Trung Quốc và chiến lược phát triển robot

(PLO) - Những con robot có thể chẩn đoán bệnh, chơi thể thao và khiến khán giả kinh ngạc bởi kỹ năng chơi nhạc cụ là những ngôi sao của Triển lãm Robot Thế giới đang diễn ra ở Bắc Kinh, Trung Quốc. 
Robot y tế của iFlytek
Robot y tế của iFlytek

Được yêu thích nhất trong hàng chục dòng sản phẩm là robot chiến đấu, tuy nhỏ nhưng có thể đấm, đá và gạt phăng mọi chướng ngại vật. Mẫu robot nhận được sự cổ vũ phấn khích của đám đông khán giả.

"Cháu rất thích màn trình diễn này. Đây là con robot phản ánh đầy đủ bản thân cháu", Huang Hongsong, một cậu bé Trung Quốc tham dự Triển lãm Robot Thế giới, cho biết.

Giải quyết tình trạng già hóa dân số

Những con robot chơi thể thao hay võ thuật chỉ là bề nổi, nhằm thỏa mãn mục tiêu giải trí của một bộ phận người dân Trung Quốc. Về sâu xa, đất nước 1,4 tỷ dân đang thực sự nghiêm túc với làn sóng phát triển công nghệ robot nhằm hồi phục sức phát triển kinh tế đang có dấu hiệu chững lại.

Hàng chục năm qua, ngành sản xuất giá rẻ là động lực chắp cánh Trung Quốc bay cao, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Nhưng, sau nhiều năm áp dụng chính sách một con khắt khe, Trung Quốc ngày nay đối mặt tình trạng già hóa dân số, với hai thách thức ập đến cùng lúc: thiếu hụt nguồn nhân lực đi cùng chi phí lao động leo thang nhanh chóng khi chất lượng cuộc sống đã được nâng cao hơn.

Trước viễn cảnh ấy, ngành công nghiệp tự động trở thành lối thoát khả thi cho Trung Quốc, và đặc biệt được chú trọng sau lời kêu gọi "cách mạng robot" của Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2014. Với kế hoạch "Made in China 2025", xây dựng ngành công nghệ mạnh mẽ đủ sức thách thức Mỹ và phương Tây, dòng vốn từ trung ương đã và đang đổ mạnh vào ngành phát triển "người máy".

Trong một góc nhỏ tại Triển lãm Robot Thế giới diễn ra ở Bắc Kinh, một cánh tay cơ khí vốn được thiết kế cho mục tiêu giáo dục trẻ em vẽ nên bức chân dung của một nhân vật lịch sử đầy màu sắc, trong khi một con dơi robot đập những chiếc cánh kim loại uyển chuyển như thật.

Những gì các doanh nghiệp Trung Quốc phô diễn bước đầu cho thấy họ có thể làm được những gì, có thể tiến xa đến đâu và tiềm năng của máy móc cuối cùng sẽ thay thế những lao động con người.

Trung Quốc đặt mục tiêu đầy tham vọng, lấp đầy 50% sản phẩm robot bán trên thị trường trong nước là hàng nội địa vào năm 2020, so với con số 27% hiện tại. Đến năm 2025, Bắc Kinh kỳ vọng đưa con số này lên ngưỡng 70%.

Robot có khả năng chơi cầu lông tại Triển lãm Robot Thế giới ở Bắc Kinh
Robot có khả năng chơi cầu lông tại Triển lãm Robot Thế giới ở Bắc Kinh

"Robot là viên kim cương trên chiếc vương miện của ngành công nghiệp chế tạo, biên giới mới cho cuộc cách mạng công nghiệp của chúng ta", Thứ trưởng bộ Công nghiệp Trung Quốc Xin Guobin tuyên bố.

Nhưng, sự phát triển của ngành robot cũng đẩy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vào thế khó. Một báo cáo năm 2016 của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra ngành công nghiệp tự động có thể đe dọa tới việc làm của 77% người lao động tại Trung Quốc.

