Qua 15 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) và phong trào “Người Thanh Hóa ưu tiên dùng hàng Thanh Hóa” đã được các cấp, ngành, doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ. Cuộc vận động không chỉ giúp khẳng định năng lực sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh mà còn tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp thay đổi thói quen tiêu dùng, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Nhờ sự phối hợp giữa Ban chỉ đạo tỉnh Thanh Hóa và các ban ngành, đoàn thể, công tác tuyên truyền về Cuộc vận động đã được đẩy mạnh, tạo ra sự đồng thuận, ủng hộ từ các cấp, các doanh nghiệp và Nhân dân. Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng thị trường trong nước, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa Việt.
Việc tổ chức các hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa trong tỉnh tạo ra không gian giao lưu để các doanh nghiệp (DN) phân phối và DN sản xuất hợp tác, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong tỉnh, đặc biệt là các nông sản, đặc sản của các địa phương trong tỉnh được BCĐ các cấp quan tâm. Kênh phân phối hàng Việt ở các địa phương đã góp phần đưa hàng Việt đến người tiêu dùng trên thị trường nội địa, tác động tích cực đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng, xây dựng nền thương mại văn minh hiện đại...
Tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm nhằm tạo ra không gian giao lưu để các doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp sản xuất hợp tác, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong tỉnh |
Theo báo cáo của Sở Công thương Thanh Hóa, sau 15 năm triển khai Cuộc vận động, phần lớn người tiêu dùng trong tỉnh đã nhận thức khá đầy đủ, sâu sắc về nội dung, ý nghĩa của Cuộc vận động, nhận thức đúng về khả năng sản xuất của các doanh nghiệp trong nước và chất lượng sản phẩm, hàng hóa Việt.
Đến nay, đa số người tiêu dùng trong tỉnh đã thay đổi hành vi, thói quen mua sắm – ưu tiên lựa chọn hàng Việt; hàng hoá thương hiệu Việt đã được đa số người tiêu dùng tin tưởng và ưu tiên lựa chọn. Tuy chưa được tổ chức điều tra, khảo sát một cách bài bản, nhưng theo nhận định, đánh giá của các sở, ban, ngành và các địa phương thì có khoảng gần 90% người tiêu dùng Thanh Hóa ưu tiên lựa chọn hàng hóa sản xuất trong nước khi mua sắm, tiêu dùng (tăng gần 20% so với năm 2009).
Đặc biệt, sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án, với sự tham gia, vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cơ quan ban, ngành, các cấp và sự tin tưởng, đồng thuận của người dân, đến nay, thị phần hàng Việt Nam tại các kênh phân phối hiện đại trên địa bàn tỉnh (27 siêu thị, trung tâm thương mại; hơn 500 cửa hàng tiện lợi; kênh thương mại điện tử…) và các kênh phân phối truyền thống (386 chợ, cửa hàng tạp hóa…) trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ trên 80% hàng Việt Nam; tỷ lệ người tiêu dùng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh biết đến Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” đạt gần 90%; trên 85% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh biết đến phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và trên 70% doanh nghiệp tham gia phong trào này.
Nhìn chung, tại thị trường Thanh Hóa, hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước chiếm khoảng trên 80% (tăng khoảng 15% so với năm 2009); nhất là trong các siêu thị và hệ thống cửa hàng bán lẻ Vinmart+, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm tới gần 90%. Các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường gồm: Thực phẩm nông sản, bánh, kẹo, đường, sữa, bia, rượu, gia vị các loại; hàng dệt may da giày; dược phẩm; hóa mỹ phẩm; vật tư nông nghiệp; vật liệu xây dựng, đồ gỗ nội thất…
Các mặt hàng thực phẩm nông sản chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường |
Bên cạnh đó, để thực hiện Chỉ thị số 494/CT-TTg ngày 20/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ưu tiên sử dụng vật tư và hàng hóa sản xuất trong nước trong các dự án sử dụng vốn nhà nước, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2782/UBND-THKH ngày 04/5/2012 nhằm tăng cường quản lý và sử dụng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước và Trái phiếu Chính phủ. Theo đó, khi các cơ quan và tổ chức mua sắm tài sản công bằng nguồn vốn ngân sách, họ được khuyến khích chọn hàng hóa sản xuất trong nước nếu chất lượng tương đương với hàng nhập khẩu.
Hàng hóa sản xuất trong nước ngày càng đáp ứng tốt hơn về chất lượng, giá cả và mẫu mã, phù hợp với thị hiếu của phần lớn người tiêu dùng. Điều này đã tạo niềm tin và thúc đẩy xu hướng sử dụng hàng Việt trong cộng đồng, giúp phát triển sản xuất và kinh doanh trong tỉnh, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đóng góp vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.