Hiến kế phát triển ngành Dược liệu

(PLO) - Cuối tháng 3 vừa qua, Hiệp hội Dược liệu Việt Nam (Vimames) đã có cuộc họp với các ngành chức năng về phát triển ngành Dược liệu, trong đó có bàn việc chuẩn bị tổ chức một hội nghị toàn quốc về lĩnh vực này. Cuộc họp có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự.
Cánh đồng trà hoàn ngọc - nguyên liệu dược quý của một công ty.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Vimames, ông Tạ Ngọc Dũng báo cáo Thủ tướng về nhu cầu sử dụng dược liệu tại nước ta rất lớn. Chúng ta đã chứng kiến trong thời kỳ bao cấp, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng sản phẩm “Cao Sao Vàng” đã xuất khẩu đạt trên 2 triệu USD, một lượng ngoại tệ quý giá cho phát triển đất nước. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, chúng ta lại nhập khẩu rất lớn, đến 70-80% dược liệu. Việc quản lý chất lượng còn bất cập, thiếu hệ thống dữ liệu toàn quốc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường thông tin, Bộ Y tế là cơ quan quản lý ngành Dược đã thấy được khó khăn, vướng mắc về đầu ra nên đã luật hoá bằng những chính sách trong Luật Dược. Do đó, nếu dược liệu sản xuất trong nước đảm bảo chất lượng sẽ không phải nhập khẩu, hiện tỷ lệ nhập khẩu rất lớn (70-80%).

Một số ý kiến tại cuộc làm việc nhất trí cho rằng, tiềm năng của ngành Dược liệu rất lớn. Chúng ta có nhiều bài thuốc cổ truyền rất quý nên để dược liệu phát triển, cần có đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, cần phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị, từ khâu trồng, chế biến đến thị trường; quan tâm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ như tổ chức các trung tâm sản xuất dược liệu ở các vùng miền trong nước khi mà theo ý kiến của thành viên Vimames, “người nông dân băn khoăn không biết bán dược liệu cho ai, bán theo tiêu chuẩn nào và bán như thế nào” và để có đầu ra thì chất lượng phải đặt lên hàng đầu, đây chính là linh hồn của cạnh tranh trong lĩnh này. Ngoài ra, phát triển dược liệu phải gắn với phát triển y học cổ truyền, kết hợp đông y với tây y.

Khẳng định tiềm năng phát triển to lớn của dược liệu Việt Nam, Thủ tướng đặt vấn đề: “Tại sao tiềm năng to lớn như vậy mà chúng ta không phát triển được. Chắc là có những khó khăn, trở ngại mà chúng ta cần phát hiện ra và cần có biện pháp quyết liệt hơn”.

Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa của một hội nghị toàn quốc về phát triển dược liệu như một số hội nghị chuyên đề gần đây đối với cây lúa, con tôm… Bởi theo Thủ tướng, làm cái gì có lợi cho dân thì tổ chức làm cho tốt, làm sao tận dụng điều kiện so sánh mà Việt Nam có được để phát triển một số loại cây trồng vật nuôi, nâng cao đời sống nhân dân.

Đây cũng là lý do Thủ tướng triệu tập cuộc làm việc hôm nay để lắng nghe các ý kiến với mục đích tổ chức một hội nghị chuyên đề quy mô toàn quốc về dược liệu đạt được hiệu quả cao nhất, đề ra được cách làm, biện pháp tốt nhất.

Nhất trí với các ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh vào các chủ trương, chính sách cần tập trung làm rõ như quy hoạch sản xuất, làm sao tổ chức sản xuất phải gắn với chế biến bởi nếu làm thô thì khó bảo quản, hiệu quả thấp.

Bên cạnh đó, tổ chức đầu ra, tiêu thụ sản phẩm của dược liệu, bao gồm cả trong nước và xuất khẩu. Thủ tướng thống nhất với quan điểm rằng “động lực phát triển dược liệu là từ nhu cầu của thị trường”, lấy kinh tế tư nhân, gồm doanh nghiệp tư nhân và hộ cá thể để làm động lực phát triển. Cần tổ chức một số trung tâm sản xuất, chế biến dược liệu ở các vùng miền khác nhau để sản xuất quy mô lớn.

