Trong thời đại internet và mạng xã hội gắn chặt với cuộc sống mọi người, sự việc Công an tỉnh Quảng Nam và Công an TP HCM khởi tố, bắt tạm giam hai “anh hùng bàn phím” (36 tuổi, ngụ huyện Bắc Trà My và 35 tuổi, ngụ Thủ Đức) để điều tra cùng về hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự là sự kiện dư luận rất quan tâm. Có những điều đặc biệt trong vụ án này như cả hai nghi phạm đều hướng tới một nạn nhân, thực sự mục đích của hai nghi phạm này là gì, hành trình tìm đến công lý của nạn nhân ra sao… thì có thể nhiều người còn chưa biết.
Theo công bố chính thức từ công an, chỉ từ tháng 9 - 11/2024, nghi phạm 36 tuổi đã nhiều lần đăng tải các clip nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của chủ một bệnh viện thẩm mỹ (BVTM) nổi tiếng tại TP HCM; bịa đặt sai sự thật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của BVTM này. Còn nghi phạm 35 tuổi cũng thừa nhận nhiều thông tin mình phát ngôn, đăng tải trên mạng về BVTM này là “nghe kể lại”, “suy đoán chủ quan”. Những phát ngôn xuyên tạc này đã gây ra những hậu quả khủng khiếp khi “gây ra cảm nhận một chiều từ người xem, dẫn đến lôi kéo, tạo sự hoang mang, thiếu khách quan, giảm sút uy tín, hiểu sai, thù ghét cá nhân; tạo dư luận xấu trong xã hội, làm nhiều người hoang mang hủy các dịch vụ của BVTM, yêu cầu hoàn tiền, làm ảnh hưởng doanh thu BVTM”...
Thành ngữ có câu “có lửa thì mới có khói”. Nhưng trong vụ án này, thành ngữ trên không thể áp dụng. Cả hai nghi phạm đều không quen biết, không mâu thuẫn gì với nạn nhân. Mục đích sâu xa của việc lên mạng bịa đặt, bôi nhọ nạn nhân, chỉ là để họ được “có tiếng”, được nhiều người biết đến, để bán hàng “trăm thứ bà rằn” trên các phiên livestream, để thỏa mãn “cái tôi” lệch chuẩn…
Hành trình tới công lý của nạn nhân trong vụ án này đã rất mất mát, tổn thương, nhưng kiên trì, bền gan và đúng quy định pháp luật. Nạn nhân trong vụ án từng là một thôn nữ nghèo miền Tây lên TP HCM cần mẫn nhiều năm mới tạo dựng nên thương hiệu, nên BVTM nổi tiếng. Chị đã không chấp nhận những điều phi lý, không chấp nhận sự nghiệp cả đời gầy dựng có thể bị sụp đổ vì những clip vu khống bậy bạ, tào lao. “Giọt nước tràn ly” là sự kiện vì BVTM bị dư luận hiểu nhầm nên ào ạt vào trang cá nhân một nữ nhân viên trong BV sỉ nhục, khiến cô gái uất ức tự vẫn, may mắn được phát hiện, cứu chữa kịp thời. Chấp nhận doanh thu có những lúc chỉ còn là số 0, liên tục những chuyến đi xa làm việc với cơ quan chức năng… Đó là một hành trình rất dài, kiên gan, bản lĩnh. Từ khi tố cáo; lấy lời khai; thu thập chứng cứ; giám định hàng chục clip để có kết luận; ra quyết định khởi tố… mất cả năm trời, nhiều công sức; nhưng nạn nhân luôn tin tưởng những vi phạm sẽ phải bị xử lý.
Sau khi sự việc được sáng tỏ, trên tài khoản mạng xã hội của nạn nhân đăng tải lời cảm ơn “Ngày hôm nay luật pháp đã chứng minh sự nghiêm minh. Cảm ơn pháp luật đã công tâm”. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nạn nhân trong vụ án mới là người đáng được cảm ơn, vì đã dũng cảm theo đuổi sự việc tới cùng giúp cơ quan chức năng thực thi, bảo vệ pháp luật được chính xác, nghiêm minh; vì đã góp phần làm môi trường internet ngày càng trong sạch; vì đã mang đến một bài học cho mọi người phải thượng tôn pháp luật dù trong đời thực hay trên mạng ảo.