Hệ lụy Chủ tịch xã dùng bằng giả?

(PLO) - Đang chờ nhận hình thức kỷ luật về việc dùng bằng giả thì ông Nguyễn Khắc Hòa, Chủ tịch UBND xã Hoàng Kim (Mê Linh, Hà Nội) lại bị người dân tố cáo về những sai phạm trong quản lý đất đai và có biểu hiện né tránh khi xử lý vi phạm lấn chiếm đất công của em vợ mình… 
Gia đình ông Lưu Văn Thế tự ý trồng cây trên phần đất vốn là ngõ đi chung
Gia đình ông Lưu Văn Thế tự ý trồng cây trên phần đất vốn là ngõ đi chung
Dùng bằng giả để thăng tiến
Từ Trưởng Công an xã, ông Nguyễn Khắc Hòa được bổ nhiệm chức Chủ tịch UBND xã Hoàng Kim. Tuy nhiên, khi mới “ngồi” được nửa nhiệm kỳ thì bị người dân thôn Hoàng Xá tố cáo “không học cấp 3”. Bị tố, ông Hòa liền trưng ra bản công chứng Bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) hệ bổ túc số 0602296, cấp năm 2006 mang tên Nguyễn Khắc Hòa, sinh ngày 25/1/1962, học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) huyện Mê Linh. 
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy, năm 2004-2005 không có Hội đồng thi ở Trung tâm GDTX Mê Linh; còn Trung tâm GDTX thị xã Phúc Yên không có số cấp bằng 0602296 vào năm 2006, không có học viên Nguyễn Khắc Hòa trong danh sách công nhận tốt nghiệp năm 2005…Trước những tài liệu này, ông Hòa đã phải công nhận với cấp trên rằng Bằng tốt nghiệp THPT của mình là giả.
Trả lời người tố cáo, UBND huyện Mê Linh khẳng định việc kê khai và sử dụng bằng cấp giả của ông Hòa là phạm vào Điểm 3 Mục I Thông tư 03/2006/TT- BNV của Bộ Nội vụ.
Theo Thông tư số 03 nói trên thì việc “sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp đưa vào hồ sơ cá nhân để được bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo” bị coi là “hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng”, phải áp dụng hình thức kỷ luật “cách chức”. Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng quy định Chủ tịch UBND cấp xã phải tốt nghiệp THPT.
Ông Hòa không đủ điều kiện để bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch UBND cấp xã thì đã rõ. Nhưng từ khi có kết quả xác minh “bằng giả” vào đầu tháng 7/2014 đến nay, người ta vẫn thấy ông Hòa tiếp tục được ngồi ghế Chủ tịch UBND xã Hoàng Kim, thực hiện công tác quản lý nhà nước với tư cách là người đứng đầu chính quyền địa phương.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho hay: “Chúng tôi sẽ sớm đưa ra hình thức kỷ luật đối với ông Hòa để ổn định tình hình địa phương. Ông Hòa là cán bộ thuộc diện Huyện ủy quản lý nên vừa qua, Thường vụ Huyện ủy đã thống nhất giao Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Huyện ủy tiến hành xem xét hình thức kỷ luật về mặt Đảng đối với ông Hòa”. 
Trong khi đó, ông Lưu Văn Chi, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Mê Linh cho biết thêm: “Theo quy trình thì hiện nay chúng tôi đang để ông Hòa kiểm điểm, trình bày ý kiến của mình”.
“Ngâm” đơn tố cáo vì bận… bán đất?
Ngoài hành vi dùng bằng giả, ông Hòa còn bị người dân tố cáo bán 28.000m2 đất ở khu vực Bãi Già, thôn Hoàng Kim cho Cty TNHH Việt Liên trái quy định. Thời điểm đầu năm 2013, khi Cty TNHH Việt Liên tiến hành san gạt mặt bằng để chuẩn bị trồng cây, xây nhà xưởng trên đất nông nghiệp thì bị người dân phát hiện, ngăn cản. Về việc này, UBND huyện Mê Linh cũng đã kết luận việc công dân tố cáo Chủ tịch UBND xã Hoàng Kim bán đất ở khu Bãi Già là có cơ sở.
