(PLO) - Ghé chợ Đông Ba, chợ Bến Ngự hay chợ An Cựu của TP Huế những ngày này, phóng viên “hoa mắt” bởi bánh kẹo, mứt tết nhập về vô số, đóng trong những thùng lớn không rõ nguồn gốc, nhãn mác, không hạn sử dụng để cung ứng cho tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh.
“Ưa rẻ có rẻ, ưa đắt có đắt”
Những ngày cuối năm, thị trường bánh kẹo, mứt tết trên địa bàn TP Huế diễn ra hết sức sôi động. Tại các chợ đầu mối lớn, các loại bánh kẹo, mứt tết, hạt dưa, hạt bí “3 không” (không nhãn mác, không nguồn gốc, không hạn sử dụng) được bán tràn lan khắp các chợ, từ cửa hàng lớn đến các điểm kinh doanh nhỏ lẻ. Các mặt hàng này thường được các cơ sở kinh doanh đóng vào các bịch ni lông từ 5 đến 15kg và được bán theo giá sỉ hoặc lẻ cho các khách hàng.
Theo ghi nhận của phóng viên, các mặt hàng được nhập về rất đa dạng về mẫu mã và màu sắc. Đa số các mặt hàng như mứt, hạt dưa, hạt bí, me dầm, trái cây sấy khô được các tiểu thương lấy ra từ các túi ni lông lớn khoảng mấy chục ký rồi cho vào những túi nhỏ để bán. Tuy nhiên, tất cả các bịch đóng hàng đều không thể hiện bất cứ thông tin gì về sản phẩm, người mua chỉ dựa vào mắt thường mà chọn hàng.
Trong vai một người đi mua hàng tết với số lượng lớn về tặng người thân ở quê, phóng viên đã ghé vào sạp của chị Ng., chủ một cửa hàng kinh doanh bánh kẹo tại chợ An Cựu. “Em mua loại mô (nào) chị lấy cho? Em ưa rẻ có rẻ, ưa đắt có đắt”. Chủ quán cho biết, các mặt hàng năm nay giá không tăng mấy so với năm trước: giá bán lẻ hạt bí đỏ dao động từ 100-120.000 đ/kg, hạt dưa từ 120-140.000 đ/kg, các loại mứt từ 80 -120.000 đ/kg…
Khi được hỏi về nguồn gốc của sản phẩm, chị Ng. cho hay: “Hàng ni (này) chị có người quen trong Nam gửi ra, phải đặt cách đây 3 tháng. Có loại gia đình tự làm như me chua, mứt gừng hay hạt bí. Em cứ yên tâm, hàng chất lượng, hàng ngon chị mới nhập, bán ở chợ mấy năm ni rồi có ai phàn nàn hỏi han chi (gì) nguồn góc mô (đâu)”.
Tiếp tục ghé vào chợ Đông Ba, một trong những chợ sầm uất và cung ứng một lượng hàng hóa lớn cho TP Huế, cũng tương tự như các chợ khác trên địa bàn thành phố, các mặt hàng được bày biện không hề có nhãn mác, nguồn gốc, hạn sử dụng.
Đa số được các tiểu thương cho vào các bao ni lông lớn rồi trưng cho khách hàng lựa chọn. Ngoài các mặt hàng như các loại hạt và mứt thì còn tràn ngập loại kẹo bán cân được đựng trong các túi giấy, chủ yếu là các loại kẹo dừa, kẹo sữa… màu sắc sặc sỡ bán với giá “bèo” 35.000 – 50.000đ/kg.
Từ chợ đầu mối đến các chợ nhỏ, nhiều mặt hàng tết được bày bán tràn lan nhưng khi hỏi nguồn gốc thì các chủ sạp đều né tránh hoặc trả lời cho “có lệ” như: “ Hàng chị đặt của người quen, lấy ở các chợ đầu mối thấy ăn ngon lại rẻ nên chị mua về bán”, “Đây là món mứt gia truyền của nhà chị ở phường Kim Long nổi tiếng, ai trong chợ ni mà chả biết”…
“Kiểm tra 3 khâu”
Tuy nhiên, đã là hàng “3 không” thì nguyên liệu sản xuất khó mà bảo đảm yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không loại trừ sử dụng phẩm màu công nghiệp, đường hóa học, chất bảo quản không được phép sử dụng. Hơn nữa, vì không có hạn sử dụng nên người tiêu dùng không biết là kẹo mới sản xuất hay kẹo cũ.
Vì thế, khi ăn những loại bánh, kẹo này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Những ngày áp tết Nguyên đán cần tăng cường công tác kiểm tra xử lý, cần xử lý nghiêm minh các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi, an toàn cho người tiêu dùng.
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: “Cuối năm là thời điểm mà các đối tượng kinh doanh hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại tăng cường các hoạt động sản xuất và kinh doanh các mặt hàng lậu, hàng kém chất lượng nên trước mắt, người tiêu dùng hãy cẩn trọng khi mua sắm. Đối với công tác quản lý, các thành viên Ban Chỉ đạo 389 cùng nhau phối hợp nhằm đẩy mạnh việc kiểm tra kiểm soát thị trường hàng hóa trên cả 3 khâu là sản xuất, lưu thông và phân phối”.