Hiến đất triển khai dự án, nhà xưởng “án binh bất động”
Năm 2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt kế hoạch tổng thể thực hiện dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học” (QSEAP), sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Tháng 8/2013, tiểu dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng (CSHT) mô hình sản xuất rau an toàn theo VietGap xã Thanh Xá” được triển khai trên quy mô 28ha vải do Sở NN&PTNT Hải Dương làm chủ đầu tư, kinh phí xây dựng CSHT hơn 14,8 tỷ đồng. Các hạng mục được hỗ trợ đầu tư CSHT cần thiết cho vùng sản xuất nông nghiệp an toàn như đường đi, hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới, tiêu, cung cấp nước rửa rau, quả sạch.
Ngoài việc đầu tư CSHT, Ban Quản lý dự án đã tổ chức 12 lớp tập huấn cho nông dân về quy trình sản xuất vải theo hướng VietGap với hơn 400 lượt người tham gia. Với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, dự án được người dân tích cực hưởng ứng.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hương (một người dân xã Thanh Xá) chia sẻ: “Nhận được tin hỗ trợ từ dự án, nhiều người dân trong xã hưởng ứng rất tích cực. Có đường mới giúp việc vận chuyển phân bón, nông sản của chúng tôi bớt khó khăn. Nơi thu gom vải rộng rãi, các xe thu mua vải có thể về tận nơi nên chúng tôi không phải vận chuyển vải đi xa nữa. Chính vì thế gia đình tôi đã hiến hàng chục mét vuông đất để làm đường”.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm khánh thành, công trình nhà chế biến vải vẫn chưa đưa vào sử dụng khiến nhiều người dân tỏ ra lo ngại và không khỏi thắc mắc. “Công trình xây dựng xong hàng năm trời rồi mà đến nay vẫn chưa thấy hoạt động. Chúng tôi chỉ thấy có một người bảo vệ trông coi hàng ngày chứ không thấy công nhân làm việc, cũng không được vào xem nên không biết nó hoạt động như thế nào. Cuối vụ vải năm nay mới thấy người ta thu mua vải thiều để thử nghiệm mà chưa biết hiệu quả ra làm sao” - bà Hương cho biết.
Hết mùa vải, vẫn... thí điểm
Một nhân viên bảo vệ thường xuyên ở công trình cho hay: “Nhà chế biến xây dựng xong từ năm 2014 nhưng cuối tháng 6 năm nay, cơ sở mới nhận hơn 1 tấn vải về làm thí điểm vải đông lạnh xuất khẩu. Nếu mô hình này thành công thì sẽ triển khai vào vụ vải năm sau. Hiện nay, trong cơ sở mới có một dây chuyền máy móc phục vụ việc rửa và sấy cho quả vải ráo nước (rồi sau đó mới đưa vào máy ướp lạnh). Việc này đã tiến hành thử nghiệm được 10 ngày rồi, tôi vẫn thường xuyên kiểm tra sản phẩm, quả vải vẫn đẹp lắm”.
Để tìm hiểu rõ hơn sự việc này, phóng viên Báo PLVN đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Văn Mười - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Hà. Ông Mười cho biết: “Công trình này do Ban Quản lý dự án QSEAP, Sở NN&PTNN làm chủ đầu tư. Đến năm 2014 đã cơ bản hoàn thành. Năm 2015 nhà chế biến vải đang thí điểm lắp thử một dây chuyền sơ chế hơn 1 tấn vải đông lạnh xuất khẩu. Còn về việc hoạt động kém hiệu quả là do thời gian thu hoạch quả vải ngắn, các doanh nghiệp chưa đầu tư nhiều nên hiện tại nhà sơ chế vẫn nằm đợi ngày hoạt động. Hơn nữa, việc mở rộng hệ thống giao thông còn hạn chế, xe container không vào được cũng là trở ngại khiến cho việc hoạt động của nhà chế biến vải VietGap chậm trễ”.
Dự án nhà chế biến vải sạch đi vào hoạt động sẽ tạo ra cơ hội nâng cao hiệu quả kinh tế cây vải. Nếu dự án này được thực hiện tốt và mang lại hiệu quả thì đây sẽ là cơ sở để áp dụng rộng rãi cho các khu vực trồng vải còn lại của Thanh Hà. Tuy nhiên đến nay, công trình này vẫn chưa phát huy được vai trò của mình đối với vùng vải VietGap ở xã Thanh Xá.
Thiết nghĩ, Ban Quản lý dự án cần phối hợp với các cơ quan chức năng khảo sát thị trường tiêu thụ, kết nối doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm nhằm đưa dự án vào vận hành, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng vải ở vùng vải Thanh Hà.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com