Hệ lụy từ bản hợp đồng mua bán đất không rõ vị trí

(PLO) -Ông Lê khẳng định mình chỉ bán miếng đất phía trong, không giáp đường tỉnh lộ. Thế nhưng, người mua lại lấy mất miếng đất mặt tiền đẹp, khiến vợ chồng ông phải chịu thiệt thòi. 
Bà Nguyễn Thị Mến
Bà Nguyễn Thị Mến

Phức tạp “đất chồng, đất vợ”

Theo trình bày của bà Nguyễn Thị Mến (SN 1965, ngụ thôn 11, xã Tân Hòa, huyện  Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), năm 1994, giữa bà và chồng phát sinh nhiều mâu thuẫn nên sống ly thân. 

Trong thời gian đó, bà vay vốn, mua gần 3000m2 đất của một người ở thôn 9 cùng xã. Phần đất bà Mến mua nằm giáp ranh tỉnh lộ 1, thuộc địa phận thôn 10. Mọi thủ tục, giấy tờ chuyển nhượng đất đều đứng tên bà Mến, không liên quan gì đến chồng. Bên cạnh đó, bà cũng có hai tờ giấy viết tay, ghi rõ nội dung mua bán đất. 

Năm 1995, ông Nguyễn Thành Lê (chồng bà Mến), mua 4000m2 đất nằm phía trong (tính từ đường tỉnh lộ 1), giáp với phần đất bà Mến đã mua trước đó. Đến năm 1997, ông Lê bán cho bà Trần Thị Mai Thu (ngụ cùng địa phương) một phần đất với giá 8 chỉ vàng nhưng không ghi rõ vị trí.  

Bà Mến khẳng định, hai lô đất trên là tài sản riêng biệt của vợ chồng bà, chẳng ai liên quan tới ai. Bởi vậy, ông Lê bán đất cho bà Thu là việc của ông Lê. Thế nhưng, vì trong giấy tờ mua bán với bà Thu, ông Lê không ghi cụ thể vị trí đất dẫn tới việc tranh chấp dai dẳng. Rút cục, người mua không lấy phần đất ông Lê đã bán mà lấy 730m2 phần đất “mặt tiền đẹp”, nằm giáp tỉnh lộ của bà Mến. 

Phía bà Thu cho rằng, mình đã mua 730m2 đất trên là hợp pháp. Bởi lẽ, vào năm 1994, ông Lê rủ vợ chồng bà mua chung lô rẫy với diện tích chiều ngang mặt đường 60m, chiều dài 80m với giá 14 chỉ vàng. 

Đến tháng 5/1995, ông Lê đến nhà bà thông báo đã mua được lô rẫy trên. Bởi vậy, bà đã bỏ ra 8 chỉ vàng để mua lại 25m chiều ngang, 80m chiều dài. Sau khi đo đạc, bà phát hiện chiều dài của mảnh đất ông Lê bán cho mình chỉ vọn vẻn 40m. Tuy nhiên, vợ chồng bà cũng không ý kiến gì. Cũng theo bà Thu, sau khi mua bán xong, ông Lê không thực hiện hợp đồng mà cản trợ gia đình bà sử dụng lô đất trên nên xảy ra tranh chấp. 

Ngày 29/5/1997, UBND huyện Buôn Đôn tiến hành giải quyết tranh chấp và ra Quyết Định 305/QĐ-UB, công nhận cho bà Thu được quyền sử dụng 1200m2 trên diện tích mà ông Lê đã bán. 

Năm 2004, bà Thu làm thủ tục xin kê khai đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất trên. Khi làm thủ tục, bà Thu thông báo cho ông Lê và ông Lê đã yêu cầu bà phải cắt lại 5m chiều ngang, 40m chiều dài nên bà đồng ý. Trừ diện tích làm lộ giới, trừ nốt phần đất ông Lê “xin”, cuối cùng bà còn lại 730m2 đất (mất gần một nửa). 

Như vậy, theo trình bày của bà Thu thì ngay từ khi mua đất, ông Lê đã “bớt xén”, cản trở, không thực hiện hợp đồng và bà phải nhờ pháp luật giải quyết; khi làm sổ đỏ bị ông Lê “xin” mất 200m2.

Thế nhưng kể từ khi được cấp sổ đỏ, bà Thu khai không sử dụng đất mà lại tiếp tục cho ông Lê mượn để trồng cây màu. Mãi đến năm 2008, phát hiện ông Lê không trồng màu mà trồng cà phê nên bà Thu kiện ra tòa để đòi lại đất. 

Tòa chưa xác định rõ nguồn gốc đất tranh chấp?

Trong các năm 2009-2010, TAND huyện Buôn Đôn và tỉnh Đắk Lắk đã lần lượt đưa vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất nói trên ra xét xử và chấp nhận yêu cầu của bà Thu, buộc vợ chồng bà Mến phải trả lại 730m2 đất cho nguyên đơn. 

