Hành trình bền bỉ đưa “quan xã” ra tòa của ba người nông dân

(PLVN) - 6 năm trời miệt mài thu thập và gửi đơn tố cáo, ba người nông dân ở xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội đã làm được một việc mà ít người làm được: Đưa cựu Chủ tịch xã ra trước vành móng ngựa và thu hồi lại cho người dân địa phương nhiều khoản tiền bị thu sai quy định. 
Ông Tuấn, ông Viết, bà Đủ soạn lại hành trang trong gần 6 năm theo đuổi việc tố cáo.
Ông Tuấn, ông Viết, bà Đủ soạn lại hành trang trong gần 6 năm theo đuổi việc tố cáo.

Nghe theo tiếng gọi phòng chống tham nhũng của Đảng

Một ngày gần cuối năm 2020, trong phiên tòa phúc thẩm vụ án Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra ở xã Sơn Đông, chúng tôi nghe được thông tin từ vị Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa “vụ án này được bắt nguồn từ đơn tố giác tội phạm của một số công dân xã Sơn Đông”.

Vị Chủ tọa phiên tòa khẳng định, chính những người công dân xã Sơn Đông ấy là những người tiên phong trong công tác phòng chống tham nhũng, hoạt động đang được Đảng và Nhà nước đẩy mạnh thực hiện và họ xứng đáng được biểu dương về tinh thần đấu  tranh với tham nhũng, thực hiện đúng quy định, đường lối của Đảng và Nhà nước. Sự tò mò thôi thúc đã đưa chúng tôi về Sơn Đông không lâu sau đó…

Điều bất ngờ khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên là những công dân ấy chỉ là những người nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm miệt mài làm ăn với đồng ruộng quê hương. Đó là ông Nguyễn Văn Viết (sinh năm 1960), ông Nguyễn Năng Tuấn (sinh năm 1946) và bà Phùng Thị Đủ (sinh năm 1961) đều có hộ khẩu thường trú ở xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. 

Nguyên nhân khiến ông Tuấn, bà Đủ quyết tâm theo đuổi đến cùng việc tố cáo cựu Chủ tịch UBND xã Sơn Đông Nguyễn Long Giang (hiện đang thi hành bản án 18 tháng tù do TAND TP Hà Nội tuyên) và một số quan xã khác bắt nguồn từ những oan ức mà họ phải chịu đựng trong quá trình dồn điền đổi thửa. Ông Viết lại có lý do rất khách quan. Ông khẳng định, ông không bị ảnh hưởng gì từ việc dồn điền đổi thửa nhưng ông nhận thấy có những dấu hiệu sai phạm và việc làm bất chính của một số cựu “quan xã”; đồng thời, thời điểm ấy (năm 2014) ông nghe được tiếng gọi của Đảng và Nghị quyết về tăng cường phòng chống tham nhũng của Trung ương Đảng nên quyết tâm mày mò tìm hiểu. 

Ông Viết kể, đi sâu vào các vấn đề của địa phương ông mới thấy có rất nhiều dấu hiệu không minh bạch trong các công tác dồn điền đổi thửa, làm đường, xây dựng nông thôn mới. Ông mang các vấn đề này chất vấn trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng tất cả các cựu “quan xã” đều bác bỏ.

Không nản chí, ông lần mò ra từng địa điểm thực hiện, ngày thì quan sát, ghi nhớ những việc mà đội ngũ thực thi đang thực hiện, tối về nhà đối chiếu với những tài liệu mà ông cất công tìm kiếm được. Khi thấy có dấu hiệu sai phạm chính xác (thông qua việc kê khống khối lượng mua đất đắp đường của Dự án công trình xây dựng hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 200 triệu đồng), ngày 7/5/2014 ông bắt đầu viết đơn tố cáo. 

