Hè phố để làm gì?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dự thảo đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố do Sở GTVT TP HCM xây dựng đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi thú vị, đặc biệt trong một hội nghị phản biện do UBMTTQ TP tổ chức mới đây.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đề xuất, một số tuyến đường sẽ được thí điểm; và tùy khu vực, mức phí thuê lòng đường, vỉa hè mỗi m2 để giữ xe là 50.000 - 350.000 đồng/tháng. Giá thuê 20.000 - 100.000 đồng/m2 cho hoạt động kinh doanh. Dự kiến mỗi năm nguồn thu từ việc cho thuê này khoảng 1.522 tỷ đồng; nộp vào ngân sách để duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố.

Một ý kiến cho rằng đề án là hợp lý. Khoản thu này sẽ góp phần giúp ngành Giao thông có thêm kinh phí duy tu, bảo dưỡng hạ tầng đô thị; nhất là trong hoàn cảnh hiện nguồn vốn ngân sách cho công tác bảo trì đường bộ chỉ đáp ứng 40% so với nhu cầu. Nhiều tuyến đường do UBND các quận, huyện quản lý bị hư hỏng nặng không có vốn để sửa chữa, dẫn đến mất ATGT. Khi thu phí vỉa hè, địa phương sẽ có thêm kinh phí cho việc này.

Một cán bộ phường thuộc quận trung tâm TP cũng đồng tình với đề án trên bởi nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, vị cán bộ này cho rằng dự thảo đưa ra mức phí còn khá thấp, chưa sát thị trường. Với giá thuê mỗi m2 từ 20.000 - 50.000 đồng, nếu diện tích 60m2, chỉ phải trả 1,2 - 3 triệu đồng/tháng. Trong khi gửi một xe máy vài tiếng phải trả ít nhất 5.000 đồng. “Với giá này tôi cũng muốn thuê vỉa hè, lòng đường để giữ xe vì rất lời. Ký hợp đồng rồi cho thuê lại cũng đã lời”, vị cán bộ này nói.

Ở chiều ngược lại, một cán bộ phường khác cho rằng trước khi dự hội nghị đã tham khảo ý kiến của DN, người dân có mặt tiền đường và buôn bán hàng rong. 80% người được hỏi trả lời chưa nên triển khai cho thuê vỉa hè, lòng đường. Bởi hè phố và lòng đường bị chiếm dụng sẽ ảnh hưởng lớn đi lại của người dân, đi ngược với công tác quản lý và Luật Giao thông đường bộ.

Vị cán bộ này dẫn chứng Luật Giao thông đường bộ quy định vỉa hè, lòng đường chỉ sử dụng cho mục đích giao thông. Nếu đặt vấn đề thu phí sử dụng lòng, lề đường và hè phố sẽ vô tình tạo điều kiện cho việc kinh doanh ở đây, hay có thể nói hợp thức hóa việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Điều này vừa ảnh hưởng việc di chuyển, vừa làm mất mỹ quan. Việc thông qua đề án này nên rà soát tính toán kỹ lưỡng hơn, ý kiến này cho rằng việc cho thuê lòng đường, hè phố cần được tính toán.

Cũng bày tỏ sự băn khoăn, một cán bộ phường khác cho biết qua khảo sát có đến 92% các hộ kinh doanh trên một con đường ở quận trung tâm để xe máy trên vỉa hè. Các cửa hàng chiếm bề ngang mặt đường 1m, sau đó dựng thêm 1 - 2 hàng xe máy, người đi bộ không còn lối đi. “Khi không thu phí đã vậy, khi họ đã trả tiền rồi thì khách bộ hành sẽ không còn lối để đi”, cán bộ này nói và cho rằng một số địa phương đã thực hiện thuê vỉa hè, lòng đường, tình trạng giao thông vẫn lộn xộn, người dân không có lối đi bộ.

Như vậy, ít nhất tại hội nghị phản biện trên, đã có 2 vấn đề nổi bật. Quan điểm ủng hộ vì lý do chính là sẽ có nguồn thu. Quan điểm không ủng hộ cho rằng vỉa hè là để phục vụ việc đi lại, chứ không phải để cho thuê. Về phía đơn vị đề xuất, đại diện Sở GTVT lập luận chuyện cho thuê vỉa hè chỉ là “tạm thời” vì mục đích của vỉa hè, lòng đường vẫn là để đi lại. Đại diện Sở cũng đưa ra quan điểm chung chung khác là “đã tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia, học hỏi mô hình quản lý vỉa hè, lòng đường của nhiều TP lớn trong và ngoài nước” và “quản lý vỉa hè, lòng đường không đơn thuần là giao thông mà còn phải phù hợp với văn hóa đô thị”.

Về lý thuyết, việc cho thuê vỉa hè “sẽ được tính toán kỹ lưỡng nhằm giảm tác động đến người dân cũng như giao thông” và vừa cho thuê, vừa “không làm ảnh hưởng đến trật tự, ATGT”. Nhưng trên thực tế, làm sao để hài hòa cả 2 mục đích này, không phải là chuyện dễ. Không chỉ người dân TP HCM, mà dư luận cả nước cũng chờ TP HCM sẽ “giải bài toán” này ra sao để hợp tình, hợp lý, nhận được sự đồng thuận cao của dư luận; để các địa phương khác có thể học hỏi áp dụng?

Đọc thêm