Chấn thương “tự vẽ”
Theo Cáo trạng (lần 1) của VKSND huyện Sóc Sơn thì vào ngày 6/5/2014, chị Bùi Thị Thu Thương (trú tại xã Hồng Kỳ, Sóc Sơn, Hà Nội) đã bị Đỗ Phương Nhỡ (SN 1950) cùng hai con là Đỗ Phương Hạnh, Đỗ Phương Hòa dùng cọc hàng rào, gậy đánh vào đầu.
Trung tâm Pháp y, Sở Y tế Hà Nội (TTPY Hà Nội) có Kết luận giám định (KLGĐ) cho rằng chị Thương bị tổn hại 25% sức khỏe do “chấn thương vùng đầu gây máu tụ trong bán cầu não trái”.
Nhưng do có tố cáo quyết liệt từ phía bị cáo, Cơ quan điều tra Công an (CQĐT CA) huyện Sóc Sơn và VKSND huyện Sóc Sơn đã phải thừa nhận chị Thương không hề bị “tụ máu trong bán cầu não” như KLGĐ pháp y ban đầu. Tuy nhiên, chỉ dựa vào một công văn của TTPY và biên bản xác minh, cả hai cơ quan này vẫn đồng tình cáo buộc 3 bố con ông Nhỡ và cho rằng bị hại Thương bị tổn hại 15% sức khỏe do “hội chứng sau chấn động sọ não điều trị ổn định”.
Cho rằng công văn của TTPY không phải là chứng cứ theo quy định, cả 3 bị cáo tiếp tục kêu oan. TAND huyện Sóc Sơn đã phải trả hồ sơ lần thứ 2, yêu cầu giám định lại để xác định thương tích của bị hại và Viện Pháp y quốc gia có KLGĐ thể hiện chị Thương bị 2% sức khỏe.
Tuy nhiên, các luật sư (LS) đã cho rằng KLGĐ này là không có giá trị, có nhiều mâu thuẫn bởi khi giám định không có đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định; bệnh án thể hiện chị Thương “không có dấu hiệu não bị chấn thương hoặc hội chứng chấn động não” và tại thời điểm giám định thì “các chấn thương trên cơ thể không còn dấu vết và không để lại di chứng” nên chị Thương không thể có “hội chứng chấn động não sau điều trị đã ổn định” (tổn hại 2% sức khỏe) được.
Trước việc bị hại được “vẽ” thêm chấn thương như trên, các bị cáo đã có đơn kêu cứu cho rằng họ đã bị ông Nguyễn Văn Hiểu, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CA huyện Sóc Sơn và ông Lê Viết Cậy - Viện trưởng VKSND huyện Sóc Sơn cố tình ký nhiều bản KLĐT, cáo trạng thiếu căn cứ, gây oan sai.
Ê kíp giám định liên tục bị tố
Liên quan đến vụ việc này, trước đó, 3 bị cáo đã có đơn tố cáo và cho rằng Giám định viên (GĐV) Nguyễn Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Ngọc Yến (TTPY Hà Nội) vi phạm nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp vì đã không từ chối giám định khi không có đủ hồ sơ, tài liệu giám định theo quy định; thực hiện giám định không đúng quy trình; giám định trên tài liệu “ma” để “thổi phồng” tỷ lệ thương tích của bị hại.
Gần đây, ê kíp giám định này còn bị ông Nguyễn Văn Quân (SN 1972, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn) tố cáo về những lỗi tương tự trong một vụ án cố ý gây thương tích khác, gây oan sai cho vợ ông Quân là Bùi Thị Hiền (SN 1971). Trong khi Quân cho rằng bà Lê Thị Ngân (SN 1947, hàng xóm) trượt chân và tự ngã từ đống gạch xuống thì CQĐT CA huyện Sóc Sơn lại cho rằng bà Ngân bị chị Hiền kéo ngã. Từ kết quả giám định của GĐV Nguyễn Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Ngọc Yến (dựa vào Giấy chứng thương của Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn) rằng bà Ngân bị tổn hại 25% sức khỏe do “vỡ mẻ chỏm xương cánh tay trái”, CQĐT đã khởi tố chị Hiền về tội cố ý gây thương tích.
Qua thu thập hồ sơ bệnh án, các LS và anh Quân khẳng định, bà Ngân không hề bị “vỡ mẻ chỏm xương cánh tay trái” vì hầu hết các tài liệu quan trọng trong bệnh án (kết luận của bác sỹ chẩn đoán hình ảnh, Trưởng khoa, Giám đốc bệnh viện, y tá…) đều thể hiện bệnh nhân Ngân chỉ bị “trật khớp vai trái”. Việc hồ sơ chỉ có bút tích của bác sỹ Liệu ở tờ điều trị với nội dung “X - Quang: vỡ chỏm xương cánh tay trái” là vô lý và có nhiều mờ ám, uẩn khúc, cần làm rõ.
Anh Quân cho rằng, nếu các GĐV thực hiện giám định đúng quy trình, dựa trên toàn bộ hồ sơ y tế, phim X - Quang… của bị hại như quy định thì không thể có chuyện giám định “thừa” thương tích cho bà Ngân. Và cũng như vụ án của 3 bố con ông Nhỡ, anh Quân đã có đơn cho rằng người chịu trách nhiệm về việc oan sai của vợ mình là ông Lê Viết Cậy (người ký cáo trạng) và ông Nguyễn Văn Hiểu (người ký KLĐT).
Ngày 18/1/2016, Cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn đã có Lệnh bắt tạm giam đối với bị can Bùi Thị Hiền với lý do: “CQĐT đã nhiều lần triệu tập Hiền đến để tống đạt quyết định khởi tố bị can nhưng đối tượng Hiền không nhận tội và không nhận quyết định khởi tố bị can, gây cản trở điều tra”. Đến ngày 19/2 thì bị can Hiền bị bắt tạm giam theo lệnh trên.
Anh Nguyễn Văn Quân đã có đơn khiếu nại, đề nghị hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với vợ mình và cho rằng, việc nhận tội hoặc nhận quyết định khởi tố là quyền chứ không phải nghĩa vụ của bị can. Giả sử bị can không thực hiện quyền của mình thì cũng không gây cản trở điều tra hay xét xử nên lý do để bắt tạm giam bị can Hiền là không đúng quy định.
Trao đổi với phóng viên vào ngày 4/7, ông Nguyễn Văn Phi (Thẩm phán TAND huyện Sóc Sơn, Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm) cho hay: “Việc tạm giam hiện nay đối với bị can Hiền là theo quyết định của Tòa, tiếp theo lệnh của Viện kiểm sát”.
Khi được hỏi về căn cứ ra quyết định tạm giam bị cáo Hiền cụ thể như thế nào, ông Phi chỉ nói: “Chúng tôi quyết định là có căn cứ. Còn căn cứ như thế nào thì đã có trong hồ sơ”.