Dân bức xúc vì phải chặt cây
Theo thông tin phản ánh của hơn 55 hộ dân tại xã Tượng Lĩnh, vào đầu tháng 6/2016 vừa qua, UBND xã Tượng Lĩnh thông báo đến những hộ dân trồng các loại cây ăn quả trên vùng đất Cốt Cao thì phải chặt bỏ, với lý do “trồng cây ăn quả trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng”. Mặc cho trước đó, năm 2014, lãnh đạo xã Tượng Lĩnh đã đồng ý với các hộ dân có đất ở vùng Cốt Cao được chuyển đổi mục đích cây trồng.
Được biết, năm 2013 trong quá trình dồn đổi ruộng đất, UBND xã Tượng Lĩnh đã để các hộ dân trong xã nhận khu đất Cốt Cao trồng lúa, nhưng do đất ở khu vực này khô cằn vì nước ít vào được ruộng nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Đầu năm 2014, các hộ dân đã làm đơn gửi lên thôn và UBND xã Tượng Lĩnh để xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất và được xã đồng ý.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà tháng 6/2016 vừa qua, UBND xã Tượng Lĩnh lại ra quyết định xử phạt các hộ dân và bắt chặt hết cây ăn quả với lý do “trồng cây ăn quả trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích” khiến người dân không khỏi bức xúc.
Bà Nguyễn Văn Giáo - người dân thôn Lưu Giáo bức xúc nói: “Sau khi thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, gia đình tôi nhận gần 3000m2 đất trồng lúa ở khu vực Cốt Cao. Sau một vài vụ trồng lúa không đạt hiệu quả kinh tế, tôi và những hộ dân khác trong thôn làm đơn gửi chi bộ thôn và UBND xã xin chuyển đổi mục đích sang trồng cây ăn quả.
Trước khi trồng cây chính quyền xã không nói gì, cũng không lập biên bản xử phạt, đến tháng 6/2016 xã lại ra quyết định xử lý những trường hợp vi phạm và bắt chặt cây. Chúng tôi đổ vào đó gần trăm triệu tiền vốn giờ mà bắt chặt cây khác nào đẩy người dân chúng tôi vào bước đường cùng?”.
“Gia đình tôi có 1 mẫu đất trồng các loại cây ăn quả như: Chanh, đu đủ, vải, ổi…mua cây giống cũng 700 cây, mỗi cây có giá 100 nghìn đồng. Nếu tính cả tiền giống và tiền phân bón lên đến gần100 triệu. Nếu giờ bắt chúng tôi “chặt” cây đi thì bao nhiều tiền vốn và công chăm sóc coi như đổ xuống sông xuống biển”, bà Nguyễn Thị Thắm nói trong tiếc nuối.
Khu đất tại vùng Cốt Cao rất khô, không có nước vào ruộng mỗi khi trồng lúa khó có thể đạt hiệu quả kinh tế cao, vì thế khu đất này được người dân lên luống để trồng các loại cây ăn quả mang lại hiệu quả cao hơn trồng lúa.
Đừng để người dân thiệt thòi
Để tìm hiểu vì sao trước đó hơn 55 hộ dân trồng hàng chục hécta cây ăn quả mà chính quyền không ngăn cản để giờ ra quyết định xử phạt vi phạm và bắt chặt hết cây?
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Văn Hậu - Chủ tịch UBND xã Tượng Lĩnh. Ông Hậu khẳng định: “Xã làm đúng chỉ đạo của UBND huyện về vấn đề xử lý các hộ dân trồng cây ăn quả và xây lều trái phép trên đất nông nghiệp”. Người dân cho rằng, trước khi họ chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, chính ông là người đã đồng ý?
Ông Hậu, nói: “Không có chuyện đó. Khi người dân trồng cây, chúng tôi đã xuống chỉ đạo những hộ dân nào đã trồng thì để thế. Còn những trường hợp nào chưa trồng thì không được trồng nữa. UBND xã sẽ phá dỡ những nhà tạm trước, còn những cây ăn quả thì tiếp thu ý kiến của các hộ dân, đồng thời chúng tôi báo cáo lên UBND huyện”.
Ông Hậu cũng giải thích thêm: “Vào cuối năm 2014, UBND huyện có Văn bản số 153/NN-TL về vấn đề quy hoạch chuyển đổi vùng trồng lúa khó khăn về nước sang trồng cây cạn có giá trị kinh tế cao. Rất có thể người dân đã hiểu nhầm về văn bản này. UBND huyện không cho phép trồng những loại cây ăn quả lâu năm”.
Khi hỏi “Tại sao UBND xã không thông báo cho người dân hiểu về chủ trương này?”, ông Hậu đã im lặng.
Để tránh thiệt hại cho người dân, UBND huyện Kim Bảng cần có chỉ đạo hợp lý để người dân khỏi lo lắng.