Trước các phiên tòa, ông Lê khẳng định, việc ông nhận vàng và bán đất cho bà Thu là có thật. Tuy nhiên, khi mua bán ông không ghi rõ vị trí đất; khi viết giấy cho bà Thu làm sổ đỏ thì ông cứ nghĩ làm sổ đỏ trên phần diện tích thuộc 4000m2 đất mình đã mua ở bên trong. Thế nhưng UBND huyện Buôn Đôn lại cấp sổ đỏ cho bà Thu trên phần diện tích đất giáp tỉnh lộ 1 (đất mặt tiền) là không đúng. 

Bà Mến thì cho rằng không hề biết việc mua bán giữa bà Thu và ông Lê. Hơn thế, việc tranh chấp giữa bà Thu và ông Lê chẳng liên quan tới phần đất của bà. Bởi vậy, khi UBND huyện Buôn Đôn cấp sổ đỏ cho bà Thu trên diện tích đất bà đã mua là không hợp pháp nên không đồng ý trả lại đất cho bà Thu. 

Theo phân tích của một luật sư, các cấp xét xử đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, đưa ra phán quyết không khách quan, không công bằng làm thiệt thòi đến quyền lợi của gia đình bà Mến. 

Cụ thể, luật sư cho rằng hai cấp tòa đã không xác định đúng nguồn gốc đất đang tranh chấp. Tài sản đang tranh chấp chính là tài sản riêng của bà Mến, không phải của ông Lê. Bởi lẽ, trong thời gian mua mảnh đất trên, hai vợ chồng đang ly thân và chỉ có bà Mến tự vay vốn, đứng ra mua đất, đứng tên trong giấy tờ sang nhượng, không liên quan gì đến chồng. 

Bên cạnh đó, bà Mến có trong tay hai tờ giấy (viết tay) mua bán đất từ người bán. Dù giấy tờ mua bán không có chứng kiến của chính quyền địa phương nhưng vào tháng 6/1995, bà Mến đã có đơn xin cất nhà nhỏ để trông coi cà phê trên phần diện tích đất này. 

Theo luật sư: Trong nội dung đơn gửi chính quyền địa phương vào ngày 1/6/1995, bà Mến ghi rõ: “Tôi có mua mảnh đất của anh Nguyễn Ngọc Lâm, gần đường cái (tỉnh lộ 1), đã trồng 260 cây cà phê. Để tạo điều kiện chăm sóc cho vườn cây, tôi kính mong các cấp lãnh đạo cho phép dựng căn nhà nhỏ diện tích 4x6 m2 để tiện trông coi”.

Sau đó, chính quyền thôn và xã đã đồng ý với đơn đề nghị dựng nhà của bà Mến với điều kiện: “Không được làm kiên cố, lấn chiếm lòng lề đường”. Điều này chứng tỏ, chính quyền thời đó đã công nhận việc bà Mến sử dụng mảnh đất trên là hợp pháp. 

Mặt khác, ông Lê có mảnh đất riêng 4000m2 mua lại của ông Thái Văn Toại, có giấy viết tay, lập sơ đồ, được chính quyền địa phương xác nhận. Như vậy, chỉ trong trường hợp ông Lê bán cho bà Thu phần đất này thì mới hợp pháp.

Nếu ông Lê bán phần đất bà Mến đã mua là hoàn toàn sai và hợp đồng mua bán coi như vô hiệu vì không có sự đồng ý của bà Mến. Kể cả trường hợp đánh đồng tổng diện tích đất trên là tài sản chung của hai vợ chồng thì thực hiện khi mua bán, bắt buộc phải có sự thống nhất, đồng thuận của cả bà Mến và ông Lê. 

Trở lại với bà Mến, bà cho biết, ngay khi phát hiện việc UBND huyện Buôn Đôn cấp sổ đỏ cho bà Thu trên phần diện tích mình đang canh tác, bà đã làm đơn khiếu nại gửi đến nhiều nơi. Sau đó, bà được hướng dẫn khởi kiện ra tòa án. Tuy nhiên, khi bà nộp đơn khởi kiện thì không được chấp nhận vì lý do bà Thu đang kiện ông Lê về việc tranh chấp đất đai. 

Bà Mến bức xúc: “Đứng trước tòa, tôi đã nhiều lần yêu cầu HĐXX cho giám định chữ ký của mình trong giấy tờ có liên quan đến việc tranh chấp đất nhưng không được chấp nhận. Tôi khẳng định, mình không hề ký bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến việc chuyển nhượng đất cho bà Thu như trong hồ sơ vụ tranh chấp.

Bên cạnh đó, tòa cũng không mời ông Lâm (người bán đất cho bà Mến) đến tham gia tố tụng. Bởi vậy, tôi mong các cơ quan chức năng xem xét lại cho trường hợp của mình, kháng nghị hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm trên để xét xử lại một cách khách quan, minh bạch”. 

Đọc thêm