Thị trường số 1 của các sản phẩm robot

Bất chấp nguy cơ ấy, những bước nhảy vọt đầu tiên của ngành robot Trung Quốc đã bắt đầu. Trung Quốc hiện là thị trường số 1 thế giới của các sản phẩm robot công nghiệp. Năm 2017, khoảng 141.000 sản phẩm robot được bán trên thị trường Trung Quốc, chiếm hơn 30% nhu cầu trên toàn thế giới. Hiệp hội Quốc tế về Robot (IFR) tính toán nhu cầu về robot tại Trung Quốc sẽ tăng trung bình 20% mỗi năm từ nay tới 2020.

"Trung Quốc có cơ hội to lớn cải thiện mức độ phát triển của ngành công nghiệp tự động cũng như ngành công nghiệp robot", chuyên gia Karel Eloot từ hãng tư vấn danh tiếng McKinsey nhận xét.

Ông Eloot cho biết quy mô sản xuất robot của Trung Quốc hiện mới chỉ bằng 25% so với các đối thủ chính như Nhật Bản và Đức, vì vậy các doanh nghiệp nước này vẫn còn nhiều không gian để phát triển. 

Qu Daokui, chủ tịch tập đoàn sản xuất robot Siasun, năm nay mang tới Bắc Kinh loại robot hình con rắn, có thể di chuyển qua những khoảng trống hẹp. Ông Daokui cho biết Trung Quốc hiện cần nâng cao chất lượng và độ phức tạp của những con robot, đặc biệt là về trí tuệ nhân tạo.

"Trước đây chúng tôi chú trọng vào độ chính xác, tốc độ và độ tin cậy của robot. Nay mục tiêu sẽ là sự linh hoạt, trí thông minh và khả năng thích ứng giúp những con robot trở nên khác biệt", Daokui nói. Vị chủ tịch tập đoàn Siasun cho biết robot tốt cần có khả năng tương tác, thích ứng với môi trường cụ thể và có thể "đưa ra quyết định độc lập".

Bên ngoài các nhà máy tại Trung Quốc, người ta ngày càng quen với sự hiện diện của robot, tại các nhà hàng, ngân hàng hay thậm chí trong ngành dịch vụ giao nhận. 

Mô hình robot chiến binh
 Mô hình robot chiến binh  

IFlytek, một doanh nghiệp Trung Quốc, đưa ra sản phẩm là robot y tế với hệ thống đặc biệt chuyên nhận diện giọng nói. Con robot này có khả năng xác định tới 150 loại bệnh, thậm chí nó còn vượt qua kỳ thi chứng chỉ y tế quốc gia với số điểm cao.

Robot của iFlytek hoạt động cùng một bác sĩ người thật, có thể đặt ra một loạt câu hỏi chẩn đoán, cũng như phân tích hình chụp X-quang.

"Con robot này đã được sử dụng tại các bệnh viện từ tháng 3 và đã đưa ra hơn 4.000 chẩn đoán bệnh", Liu Qingfeng, chủ tịch tập đoàn iFlytek, cho biết. Ông Liu tuyên bố sản phẩm robot y tế đặc biệt hữu dụng tại các phòng khám, trạm y tế nhỏ hoặc các khu vực ở vùng sâu vùng xa.

Một doanh nghiệp Trung Quốc khác là Chindex tung ra sản phẩm "Da Vinci System", một robot với cánh tay gắn máy quay công nghệ cao hỗ trợ các ca phẫu thuật. "Con robot giúp ta vượt qua giới hạn về tầm nhìn của con người", Liu Yu, trưởng dự án của Chindex, cho biết.

Tuy nhiên, cũng giống nhiều robot hiện hành khác, "Da Vinci System" chưa thể hoạt động độc lập, nó cần tới sự trợ giúp của con người. "Con robot chỉ có thể giúp đỡ chứ không thể thay thế vị trí của bác sĩ bởi cơ thể con người quá phức tạp còn robot thì không có nhân tính", Liu nói.

Đọc thêm