Bị đe dọa không nao núng tinh thần…

Trước khi lá đơn tố cáo đầu tiên được gửi đi là gần một năm ông Viết, ông Tuấn, bà Đủ thu thập hồ sơ và kiến nghị qua các buổi tiếp xúc cử tri và cuộc họp của thôn. Ông Viết kể lại, ông phát hiện ra việc người dân ở quê ông phải đóng góp tiền để mua ghế cho nhà văn hóa ở từng thôn, ông thấy vô lý nên đi tìm hiểu. Rồi việc ông thấy xã thu tiền khảo sát làm đường của người dân cũng vô lý, cả việc bắt người dân phải nộp thuế VAT khi mua thiết bị nhà văn hóa thôn... 

Không chấp nhận để người dân bị thiệt thòi, ngân sách địa phương bị lạm dụng, chính quyền xã làm những việc không đúng quy định, thậm chí vi phạm pháp luật, ông kiên quyết đấu tranh đến cùng những việc phi lý. Và cuối cùng, người dân cũng nhận lại được những số tiền vô lý mà họ đã phải nộp. Đây chính là động lực để ông tiếp tục công việc đấu tranh với những biểu hiện sai trái và tham nhũng mà đội ngũ chính quyền xã Sơn Đông đã và đang thực hiện với các công trình xây dựng nông thôn mới. Ông bắt đầu tìm mua danh mục các luật và nghiên cứu kỹ từng điều, khoản. 

Thời điểm ấy, có một số người dân và những cán bộ đã nghỉ hưu nhưng không dám đứng ra tố cáo. Ông biết nên động viên họ, làm để rõ ràng trắng đen, không vụ lợi tiền bạc, làm để bảo vệ quy định pháp luật và bảo vệ những điều đúng đắn. Lâu dần họ cũng quay sang “tiếp lửa” cho ông một cách rất kín đáo. Ví dụ, có hôm ông nhận được tin nhắn “đã có hồ sơ” và chạy ra sân thì thấy một số tài liệu được ném qua tường.

Chúng tôi đặt câu hỏi “Ông không sợ các tài liệu này là kiểu ném đá giấu tay à”. Ông Viết trả lời rành rọt: “Tôi luôn phải xác định xem hồ sơ có chính xác hay không bằng cách tìm hiểu từ thực tế, so sánh các thiết kế trong hồ sơ thì thấy đúng, thể hiện xã làm gian dối, thanh toán một gấp đôi mới thấy tin tưởng những hồ sơ ấy”. 

Ông Viết kể lại hành trình 6 năm.
Ông Viết kể lại hành trình 6 năm. 

“Thời điểm ấy 3 anh em tôi bị nhiều áp lực. Họ đã từng thuê cả xã hội đen đến đe dọa giết cả nhà tôi, nhắn tin vào số điện thoại của tôi, thậm chí còn cho người đến “môi giới” để tôi dừng lại nhưng tôi quyết tâm theo đuổi đến cùng, quyết tâm thực hiện theo đúng lời kêu gọi phòng chống tham nhũng của Đảng. Trong những lá đơn tố cáo gửi đi, tôi đã viết nếu tôi sai tôi chấp nhận đi tù” - ông Viết kể lại. 

Ông Tuấn thì cho biết, một điều may mắn mà ông nhận ra là ông và ông Viết, bà Đủ được những người bảo vệ pháp luật bảo vệ trong suốt quá trình tố cáo tham nhũng. “Đảng và Nhà nước đã và đang tăng cường các hoạt động phòng chống tham nhũng, cơ quan công an đã giúp người dân tố cáo có chỗ dựa. Buổi chiều nhận được tin nhắn đe dọa, chúng tôi gọi điện thông báo cho công an thì buổi tối người đe dọa đã bị tạm giữ. Đó là động lực lớn để anh em chúng tôi tiếp tục công việc của mình” - ông Tuấn chia sẻ. 

Cầm sổ đỏ lấy tiền đi tố cáo…

Gần 6 năm miệt mài gửi đơn tố cáo là khoảng ấy thời gian tốn kém chi phí tiền bạc đi lại, đơn từ. 3 người đã lâm vào cảnh rất khó khăn về kinh tế vì phải đi liên tục xuống thanh tra thành phố, phòng tiếp công dân, rồi cơ quan cảnh sát điều tra công an TP Hà Nội. Họ đều phải gọi taxi đi vì sợ có người chặn đường lấy hồ sơ. 

