Sáng nay - 12/8, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020 (Đề án).
Hội nghị nhằm tổng kết, chia sẻ các kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014. Đồng thời, đề xuất thực hiện nhiệm vụ phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động trong giai đoạn mới.
Hàng Việt chiếm hơn 90% trong các cơ sở phân phối
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải – Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc Vận động, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành thực hiện Đề án - khẳng định, 6 năm triển khai, Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020, đã hỗ trợ nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị . |
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2019 cho thấy có 88% người tiêu dùng được hỏi cho biết họ quan tâm tới Cuộc vận động, 67% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hoá sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam và 52% người được hỏi cho biết luôn khuyên người thân, bạn bè của mình nên sử dụng hàng Việt Nam.
Thống kê cho thấy, hàng Việt đến nay vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước (trên 90%), tại các hệ siêu thị nước ngoài, chiếm từ 60% đến 96%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên, trong đó có các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, đạt trên 80% mục tiêu của Đề án.
Theo Thứ trưởng, đây là điều kiện thuận lợi để Bộ Công Thương triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của ngành Công Thương khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới với mục tiêu “Nhanh chóng khôi phục và thúc đẩy phát triển các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại. Bảo đảm thực hiện ở mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng của năm 2020 và tạo nền tảng tốt cho tăng trưởng ở những năm tiếp theo.
Tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng kênh phân phối hàng Việt
Bên cạnh những kết quả rất tích cực của Đề án, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại trong quá trình triển khai Đề án.
Hàng Việt đang chiếm vị thế trong lòng người Việt. |
Cụ thế, do ngân sách phân bổ còn hạn chế so với dự kiến nên quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, một số nhiệm vụ chưa được tập trung thực hiện; Chưa có Thông tư riêng hướng dẫn việc triển khai Đề án dẫn đến quá trình thanh, quyết toán còn gặp nhiều khó khăn; Một số địa phương chưa gắn việc xây dựng thực hiện Đề án với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chưa phân bổ kinh phí để mở rộng triển khai các chương trình thuộc Đề án…
Đề xuất thực hiện nhiệm vụ phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động trong giai đoạn mới, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Trần Duy Đông kiến nghị, cần tiếp tục bố trí đủ kinh phí từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án. Cùng với đó, bổ sung thêm các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, mở rộng kênh phân phối hàng Việt thuận tiện, linh hoạt. Đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu dùng, đặc biệt là thương mại điện tử cả trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng Việt Nam.
“Cho đến nay, hệ thống phân phối hàng hóa đã được phát triển rộng khắp trên cả nước. Thông qua Đề án, đã thiết lập trên 100 Điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại 61 địa phương trên cả nước, cơ bản hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, 100% các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương triển khai trên địa bàn Chương trình xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam. Ngoài ra, đã tổ chức gần 70 hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa được sản xuất trong nước; tổ chức gần 100 lớp đào tạo về kỹ năng bán hàng, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh Việt Nam,...".