Còn trước đây hơn một năm, ông Hòa cũng từng phải “tự phê bình” và “nghiêm túc rút kinh nghiệm” vì đã thiếu trách nhiệm, chậm trễ giải quyết đơn tố cáo ông Lưu Văn Thế - cán bộ tư pháp xã Hoàng Kim lấn chiếm đất công. Chỉ đến khi UBND huyện Mê Linh chỉ đạo quyết liệt bằng nhiều văn bản thì đến tháng 5/2013, UBND xã Hoàng Kim mới ban hành Kết luận khẳng định việc “công dân tố cáo ông Thế lấn đất là có cơ sở”. 
Như vậy, tính từ ngày UBND xã Hoàng Kim nhận đơn tố cáo của công dân đến khi có văn bản giải quyết lần đầu là 8 tháng. Sau này, UBND xã Hoàng Kim đã ban hành thêm 2 kết luận (thay thế) và một văn bản giải quyết khiếu nại đều khẳng định nội dung tố cáo ông Thế lấn đất là có cơ sở, yêu cầu ông Thế giải tỏa cây cối trồng trên đất ngõ đi của tập thể (chặn lối đi ra ao chung).
Theo UBND xã Hoàng Kim thì ngõ đi này đã được các hộ dân sử dụng để đi ra khu ao cuối làng (để tắm rửa và lấy nước ăn) từ trước năm 1986. Sau này, do hệ thống ao này bị ô nhiễm nên người dân không đi ra đây nữa. Từ đó, bố ông Thế đã chiếm dụng ngõ đi để trồng cây, gây nên tranh chấp với các hộ xung quanh từ năm 1993. Hiện, gia đình ông Thế không có bất cứ giấy tờ hợp lệ nào chứng minh quyền sử dụng hợp pháp diện tích đất này. Trong khi đó, ngõ đi vào ao tập thể đã ổn định từ lâu, là thực tế lịch sử đều đã được mọi người thừa nhận.
Đã khẳng định gia đình ông Thế lấn đất công nhưng không hiểu sao Chủ tịch UBND xã Hoàng Kim lại không ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế theo thẩm quyền để xử lý triệt để vụ việc? Cùng với việc “ỉm” đơn thì việc giải quyết vòng vèo, “câu giờ” như trên của ông Chủ tịch này khiến người tố cáo vẫn một mực khẳng định ông Hòa đã có hành vi bao che cho cấp dưới và cũng là em vợ của mình.
Đe dọa phóng viên ngay tại trụ sở UBND xã
Thời điểm hiện tại, ngoài việc có cho rằng việc lấn đất của ông Thế có sự bao che, né tránh xử lý thì một số người dân ở đây còn có đơn đề nghị cơ quan công an can thiệp, xử lý người nhà ông Thế do có hành vi đe dọa, lăng mạ và vu khống người tố cáo.
Được biết, Công an huyện Mê Linh đã có văn bản giao Đồn Công an Thạch Đà, Công an xã Hoàng Kim… kịp thời can thiệp và xử lý nếu xuất hiện các hành vi như người dân tố cáo. Nhưng xem ra người nhà ông Thế cũng chẳng coi Công an và chính quyền xã ra gì bởi ngay chiều 16/10 vừa qua, vợ và anh trai ông Thế đã xông vào tận phòng làm việc của Phó Chủ tịch UBND xã để chửi bới, dọa nạt và đòi ăn thua với phóng viên khi biết phóng viên về xã làm việc. Mặc dù đã được lãnh đạo xã giải thích nhưng hai người này vẫn hùng hổ, lớn tiếng vu khống phóng viên là “xã hội đen” về thôn gây rối, xâm phạm vào tài sản, đất đai của gia đình ông Thế. 
Vụ việc đã buộc Công an xã Hoàng Kim phải lập biên bản, ghi nhận ý kiến của phóng viên đề nghị xử lý nghiêm hành vi vu khống, đe dọa và cản trở phóng viên tác nghiệp của vợ và anh trai ông Thế theo quy định.

Đọc thêm