Theo lộ trình của Đề án, Việt Nam sẽ triển khai một bệnh viện dã chiến cấp hai và một đại đội công binh đến Phái bộ Nam Sudan trong năm 2015. Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam là cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Quốc phòng, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc.
Chứng minh sự hội nhập quốc tế toàn diện
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết:”Sự ra đời của Trung tâm là việc làm thực tế để Quân đội, Chính phủ và nhân dân chứng minh cam kết hội nhập quốc tế toàn diện mà Đảng đã đề ra”.
Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết, trong gần một thập kỷ qua, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tích cực chuẩn bị mọi mặt cho việc tham gia hoạt động này. Từ năm 2005, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nghiên cứu về việc cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, cử các đoàn công tác liên ngành gồm lãnh đạo của các Bộ: Quốc phòng, Công an, Lao động, Tài chính… làm việc với Cục Hỗ trợ hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, đi thăm, khảo sát thực tế Phái bộ gìn giữ hòa bình tại Haiiti, Nam Sudan.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cử nhiều đoàn công tác tới các nước, trong đó có Campuchia, Nhật Bản, Nepal, Đức, Pháp... để nghiên cứu, học tập mô hình, cơ chế, kinh nghiệm chuẩn bị và triển khai lực lượng.
Trước mắt, Bộ Quốc phòng cử 2 cán bộ làm nhiệm vụ Sĩ quan liên lạc tại Phái bộ Nam Sudan. Đó là Trung tá Mạc Đức Trọng và Trần Nam Ngạn. Bộ trưởng Quốc phòng cho hay, chủ trương tham gia gìn giữ hòa bình thể hiện trách nhiệm của Quân đội và nhân dân Việt Nam với cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết những bất ổn và thách thức về an ninh, hướng tới xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh còn cho biết, theo lộ trình đến năm 2015, Việt Nam sẽ triển khai một bệnh viện dã chiến cấp hai và một đại đội công binh đến Nam Sudan.
Thay mặt Chính phủ phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, dân tộc Việt Nam có những trải nghiệm xương máu trong nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm tàn khốc nên Việt Nam luôn cháy bỏng khát vọng hòa bình.
Việt Nam có khát vọng và kiên quyết bảo vệ hòa bình
“Hòa bình chỉ có thể được kiến tạo khi những hoạt động đơn phương, trái với luật pháp quốc tế phải được đấu tranh loại bỏ. Hòa bình chỉ có thể được gìn giữ khi tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều phải tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, đều cùng sẻ chia trách nhiệm gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bằng những hành động thiết thực, cụ thể. Việt Nam có khát vọng hòa bình và kiên quyết bảo vệ chủ quyền, lợi ích chính đáng của mình theo đúng luật pháp quốc tế, đồng thời tôn trọng hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới”.
Phó Thủ tướng tự hào về những anh “Bộ đội Cụ Hồ” sẽ có mặt ở Nam Sudan và sẽ có mặt ở những nơi hòa bình cần các anh mà Việt Nam cử các anh theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ). Phó Thủ tướng tin tưởng hai sĩ quan Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mới. Các anh không chỉ là những người lính hòa bình của LHQ mà còn là sứ giả của dân tộc Việt Nam yêu hòa bình, luôn hết lòng vì đại nghĩa, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân và nhân loại” .
“Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của mình, đồng thời luôn phấn đấu và hành động vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên toàn thế giới” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
“Thời điểm này, nhìn lại quá khứ hào hùng của các bạn, cũng thời điểm hy vọng vào tương lai, hành động này đã đánh dấu một trang mới trong quan hệ hợp tác gìn giữ hoà bình giữa Việt Nam và Liên Hợp quốc.
Việc thành lập Trung tâm là thể hiện cam kết cao nhất của Việt Nam đối với nỗ lực chung của toàn thế giới. Việt Nam không chỉ được coi là ví dụ điển hình trên toàn cầu về xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, với thành lập Trung tâm này, chúng tôi trông chờ vào sự chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo của Việt Nam sẽ sớm được thể hiện trước toàn thế giới trong gìn giữ hòa bình” – bà Ameerah Haq, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp quốc.