Bí bách quá ông Viết quyết định “cắm sổ đỏ” lấy tiền trang trải việc đi lại, đơn từ. Ông Tuấn, bà Đủ cho biết họ cũng muốn hỗ trợ cùng nhưng vì hiểu được hoàn cảnh và sự uất ức của 2 người nên ông Viết quyết định không nhận hỗ trợ của ai. Bà Đủ bảo “ông Viết chỉ cần có chúng tôi quyết tâm đưa vụ việc ra ánh sáng đến cùng là được”. 

Những ngày đầu tiên làm đơn tố cáo, vợ con ông Viết bảo ông “bị dở hơi” nhưng khi ông chỉ rõ cho những người trong gia đình thấy cái sai rõ rành của các cựu “quan xã” thì gia đình đã động viên và chấp thuận cho ông “cắm sổ đỏ” (được 160 triệu đồng) để trang trải chi phí. Con trai ông Viết cũng động viên ông phải làm đến nơi đến chốn và nhắc nhở bố không được đi đâu đêm hôm, đi đâu cũng không được đi xe máy để đảm bảo an toàn cho bản thân. 

Đáng chú ý, sau mỗi lần bàn bạc và quyết định nội dung trong đơn, ông Viết sẽ  lĩnh nhiệm vụ đi Hòa Lạc (cách nhà hàng chục cây số) đánh máy và in đơn để đảm bảo an toàn. Rồi cả 3 người cùng đi taxi đến các cơ quan có thẩm quyền (cách nhà 60-70 cây số) để nộp đơn và lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng đi gặp, cung cấp hồ sơ cho các cơ quan chức năng. 

Tuy nhiên, ông Tuấn gặp phải một khó khăn khá lớn do con trai là bí thư chi bộ thôn. “Họ đánh động bằng các ý tứ, không muốn tôi làm. Con trai tôi thi thoảng bảo, bố cứ đi như thế là gây khó khăn cho con. Tôi phải nói đến việc gia đình mất quyền lợi, cây cối bị phá. Còn nhiều người dân khác nữa cũng gặp phải uất ức nhưng không dám lên tiếng. Trong các bữa ăn 2 bố con có tranh luận, to tiếng nhưng tôi vẫn quyết tâm theo đuổi. Tôi chỉ muốn con tôi hiểu những việc mình làm không phải chỉ vì sự thiệt thòi, oan ức của gia đình mà còn để thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, để những người dân khác không bị ảnh hưởng quyền lợi trong các dự án, hoạt động sau này” - ông Tuấn tâm sự.  

Đến thời điểm này, nguyên Chủ tịch xã, nguyên kế toán xã và nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Sơn Đông đều đã phải trả giá cho hành vi vi phạm của mình nhưng theo ông Viết, điều mà người dân muốn là phải thu hồi số tiền đã thất thoát. Có những hạng mục đã quyết toán thì nhà thầu phải trả lại, có những hạng mục chưa quyết toán phải có biện pháp ngăn chặn việc thanh toán, tránh thất thoát ngân sách nhà nước. 

Có thể nói, những người nông dân chân lấm tay bùn ở xã Sơn Đông đã làm được một việc mà ít người làm được, đem lại niềm vui cho nhân dân trong xã vì họ thấy công lý đã được thực thi. Quan trọng hơn, việc trả giá của các cựu “quan xã” Sơn Đông cũng chính là những bài học để những người kế cận sau này nhìn vào đó mà dừng lại những việc làm sai quy định, gây thất thoát tiền thuế của nhân dân. Nếu xã hội này nhân lên được những “ông Viết, ông Tuấn, bà Đủ” thì công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng hiện nay đã có thêm những cánh tay đắc lực từ cơ sở - những người sát sườn giám sát thực hiện chính sách, quy định của Nhà nước tại địa phương…

Đọc thêm