Thủ tướng nêu ví dụ về các chính sách như nếu đất lúa năng suất thấp mà trồng dược liệu năng suất cao hơn thì cần xem xét việc trồng dược liệu hay cũng có thể có chính sách riêng cho dược liệu nếu các bộ, ngành, địa phương kiến nghị như thuế làm sao, xuất khẩu, thị trường làm sao…

Để bảo đảm chất lượng dược liệu Việt Nam cần ngăn chặn có hiệu quả nạn buôn lậu hàng giả hàng nhái vào Việt Nam vì hàng lậu, hàng giả phá hoại thị trường trong nước. Bên cạnh đó, biện pháp phát triển dược liệu phải gắn với chuỗi giá trị, đây là vấn đề rất mới, rất lớn đối với Việt Nam, chỉ có chuỗi giá trị mới giải quyết được một cách thuận lợi bài toán phát triển đối với bất cứ mặt hàng nào; gắn dược liệu với y học cổ truyền cũng như gắn y học hiện đại với y học cổ truyền. Việc kết hợp phải từ các trường học (về y tế), từ các ngành, các cấp, đặc biệt trong ngành Y tế. Có biện pháp tăng cường chất lượng dược liệu như xây dựng bộ tiêu chuẩn dược liệu, bảo vệ nguồn gen.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để chuẩn bị tốt cho hội nghị về dược liệu sắp tới, dự kiến tổ chức theo hình thức trực tuyến. Nhắc lại thông tin báo chí phản ánh việc nước ngoài bán 1 hộp cao Sao Vàng tới 6 USD trong khi ở trong nước chỉ bán được khoảng 5.000 đồng, Thủ tướng kỳ vọng hội nghị sắp tới sẽ góp phần thúc đẩy thế mạnh của chúng ta trong phát triển dược liệu.

Tham dự buổi làm việc, Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, Cố vấn Chương trình Dược liệu quốc gia cho rằng, vấn đề kết hợp tây y với đông y được đặt ra từ 30 năm trước. Tuy nhiên, sự lúng túng của các cơ quan quản lý dẫn đến sự kém phát triển của ngành Dược liệu hiện nay. Nguyên Phó Thủ tướng đề nghị có chính sách rõ ràng, những người làm nghề y phải được đào tạo kết hợp đông tây y ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường.

Ngày 10 tháng 1 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 68/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020: 100% thuốc được cung ứng kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh. Phấn đấu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm, trong đó thuốc từ dược liệu chiếm 30%; vắc xin sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu cho tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu cho tiêm chủng dịch vụ.

Phấn đấu có 40% thuốc generic sản xuất trong nước và nhập khẩu có số đăng ký lưu hành được đánh giá tương đương sinh học và sinh khả dụng. 100% cơ sở kinh doanh thuốc thuộc hệ thống phân phối thuốc đạt tiêu chuẩn thực hành tốt, 50% cơ sở kiểm nghiệm và 100% cơ sở kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế đạt tiêu chuẩn thực hành tốt (GPs). 50% bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương có bộ phận dược lâm sàng, 50% bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện tư nhân có hoạt động dược lâm sàng. Đạt tỷ lệ 2,5 dược sĩ/1 vạn dân, trong đó dược sĩ lâm sàng chiếm 30%.

Mục tiêu định hướng đến năm 2030: Thuốc sản xuất trong nước cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng, sản xuất được thuốc chuyên khoa đặc trị, chủ động sản xuất vắc xin, sinh phẩm cho phòng chống dịch bệnh, sản xuất được nguyên liệu làm thuốc.

Hệ thống kiểm nghiệm, phân phối thuốc, công tác dược lâm sàng, thông tin thuốc ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực.

Đọc thêm