Hàng không dân dụng và bài toán nhân lực

(PLO) - Báo cáo mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, 100% vụ việc gây uy hiếp an toàn, an ninh hàng không ở mức B và C là do con người. Đây đang là “báo động đỏ” về chất lượng nguồn nhân lực của ngành hàng không.  
Ảnh minh họa

Sự cố gây uy hiếp an toàn cao đều do con người

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2016, không có sự cố nghiêm trọng xảy ra với tàu bay. Đối với tàu bay đăng ký Việt Nam, tại cả 3 Cảng vụ Hàng không miền Bắc, Trung, Nam nhận được báo cáo về 175 sự cố, vụ việc.

Trong đó, 3 sự cố mức C (mức A là cao nhất), 32 sự cố mức D và 140 vụ việc mức E. Tổng số sự cố giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân chủ yếu do kỹ thuật (23 sự cố) và nguyên nhân có yếu tố con người (9 sự cố).

Với tàu bay đăng ký nước ngoài ghi nhận 25 sự cố với 1 mức B, 4 mức D và 20 mức E

Cũng trong tháng 6 vừa qua, Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) đã thực hiện đánh giá năng lực giám sát an toàn hàng không Việt Nam và nước ta đạt kết quả 67,36% mức độ triển khai hiệu quả hệ thống giám sát an toàn (tăng 11,29% so với năm 2011). Kết quả này được đánh giá cao hơn trung bình thế giới (65%) và khu vực Đông Nam Á (61,09%).

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết, mặc dù kết quả đạt được tương đối khả quan, nhưng thời gian qua vẫn còn 1 sự cố nghiêm trọng (mức B) và 3 sự cố uy hiếp an toàn cao (mức C) đều do yếu tố con người.

“Ngay cả vụ việc mới nhất xảy ra ngày 27/7, khi tiếp viên hàng không mang 80 cây vàng lên máy bay cũng đặt ra câu hỏi về việc giám sát an ninh nội bộ, vành đai giám sát an ninh cũng là yếu tố con người”, ông Lại Xuân Thanh cho biết.

Báo động về chất lượng nguồn nhân lực

Ông Đỗ Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, các nguyên nhân do yếu tố con người đầu tiên phải kể đến là lỗi do tổ bay đánh giá không đúng tình huống hoặc không tuân thủ phương thức khai thác tiêu chuẩn, tình trạng canh, nghe, nhận nhầm huấn lệnh, hoặc không tuân thủ huấn lệnh, hoặc do nhân viên vận hành trang thiết bị mặt đất điều khiển không hợp lý gây đâm va vào tàu bay và phương tiện khác gây hư hại, ảnh hưởng đến an toàn, khai thác bay.

“Trước mắt, Cục Hàng không, các cảng vụ và bản thân các hãng hàng không cần tăng cường huấn lệnh đào tạo, nâng cao kỹ năng xử lý tình huống, khuyến cáo người lái tàu bay cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ cho thành viên tổ bay. Đồng thời, tăng cường huấn luyện đặc biệt về chính sách an toàn, chất lượng tuân thủ quy trình, nâng cao văn hóa an toàn cho nhân viên vận hành trang thiết bị mặt đất để hạn chế tối đa những sự cố uy hiếp an toàn do con người gây ra”, ông Việt khẳng định.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cũng thông tin thêm, theo quy định hiện hành, cả nước cần ít nhất 27 giám sát an toàn hàng không. Tuy nhiên, hiện Cục Hàng không Việt Nam mới chỉ có 17 giám sát viên, thiếu 10 giám sát viên an toàn hàng không lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay so với quy định. Ngoài ra, Cục Hàng không cũng đang thiếu 5 giám sát viên an toàn lĩnh vực quản lý hoạt động bay theo khuyến cáo của ICAO.

“Nhu cầu thực tế hiện nay còn thiếu đến 46 giám sát viên về tàu bay, về cảng hàng không, đường bay… Đây là vấn đề rất đau đầu với chúng tôi.

Trước mắt chúng tôi đã yêu cầu các hãng hàng không cung cấp thêm những người có khả năng để bổ nhiệm, khoảng 20 người. Mặc dù vừa rồi có bổ nhiệm một số đồng chí, nhưng khi đưa hồ sơ ra ICAO thì họ bác ngay vì đầu vào nguồn nhân lực không bảo đảm. Những người học về tài chính hay kinh doanh… ICAO đều đánh giá là không đủ trình độ về giám sát”, ông Đỗ Quang Việt chia sẻ.

Hoạt động hàng không dân dụng tại mỗi quốc gia luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn và khuyến cáo thực hành của ICAO và Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ FAA trong lộ trình thực hiện CAT 1 (phê chuẩn mức 1 về an toàn hàng không), đặc biệt là việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của nhà chức trách hàng không.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cũng cho rằng, nhiệm vụ quan trọng thời gian tới là đổi mới công tác đào tạo, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành hàng không và nhấn mạnh “việc đào tạo nguồn nhân lực phải xuất phát từ yêu cầu, nhu cầu thực tế của các hãng hàng không”.

Đọc thêm