Xuất hiện trên mạng xã hội cách đây khá lâu, Ngô Bá Khá (hay còn gọi là Khá “bảnh”, SN 1993, quê Bắc Ninh) nổi tiếng với điệu nhảy “múa quạt” còn được dân mạng gọi với cái tên “VinaHey”.
Sau đó, Khá “bảnh” được biết đến nhiều hơn với những clip hướng dẫn “quẩy” trong bar, livestream nói tục, chửi thề, những phát ngôn gây sốc, thậm chí là làm phim ngắn về “tình nghĩa giang hồ”.
Mới đây, Khá "bảnh" cùng một vài người bạn đã thực hiện đoạn clip ghi lại cảnh mình đập nát chiếc xe tay ga mới tại một bãi đất trống. Sau khi đã đập nát xe, nam thanh niên này còn dùng thêm xăng đổ vào xe và đốt xe.
Bên cạnh đó, người xem dễ dàng nhận thấy dưới clip của mình, Khá Bảnh còn thản nhiên quảng cáo việc đập xe máy để dùng xe điện. “Bảnh được đổi con xe NewTech. Xe điện tiết kiệm gấp 33 lần xe ga và giá chỉ bằng 1/3”.
Theo tìm hiểu, ngày 22/3 vừa qua, hãng xe điện Pega đã tung ra chiến dịch "Đập xe máy đổi xe điện" với mục đích hiện trạng xe máy đang được bán với giá quá đắt đỏ, gấp mấy lần thị trường nước ngoài, chí phí xăng dầu cao, xả khói ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe và đây sẽ là cơ hội để người tiêu dùng đổi xe máy cũ lấy xe điện mới. Pega tự tin xe điện với nhiều lợi ích vượt trội như tiết kiệm gấp 33 lần xe ga, giá xe chỉ bằng 1/3 xe ga sẽ thay thế xe máy xăng trong tương lai rất sớm”.
Tea lời báo chí về câu hỏi hãng đã nghiên cứu gì trước khi đưa ra chương trình quảng bá này, đại diện Pega cho biết: "Pega chưa nghiên cứu gì. Pega đưa ra chiến dịch này để cho khách hàng có cơ hội nâng cấp từ xe máy cũ lên xe điện mới, cũng để thể hiện thách thức của Pega dành cho thị trường xe máy".
Dù vậy, theo công bố từ hãng xe điện này, chương trình chỉ "áp dụng với các dòng xe máy mua từ 2017", đó không hẳn là những chiếc xe quá cũ. Đồng thời, Pega cũng khôn khéo "lồng" thêm quy định "đổi ngang với các xe máy có giá trị khi mua cao hơn, bằng hoặc thấp hơn tối đa 5 triệu đồng so với mẫu xe điện muốn đổi".
Tuy hãng có ghi yêu cầu đối với khách hàng: "người muốn tham gia cần quay clip cảnh đập xe và gửi cho Pega", nhưng không hề thông tin rõ ràng về việc phải đập xe ra sao, đập bộ phận nào và bao nhiêu phần trăm mới đạt. Đại diện của Pega khi được hỏi cũng không dễ dàng đưa ra được câu trả lời khi chỉ chia sẻ: "chắc tầm khoảng 30 đến 50%".
Cuối cùng, vì đã bị đập, nhiều chiếc xe máy có thể bị hư hỏng nặng hoặc không sử dụng được, vấn đề xử lý sau đó cũng rất quan trọng, nhưng hãng xe điện này vẫn chưa có kế hoạch cụ thể: "Hiện tại, bên mình cũng chỉ thu lại để đấy chứ chưa có mục đích gì khác". Chiến dịch của Pega sẽ bắt đầu từ tháng 4.
|
Pega tung chiến dịch gây sốc để khách hàng đổi lấy những chiếc xe điện của mình. |
Trao đổi với PV, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng LS Chính Pháp, Đoàn LS TP Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật dân sự thì cá nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình nên họ có toàn quyền đối với tài sản do mình sở hữu.
Tuy nhiên, điều quan trọng là việc thực hiện quyền đối với tài sản được thực hiện trong hoàn cảnh nào, ở đâu và có làm ảnh hưởng đến người khác không. Nếu cá nhân tự đập phá, phá hủy phương tiện giao thông của mình mà không làm ảnh hưởng đến người khác, không làm ảnh hưởng đến trật tự chung thì hành vi đó là quyền của cá nhân và không bị hạn chế hay áp dụng chế tài xử phạt nào.
