Tốc độ mạng 4G tại Việt Nam đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á

(PLO) - Theo công bố, tốc độ 4G trung bình tại Việt Nam đạt 21,49 Megabit/giây trong khi Singapore là quốc gia có tốc độ mạng 4G đứng đầu thế giới với hơn 44 Megabit/giây.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Phạm Hồng Hải phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Phạm Hồng Hải phát biểu tại Hội thảo

Sáng ngày 6/4, Hội thảo – Triển lãm Quốc tế 4G/5G 2018 đã diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Thúc đẩy phát triển nền kinh tế số trên nền tảng băng thông rộng: Tầm nhìn và giải pháp công nghệ”.

Trong phiên Hội thảo Quốc tế 4G/5G 2018, các nhà khai thác viễn thông, các doanh nghiệp và các chuyên gia công nghệ đã tập trung thảo luận về các xu hướng và giải pháp công nghệ nhằm thúc đẩy dự phát triển của các dịch vụ trên nền tảng 4G.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Phạm Hồng Hải cho biết, thị trường viễn thông Việt Nam trong những năm qua tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành viễn thông nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Theo số liệu công bố của Open Signal, tỷ lệ phủ sóng 4G tại Việt Nam lên đến 71,26% diện tích lãnh thổ. Về tốc độ mạng cũng đã có nhiều cải thiện đáng kể, đạt mức 21,49 Mbps, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore. Tốc độ tải dữ liệu trung bình hướng xuống của mạng 4G tại Việt Nam năm 2017 là 35-37 Mbit/s (cao gấp 3,5 - 4,5 lần so với tốc độ trung bình của 3G hiện tại).

Tiềm năng thị trường 4G tại Việt Nam còn rất lớn, cụ thể vẫn còn tới 76,4 triệu thuê bao 2G hoặc 41,5 triệu thuê bao 3G có thể chuyển đổi thành thuê bao 4G.

Tuy nhiên, theo đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông, 4G đã được triển khai nhưng tốc độ trải nghiệm 4G thực tế chưa thể. Bởi, hầu hết các nhà mạng đang sử dụng băng tần 1800 MHz nhưng băng tần này vẫn đang còn hạn chế bởi độ rộng băng tần và số lượng người dùng.

Và để cải thiện, nâng cao tốc độ sử dụng thực tế, theo Cục Tần số, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục đấu giá băng tần 700 MHz theo đúng quy trình pháp luật để cung cấp dịch vụ thông tin di động băng rộng, có thể phủ sóng 4G ở mọi nơi với tốc độ mong muốn.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải nêu rõ, năm 2017, các nhà mạng lớn đã đầu tư phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng phục vụ cho dịch vụ viễn thông 4G, trong tương lai gần là dịch vụ 5G. Sự phát triển của các công nghệ này sẽ đặt ra những yêu cầu về kết nối dữ liệu siêu rộng với tốc độ dữ liệu siêu cao, nhu cầu kết nối IoT với số lượng truy cập lớn. 

Vì vậy, các doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin cần có phương án đầu tư chiến lược để nắm lấy cơ hội và tận dụng ưu thế về công nghệ, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo đà đột phá cho cả hệ sinh thái của nền kinh tế số phát triển.

Đọc thêm