Hàng quán vùng xanh Đà Nẵng gần như 'bất động' dù được mở cửa trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dù thành phố cho phép bán mang đi, nhưng gần 1 tuần qua, nhiều nhà hàng, quán ăn tại vùng xanh ở Đà Nẵng vẫn cửa đóng then cài và tỏ ra không mấy mặn mà với việc kinh doanh trở lại.
Được mở bán trở lại, nhiều hàng quán vùng xanh ở Đà Nẵng vẫn đóng cửa.
Được mở bán trở lại, nhiều hàng quán vùng xanh ở Đà Nẵng vẫn đóng cửa.

Chưa dám mở vì rủi ro “lỗ nặng”

Sau 20 thực hiện "ai ở đâu ở yên đó", từ ngày 5/9, Đà Nẵng nới lỏng giãn cách tại một số xã phường vùng xanh (địa phương 14 ngày không phát hiện ca COVID-19 cộng đồng). Theo đó, thành phố cho phép các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống tại khu vực vùng xanh được hoạt động trở lại, nhưng chỉ bán mang về.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Pháp luật Việt Nam, dù đã gần một tuần được "nới lỏng" nhưng hầu hết các quán ăn uống tại vùng xanh vẫn trong tình trạng cửa đóng, then cài và dường như không mặn mà với việc kinh doanh trở lại.

Dù Đà Nẵng cho hoạt động trở lại nhưng hầu hết cửa hàng ăn uống ở vùng xanh vẫn đang "bất động".
Dù Đà Nẵng cho hoạt động trở lại nhưng hầu hết cửa hàng ăn uống ở vùng xanh vẫn đang "bất động".

Bà Nguyễn Thị Kém, chủ quán phở Nam Định trên đường Lê Đình Dương (phường Phước Ninh, quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, mặc dù rất phấn khởi khi thành phố cho phép hàng quán ở vùng xanh được kinh doanh, nhưng hiện bà vẫn chưa có ý định mở bán trở lại vì đang trăn trở nhiều điều.

"Thành phố quy định ở vùng xanh đi chợ 5 ngày/1 lần, trong khi kinh doanh mặt hàng này đòi hỏi nguyên liệu tươi ngon, mua hàng ngày. Không chỉ vậy, bây giờ giá nguyên vật liệu cũng tăng cao so với ngày thường. Việc đi lại của người dân vẫn đang bị kiểm soát chặt, còn liên hệ shipper để giao đơn cho khách thì phức tạp nên tôi chưa vội mở cửa, để chờ thêm xem sao", bà Kém tâm sự.

Bà Kém cho biết chưa có ý định mở bán trở lại vì không có khách và khó khăn mua nguyên liệu.
Bà Kém cho biết chưa có ý định mở bán trở lại vì không có khách và khó khăn mua nguyên liệu.

Chị Bích Hợp, chủ quán cà phê trên đường Ngô Gia Tự (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, quán của chị đã nghỉ bán gần 2 tháng nay. Tuy thành phố cho phép mở bán mang về nhưng việc đặt cà phê mang đi thời điểm này dự báo sẽ ít ỏi, trong khi tìm shipper cũng rất khó khăn và chỉ giao hàng trong khu vực hẹp nên việc mở lại cũng chưa chắc mang lại lợi nhuận, có khi còn lỗ nặng.

"Chi phí cho nhân sự lúc này cũng là điều phải cân nhắc. Liệu mở cửa bán mang đi có thu được tiền bù đắp các chi phí khi mở cửa lại hay không? Nhân lực bây giờ tứ tán hết cả, không phải cứ gọi là người ta đi làm được. Ngoài ra, hiện thành phố vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội, người dân ra đường phải có giấy đi đường. Nói thật, giờ có mở bán cũng không có khách đâu, thậm chí là rủi ro lỗ vốn rất lớn, nên thôi đành đóng cửa tiếp thêm thời gian nữa, chờ dịch yên hẳn", chị Hợp nói.

Dù ở vùng xanh, nhưng quán cà phê lớn trên đường Lê Đình Dương (phường Phước Ninh, quận Hải Châu) chưa mở bán trở lại.
Dù ở vùng xanh, nhưng quán cà phê lớn trên đường Lê Đình Dương (phường Phước Ninh, quận Hải Châu) chưa mở bán trở lại.
Hàng loạt hàng quán ở vùng xanh "lặng im" dù được phép bán mang về.
Hàng loạt hàng quán ở vùng xanh "lặng im" dù được phép bán mang về.
Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh ăn uống tỏ ra không mấy mặn mà với việc kinh doanh trở lại vì còn băn khoăn nhiều yếu tố.
Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh ăn uống tỏ ra không mấy mặn mà với việc kinh doanh trở lại vì còn băn khoăn nhiều yếu tố.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Phúc Bảo Nam - Chủ tịch UBND phường Nam Dương (quận Hải Châu, Đà Nẵng) nhìn nhận, nhìn chung các hàng quán mở bán trở lại trên địa bàn phường khá ít, bởi hàng quán chỉ được bán mang đi nhưng shipper thì còn hạn chế, chủ yếu tập trung tại các hàng quán với số lượng đơn đặt nhiều. Ngoài ra, nguồn nguyên liệu để các cửa hàng mở bán cũng khan hiếm và thuê nhân công thì không có đủ điều kiện chi trả nên nhiều hàng quán phải trì hoãn chưa thể mở ngay.