Cũng theo LS Cường, nếu phương tiện giao thông đó là xe đi thuê, đi mượn hoặc là tài sản của gia đình, tài sản chung vợ chồng, tài sản chung với người khác thì người tự phá hủy có thể bị truy tố, xét xử về tội Hủy hoại hoặc Cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại Điều 178 BLHS 2015 sửa đổi 2017 nếu có đủ căn cứ cấu thành tội phạm. Nếu việc đập phá hủy hoại tài sản đó làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng thì có thể bị xử lý về tội Gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 318 BLHS 2015.
Còn đối với doanh nghiệp, về chiến dịch đập xe máy đổi xe điện thì theo tôi khi đề ra một chiến dịch nào đó để kinh doanh, phát triển thương hiệu, doanh nghiệp nên có những sự cân nhắc. Bởi đã là chiến dịch thì nó có ảnh hưởng đến một cộng đồng nhất định, có tính định hướng, đặc biệt là với giới trẻ. Nếu một chiến dịch mà gây ra phản ứng trái chiều hoặc có thông điệp phản cảm thì sẽ là “con dao hai lưỡi”, phản tác dụng.
Với chiến dịch đập xe máy, cổ vũ cho việc hủy hoại tài sản theo tôi là không nên. Có thể bản chất thông điệp chỉ sử dụng câu slogan này để nhấn mạnh về việc mua xe điện, tuy nhiên nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ, cổ vũ việc hủy hoại tài sản, không tôn trọng tài sản, thương hiệu của doanh nghiệp khác.
Xe máy có thể về một mặt nào đó có những nhược điểm nhất định nhưng mà không thể phủ nhận nó là một phương tiện thiết yếu đối với mỗi người dân Việt Nam từ xưa đến nay. Tuy nhiên hiện tại với các thông tin ban đầu thì cũng chưa khẳng định được là doanh nghiệp Pega có sự vi phạm nào không. Tôi chỉ đưa ra các trường hợp vi phạm có thể xảy ra như sau:
Dưới góc độ pháp lý, nếu hành vi quay video đập xe tay ga và kêu gọi đổi xe điện của Khá Bảnh là do cá nhân này tự thực hiện đối với chiếc xe sở hữu của mình, là hành vi muốn thể hiện mình của cá nhân đó thì đó là quyền cá nhân của anh ta.
Tuy nhiên nếu hành vi đó không phải là do cá nhân này tự thực hiện mà được thực hiện do sự chỉ đạo của Pega, là chiêu trò của hãng xe Pega nhằm quảng cáo cho sản phẩm xe điện của hãng xe này thì hành vi này có thể được xem xét là hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 điều 45 Luật Cạnh tranh 2004 thì Doanh nghiệp bị cấm thực hiện hoạt động quảng cáo so sánh trực tiếp hàng hoá, dịch vụ của mình với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác.
Căn cứ điểm a khoản 1 điều 33 Nghị định 71/2014 quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh thì hành vi này có thể bị phạt tiền từ 60.000.000 đến 80.000.000 đồng.
Nếu chiến dịch này của Pega chỉ là tặng xe điện cho khách hàng dùng thử thì đây là quyền của doanh nghiệp. Tuy nhiên nếu Pega có thực hiện việc tặng xe mới của PEGA để khách hàng dùng thử nhưng lại yêu cầu khách hàng đổi xe cùng loại do doanh nghiệp khác sản xuất mà khách hàng đó đang sử dụng để dùng hàng hóa của mình thì có thể được xác định là hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh.
Theo đó khoản 4 điều 46 Luật Cạnh tranh 2004 quy định cấm doanh nghiệp thực hiện hoạt động khuyến mãi tặng hàng hoá cho khách hàng dùng thử nhưng lại yêu cầu khách hàng đổi hàng hoá cùng loại do doanh nghiệp khác sản xuất mà khách hàng đó đang sử dụng để dùng hàng hóa của mình. Căn cứ điểm d khoản 1 điều 34 Nghị định 71/2014 quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh thì hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 60.000.000 đến 80.000.000 đồng.