“Hạn chế xe máy sẽ không tốt cho Việt Nam”?

(PLO) - Tại buổi ra mắt Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) hôm qua (19/2), ông Masayuki Igarashi - Chủ tịch VAMM, Tổng Giám đốc Cty Honda Việt Nam  thừa nhận, chính sách hạn chế xe máy nhằm giảm áp lực giao thông của Việt Nam là vấn đề lớn nhất mà VAMM sẽ phải giải quyết…
Rất có thể những loại xe công nghệ cao sẽ không được sản xuất để phù hợp với thị trường nông thôn
Ngày 25/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 356/QĐ-TTg  phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Tại phần định hướng phát triển vận tải, đối với xe máy, quyết định nêu rõ: “Hạn chế mức tăng số xe máy bằng các biện pháp hành chính, kinh tế, kỹ thuật để khống chế số lượng xe máy trên cả nước. Xe máy sử dụng chủ yếu ở các khu vực nông thôn, khu vực không có vận tải khách công cộng, dự kiến đến năm 2020 có khoảng 36 triệu xe máy”.
Ngay sau thời điểm ban hành quyết định, số liệu của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, hết quý I/2013, số lượng xe máy đăng ký của cả nước đã lên tới 37.023.078 xe, phá vỡ quy hoạch ngay khi quy hoạch vừa mới ra đời.
“Theo chúng tôi hiểu, số lượng xe đăng ký là số xe người tiêu dùng đang sử dụng. Hiện chưa có công bố chính thức nào về số lượng xe đăng ký. Liên quan đến chính sách hạn chế xe máy của Việt Nam, với tư cách VAMM, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam để có số lượng chính xác…”, ông Masayuki Igarashi, Chủ tịch VAMM cho biết. 
“Trong trường hợp các cơ quan hữu quan của Việt Nam vẫn quyết định chính sách hạn chế xe máy bằng các biện pháp hành chính, cưỡng chế thì chúng tôi sẽ tập trung sản xuất các loại xe phục vụ cho thị trường nông thôn, giảm các loại xe áp dụng cho thị trường đô thị. Điều này đồng nghĩa với việc giảm công nghệ đang áp dụng theo tiêu chuẩn thế giới. Điều đó không tốt cho Việt Nam. Và tôi nghĩ, chính sách này không tốt cho ngành công nghiệp xe máy của Việt Nam. Với việc thành lập VAMM, chúng tôi hy vọng ngành công nghiệp xe máy của Việt Nam sẽ phát triển lành mạnh…”, Chủ tịch VAMM Masayuki Igarashi khẳng định.
VAMM được thành lập theo Quyết định số 996/QĐ-BNV ngày 26/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, với 5 thành viên sáng lập là các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam bao gồm: Cty Honda Việt Nam (HVN), Cty  Piaggio Việt Nam (PVN), Cty TNHH Việt Nam Suzuki (SVN), Cty SYM Việt Nam (SYM) và Cty TNHH Yamaha Motor Việt Nam (YVN).
Tổng sản lượng của 5 thành viên VAMM trong năm 2013 là 2,8 triệu xe, trong đó HVN là 1,87 triệu xe,  PVN là 56.300 xe, SVN 50.500 xe và SYM là 82.000 xe, YVN là 731.000 xe. Tổng 5 DN FDI này chiếm khoảng 96% thị phần và 3 thị trường xuất khẩu gồm: Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia.

Đọc thêm