Hậu cháy nổ gas, thị trường thiết bị cảnh báo rò rỉ ga "lên ngôi"

Các thiết bị cảnh báo rò rỉ ga đang được bán đắt như tôm tươi, nhiều hộ gia đình cũng thay đổi cách sử dụng gas hàng ngày. Phải chăng, “mất bò mới lo làm chuồng”, chỉ đến khi xảy ra các vụ tai nạn thì nhiều hộ gia đình mới thực sự lo lắng đề phòng, cảnh giác cao độ với “tử thần”?

Liên tiếp trong vòng hơn một tháng qua, tại Thủ đô xảy ra hai vụ nổ ga gây thương vong và thiệt hại lớn cả về người và của. Trước tình trạng này, hàng loạt các thiết bị cảnh báo rò rỉ ga được bán đắt như tôm tươi, nhiều hộ gia đình cũng thay đổi cách sử dụng gas hàng ngày. Phải chăng, “mất bò mới lo làm chuồng”, chỉ đến khi xảy ra các vụ tai nạn thì nhiều hộ gia đình mới thực sự lo lắng đề phòng, cảnh giác cao độ với “tử thần”?

Sau các vụ cháy nổ khí gas, tâm trạng hoang mang đang bao trùm trong đời sống dân sinh.

Chỉ ngủ khi đã khóa van gas

Đầu tháng 11, vụ nổ ga tại phường Bách Khoa khiến hai em bé thiệt mạng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng gas tại các gia đình không chỉ tại Thủ đô mà trên phạm vi cả nước. Các bà nội trợ dành nhiều thời gian hơn chú ý việc phòng cháy nổ mỗi khi sử dụng bếp gas xong.

Vụ việc vừa mới lắng xuống được gần một tháng thì tiếp tục vụ nổ ga tại Minh Khai, Từ Liêm khiến chủ cửa hàng ga cùng hai nhân viên bỏng nặng, vợ và con anh này thì thiệt mạng càng khiến dư luận hoang mang và cảnh giác cao.

Chị Trần Thị Liễu (34 tuổi, ngõ 58 phố Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Mấy ngày nay đọc báo và xem ti vi thấy nhiều vụ nổ ga quá. Từ hôm xảy ra vụ nổ ga đầu tháng 11, vợ chồng tôi lúc nào cũng kiểm tra van khóa gas đã khóa hay chưa mới an tâm đi ngủ. Tôi còn cẩn thận dán “nhớ khóa bình gas sau khi sử dụng” trên thành bếp nhắc ông xã sợ anh ấy quên.

Trước đây, khi sử dụng tôi cũng vẫn khóa bình gas nhưng không thường xuyên. Giờ thì lúc nào cũng phải cẩn thận vì nhà cũng có trẻ con nữa”. Chị Liễu cho biết thêm, nhiều hộ gia đình hàng xóm của chị còn đi lên tận các đại lý cấp 1 của gas Petro hỏi loại khóa van “xịn”, rồi nhờ các nhân viên làm lại cho cẩn thận.

Đại lý gas nhỏ  ế ẩm

Cũng trong thời gian qua, tâm lý chọn gas có chất lượng, có uy tín tại các đại lý cấp 1 hay các trung tâm phân phối gas chính hãng như Petro, Shell Gas... khiến các đại lý gas nhỏ lẻ ế ẩm. Tâm lý người tiêu dùng lo sợ các sản phẩm kém chất lượng, được chiết xuất gas không cẩn thận chính là nguyên nhân chính dẫn đến việc rò rỉ khí ga gây tai nạn.

Bởi vậy, rất nhiều bà nội trợ nói không với việc tiếp thị gas tại nhà, thậm chí nhiều đại lý giảm giá rất lớn với việc mua bếp gas và sử dụng gas được tặng thêm vật dụng như chảo chống dính, bộ nồi sunhouse nhưng xem chừng người tiêu dùng vẫn không mặn mà.

Hiện nay, khi các hãng gas áp dụng dán tem xác thực điện tử, người tiêu dùng dễ dàng nhận biết nguồn gốc sản phẩm Gas là cơ sở nào chiết nạp, phân phối qua thao tác đơn giản là nhắn tin mã bí mật in chìm trong con tem lên tổng đài để xác thực nguồn gốc hàng hóa.

Anh Trần Minh Đức (một chủ cửa hàng ga tại Trần Bình, Cầu Giấy) cung cấp với phóng viên: “Một vài gia đình nhất định bắt chúng tôi bảo đảm về khóa van thật cẩn thận mới tiếp tục sử dụng sản phẩm. Biết tâm lý khách hàng nên tôi cũng vừa làm vừa dặn thêm các hộ gia đình phải luôn lưu ý việc khóa van khi dùng xong. Việc làm này không mất nhiều thời gian nhưng chúng ta không bao giờ được phép quên”.

Anh Đức đưa ra khuyến cáo: “Các vụ nổ thường xảy ra sau khi gia chủ thay bình gas, do lắp đặt không an toàn. Khi mua gas, mọi người nên yêu cầu nhân viên dùng nước xà phòng đặc bít quanh các mấu nối dây dẫn, nếu thấy bong bóng nổi lên tức là lắp chưa chuẩn, có khí gas rò rỉ”.

Thiết bị cảnh báo rò rỉ gas đắt như tôm tươi

Cũng một tháng trở lại đây, thiết bị cảnh báo rò rỉ gas bán khá chạy. Chính tâm lý “nước đến chân mới nhảy” của đại đa số người tiêu dùng khiến không ít tiểu thương kinh doanh mặt hàng này bỗng chốc hốt bạc. Theo nhiều người có kinh nghiệm, không phải đến khi xảy ra các vụ nổ gas thì mặt hàng này mới xuất hiện tại Việt Nam.

Thiết bị này có mặt trên thị trường đã hơn một năm nay, song số lượng khách đặt mua khá ít. Chỉ đến khi xảy ra những vụ nổ khí gas liên tiếp vừa qua, hàng trở nên hút khách. Những thiết bị nhập từ Hàn Quốc, Đài Loan giá từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng, đắt nhất là máy xuất xứ từ Nhật Bản với giá hơn 1 triệu đồng/chiếc. Thời gian bảo hành thường là một đến 2 năm. Trong khi đó, những thiết bị sản xuất của Trung Quốc có thể mua với giá rẻ hơn rất nhiều, giá chỉ vài chục nghìn đồng.

Tuy nhiên, dù thiết bị cảnh báo tối tân đến đâu thì sự an toàn vẫn phụ thuộc chính vào người sử dụng gas. Nói như  chị Hoàng Ngọc Mai (38 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) sau khi mua một loạt các sản phẩm như van, dây dẫn gas, thiết bị phát hiện rò rỉ khí gas: “Mua các thiết bị mới này để mình an tâm hơn chứ quan trọng nhất vẫn là tuân thủ những quy tắc sử dụng gas an toàn như để bình gas chỗ thoáng, tắt van sau khi sử dụng, bảo dưỡng định kỳ... Tự mình cẩn thận vẫn là yếu tố quan trọng hơn cả”.

Hiền Anh

Đọc thêm