Hết thời đầu cơ nhà đất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong Quyết định 2161 phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Chính phủ vừa ban hành, có một nội dung rất quan trọng, có thể làm “rung rinh” giới đầu cơ bất động sản.
Hết thời đầu cơ nhà đất

Một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra tại chiến lược là phát triển thị trường bất động sản nhà ở theo hướng bền vững, minh bạch dưới sự điều tiết, giám sát của Nhà nước; phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; đặc biệt là “hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí tài nguyên đất trong phát triển nhà ở”.

Một trong những động thái cụ thể nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, là Chính phủ giao Bộ Tài chính nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu chính sách khuyến khích phát triển đa dạng nguồn vốn dài hạn dành cho phát triển nhà ở; nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản như thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ, khai thác có hiệu quả bất động sản nhà ở.

Xét ở góc độ xã hội, thực trạng một người có tiền mua hàng chục, hàng trăm nhà đất, “ngâm đó” rồi “thổi giá” để tiền đẻ ra tiền, lại càng có nhiều nhà đất hơn; là vấn đề bất công xã hội nhức nhối bấy lâu nay. Nay chính sách định hướng của Nhà nước với tệ trạng này đã rất rõ ràng. Giờ chỉ còn chờ Bộ Tài chính đề xuất. Và khi các sắc thuế với bất động sản thứ hai được công bố, chắc chắn sẽ là một “quả bom” nổ tung giới đầu cơ ôm nhà, ôm đất.

Để triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều định hướng như yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về xây dựng, phát triển đô thị, pháp luật về nhà ở và kinh doanh bất động sản; xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ cải thiện nhà ở cho từng nhóm đối tượng chính sách xã hội gặp khó khăn về nhà ở...

Với Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ giao nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành hệ thống tín dụng đảm bảo chính sách tín dụng an toàn, ổn định cho lĩnh vực bất động sản nhà ở; hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan thế chấp bất động sản nhằm khai thác khả năng huy động vốn phục vụ nhu cầu phát triển bất động sản nhà ở; hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay nhà ở xã hội, triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội…

Một khi các cơ quan chức năng đồng loạt thực hiện các biện pháp nêu trên, thì nhất định tình trạng giá nhà đất “trên trời” sẽ buộc phải “xuống thang”, trở về đúng với giá trị thực. Không thể để xã hội cứ tồn tại tình trạng người có tiền thi nhau đi ôm nhà đất, khiến bất bình đẳng xã hội ngày càng tăng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, giấc mơ có một mái nhà với nhiều người trong xã hội ngày càng xa vời…

Đọc thêm