Hệ lụy từ 'canh bạc' lao động 'chui' vùng biên: Chờ giấy thông hành hợp pháp

(PLO) - Để ngăn chặn tình trạng lao động (LĐ) vượt biên trái phép sang Trung Quốc LĐ “chui”, thời gian qua, lực lượng Bộ đội biên phòng (BĐBP) và các lực lượng chức năng các địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, triển khai quyết liệt việc ngăn chặn, hàng trăm vụ xuất cảnh trái phép. Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp mang tính chất tình thế, về lâu dài, cần có giải pháp hữu hiệu hơn.
Đồn BP Phó Bảng, BĐBP Hà Giang tiếp nhận công dân LĐ trái phép do lực lượng chức năng Trung Quốc trao trả.
Đồn BP Phó Bảng, BĐBP Hà Giang tiếp nhận công dân LĐ trái phép do lực lượng chức năng Trung Quốc trao trả.

Năm 2017, tỉnh Điện Biên phát hiện 1.737 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, tăng 400 trường hợp so với năm 2016. Tập trung tại các huyện: Nậm Pồ (1.134 người); Mường Nhé (165 người); Tuần Giáo (142 người); Ðiện Biên Ðông (136 người)… Tình trạng này diễn ra ngày càng phức tạp gây khó khăn trong công tác quản lý, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Ðặc biệt là tiềm ẩn nhiều hệ lụy khi tính mạng, tài sản của những người xuất cảnh không được pháp luật bảo hộ. Năm 2017, Công an tỉnh tổ chức 25 đợt tiếp nhận 99 trường hợp xuất cảnh trái phép bị bắt trả về địa phương.

Công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê tuy có thu nhập cao hơn trong nước nhưng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro mà người LĐ phải gánh chịu, vì xuất cảnh trái phép nên không được pháp luật bảo hộ, phải sống chui lủi để trốn tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng nước sở tại, điều kiện ăn uống, sinh hoạt kham khổ, làm việc với cường độ cao. Đặc biệt, khi người LĐ gặp rủi ro đều không được hưởng bất cứ một quyền lợi nào.

Mặc dù công tác tuyên truyền, vận động có triển khai thực hiện, song chưa đồng bộ, chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Tuyến biên giới có địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp, chưa hiểu các quy định về xuất nhập cảnh và xuất khẩu LĐ; công tác quản lý dân cư của chính quyền cơ sở còn nhiều hạn chế; lực lượng chức năng làm công tác quản lý, tuần tra biên giới còn thiếu nên chưa ngăn chặn hiệu quả việc người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc LĐ làm thuê.

Trong khi công tác hỗ trợ giải quyết việc làm cho người LĐ tại nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng LĐ phổ thông tại Trung Quốc lại rất lớn, giá công LĐ được trả cao hơn so với cùng một công việc ở Việt Nam. Mức thu nhập trung bình một ngày công LĐ từ 250.000 - 300.000 đồng chính là sức hút hấp dẫn với những nông dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa, trình độ hiểu biết về pháp luật còn hạn chế.

UBND tỉnh Điện Biên đang rốt ráo chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương trao đổi, thống nhất với các cấp, ngành chức năng của tỉnh Vân Nam xây dựng một hành lang pháp lý về hợp tác xuất khẩu LĐ và quản lý LĐ phổ thông vùng biên giới với tên gọi “Thỏa thuận nguyên tắc về quản lý LĐ phổ thông vùng biên giới với Trung Quốc” nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân, để LĐ phổ thông được làm việc hợp pháp, được bảo hộ theo quy định của pháp luật mỗi nước. 

Trong 10 tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, năm 2015, Hà Giang đã ký Thỏa thuận nguyên tắc về quản lý LĐ phổ thông vùng biên giới với châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Năm 2017, phía Trung Quốc đã tiếp nhận 700 LĐ Hà Giang. Sự hợp tác giữa tỉnh Vân Nam và Hà Giang đã tạo điều kiện cho bà con vùng giáp biên có giấy tờ thông hành hợp pháp, việc đi hay ở đều được hai bên kiểm tra, giám sát, lương bổng của người LĐ được trả đúng hợp đồng.

Các tỉnh Điện Biên, Lai Châu triển khai việc ký kết biên bản thỏa thuận từ năm 2017 đến nay vẫn chưa xong. Để công dân đi làm hợp pháp ở Trung Quốc, trước mắt ở cấp địa phương, cần triển khai cấp bách đàm phán và ký kết “Biên bản thỏa thuận nguyên tắc về quản lý LĐ phổ thông giữa các tỉnh biên giới Việt Nam với các tỉnh, khu tự trị biên giới Trung Quốc”; về lâu dài sớm đàm phán với Trung Quốc nhằm ký kết văn bản thỏa thuận giữa hai Chính phủ, tạo hành lang pháp lý đưa người Việt Nam sang LĐ thuận lợi. Sự thống nhất và quy định rõ ràng trong phối hợp sẽ tạo điều kiện quản lý chặt chẽ cả người LĐ và chủ sử dụng LĐ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội mỗi bên.

Đọc thêm