Còn theo ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà): "Có nhiều nguyên nhân khiến các hàng quán chưa mở lại nhưng chủ yếu là do không có nguyên liệu và chưa có khách. Các quán ăn có nhu cầu mở bán lại chỉ cần đáp ứng các tiêu chí theo quy định như địa điểm thông thoáng, có giăng dây, kẻ vạch đảm bảo giãn cách…".

Bán "cầm chừng" và tùy thuộc vào... shipper

Bên cạnh nhiều cửa hàng đóng cửa thì một số quán xá hoạt động trở lại, nhưng hầu hết cũng chỉ bán "cầm chừng" vì thiếu nguyên liệu và phụ thuộc vào shipper.

Cửa hàng trà sữa của anh Hồ Nguyên Vỹ (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) mấy hôm nay tấp nập nhận đơn đặt hàng, tuy nhiên anh Vỹ chỉ mở bán vài tiếng đồng hồ mỗi ngày vì nguyên liệu không đủ.

"Sau 20 ngày phải đóng cửa, quán đã nhận được hàng chục đơn đặt hàng đặt qua hệ thống mỗi ngày. Tuy nhiên, do nguyên liệu khan hiếm nên hiện quán cũng chỉ nhận ship 2 loại đồ uống chứ menu không thể phong phú như lúc trước. Để đảm bảo phòng, chống dịch, giờ mỗi vị trí chỉ có một nhân viên phụ trách, vì vậy cũng khá vất vả", anh Vỹ chia sẻ.

Một quán trà sữa trên đường Nguyễn Thị Minh Khai đã mở bán trở lại sau 3 tuần phải đóng cửa chống dịch.
Một quán trà sữa trên đường Nguyễn Thị Minh Khai đã mở bán trở lại sau 3 tuần phải đóng cửa chống dịch.
Nhiều hàng quán lớn đã hoạt động trở lại nhưng nhìn chung tình hình cũng khá "ảm đảm".
Nhiều hàng quán lớn đã hoạt động trở lại nhưng nhìn chung tình hình cũng khá "ảm đảm".

Chị Lê Thị Hiếu (trú phường Phước Ninh, quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, ngay khi nhận được thông báo hàng quán trong vùng xanh được bán mang về, chị đã gấp rút dọn dẹp lại hàng quán, liên hệ với nhà cung ứng thực phẩm và mở cửa hàng bán lại trong 5 ngày qua.

Theo nữ chủ quán, bình thường quán của chị bán bún mắm, cao lầu, bánh xèo, pizza, nhưng nay chỉ bán pizza. Cũng theo chị Hiếu, do việc đi lại của người dân trên địa bàn phường cũng như toàn thành phố vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo phòng, chống dịch nên dù có mở bán lại nhưng khách cũng rất lẻ tẻ.

"Do ảnh hưởng của dịch khiến giá nhập nguyên vật liệu về cao hơn so với ngày thường. Xà lách 50.000 đồng/kg, hành tây, cà rốt: 60.000 đồng/kg, phô mai thì không nhập được hàng. Do đó, quán tôi giờ chỉ có bán pizza, nhưng cũng hoạt động cầm chừng chứ cũng chẳng lời lãi gì", chị Hiếu giãi bày.

Theo các chủ quán ăn uống, bây giờ bán hàng được không hay không là... tùy shipper.
Theo các chủ quán ăn uống, bây giờ bán hàng được không hay không là... tùy shipper.

Còn anh Trần Minh Tình, chủ quán cơm gà tại đường Huỳnh Thúc Kháng (phường Bình Hiên, quận Hải Châu) cho biết, việc bán mang đi phải thông qua các đối tác giao hàng công nghệ nhưng hiện các đối tác yêu cầu nhiều thủ tục, trong khi số lượng shipper đủ điều kiện để hoạt động rất ít ỏi đã ảnh hưởng rất nhiều đến số lượng đơn đặt hàng của quán trong những ngày qua.

"Khách chủ yếu đặt qua app trong khi số lượng shipper vẫn còn rất hạn chế, nhiều khách hàng chờ quá lâu nên huỷ đơn. Do đó, thời điểm này, bán được hay không là... tùy shipper", anh Tình cười nói.

Shipper đã hoạt động trở lại nhưng thực tế lực lượng giao hàng này vẫn rất khan hiếm, chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của người dân về việc đi chợ, mua hàng hộ..., chưa kể đến dịch vụ giao đồ ăn.

Shipper đã hoạt động trở lại nhưng thực tế lực lượng giao hàng này vẫn rất khan hiếm, chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của người dân về việc đi chợ, mua hàng hộ..., chưa kể đến dịch vụ giao đồ ăn.

Ông Trương Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, đối với các cửa hàng mở cửa trở lại trên địa bàn quận, địa phương đã yêu cầu thực hiện nghiêm quy định 5K trong suốt quá trình mua bán. Quận cũng đã lập danh sách để tiêm vaccine cho các hộ kinh doanh này.

"Tinh thần là nới lỏng một số hoạt động theo quy định của thành phố kết hợp với việc bảo vệ vùng xanh an toàn", ông Dũng thông tin.

Đọc thêm