoạt động bến bãi đối với hộ ông Bùi Anh Kiên (là con trai ông Quảng và đang tiếp quản bến bãi trên) tại vị trí K20+847 và K20+415 đê hữu sông Thái Bình khu 3, phường Nhị Châu. Yêu cầu ông Kiên dừng ngay các hoạt động khác ngoài bãi sông có liên quan đến đê điều, thoát lũ; phải thu dọn, di chuyển toàn bộ các vật liệu còn tồn đọng và tháo dỡ các lán tạm, máy móc, phương tiện…ra khỏi vị trí bến bãi hoàn trả mặt bằng xong trước 15 giờ ngày 15/5/2018. Nếu không chấp hành thì UBND phường phối hợp với các cấp chức năng tổ chức cưỡng chế theo quy định.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên những ngày gần đây, bất chấp lệnh cấm, bến bãi của ông Quảng mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. 

Thống kê sơ bộ của Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Hải Dương, toản tỉnh có khoảng 219 bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng chỉ có 66 bến bãi được UBND tỉnh, huyện cấp phép. Nhiều bến bãi đã hết hạn hoạt động. Song, hiện nay vẫn còn rất nhiều bến bãi ngang nhiên hoạt động công khai, chưa chịu giải tỏa. 

Người dân đề nghị UBND tỉnh Hải Dương vào cuộc, có biện pháp quyết liệt trong xử lý các vi phạm về đê điều, thủy lợi, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” nhằm hạn chế thất thoát tài nguyên và giảm nhẹ thiệt hại do thời tiết bất thường có thể xảy ra.

Đọc thêm