Cùng với các tổ chức chính trị, xã hội các địa phương tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, Đoàn luật sư các tỉnh cũng tích cực đóng góp những ý kiến quan trọng đối với việc sửa đổi Hiến pháp. Không chỉ đóng góp về nội dung, những vấn đề kỹ thuật lập pháp cũng được các luật sư nêu ra với nhiều ý kiến xác đáng.
Trong góp ý đối với dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi, các luật sư quan tâm góp ý nhất vẫn là vấn đề vai trò của luật sư trong tố tụng, quyền bào chữa của bị can cũng như các quy định để đảm bảo cơ chế dân chủ trong tố tụng, đảm bảo quyền của luật sư và bị can ngay trong “đạo luật gốc”. Ngoài ra, nhiều vấn đề khác liên quan đến thể chế cũng được các luật sư quan tâm góp ý.
Đối với vấn đề “chủ thể” của quyền lực Nhà nước, các luật sư cũng đồng tình với dự thảo Hiến pháp sửa đổi và các ý kiến về việc quy định nhân dân là chủ thể của quyền lực Nhà nước, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.
Tuy nhiên, Hiến pháp cần thể hiện nội dung này phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và tình hình thực tiễn của đất nước hiện nay. Do đó, theo Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ - Chủ nhiệm ĐLS Hà Nội - thì Hiến pháp cần ghi “Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” là đầy đủ.
Việc quy định thêm cụm từ “mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” trong điều kiện hiện nay là không phù hợp.
Đồng tình với ý kiến trên, Luật sư Trần Việt Hùng- ĐLS Hà Nội - cũng cho rằng, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, học vấn hay giai cấp. Do đó, việc quy định “nền tảng” của quyền lực nhà nước thuộc một nhóm hoặc liên minh giai cấp nào đó sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa người các công dân. Điều này sẽ mâu thuẫn với các quy định về quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật trong Hiến pháp.
Theo góp ý của Đoàn Luật sư tỉnh Hà Nam thì quy định “…Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức” chỉ phù hợp khi nước ta bắt đầu bước ra khỏi chiến tranh và bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở giai đoạn hiện nay, với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì ngoài giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức, trong xã hội chúng ta hiện nay còn rất nhiều tầng lớp, lực lượng quan trọng cấu thành xã hội, nếu chỉ nói đến 3 thành phần giai cấp trên là chưa đầy đủ.
Đặc biệt, ở nước ta đang có một đội ngũ doanh nhân có vai trò quan trọng, là một bộ phận tạo ra và nắm giữ của cải vật chất trong xã hội, là đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Vì thế, theo ý kiến của ĐLS Hà Nam, thì thành phần này cũng cần được ghi nhận vị trí, vai trò trong Hiến pháp với tinh thần có cách nhìn mới và liên minh giai cấp.
Về quy định nghĩa vụ nộp thuế của công dân, cả ĐLS tỉnh Nam Định và ĐLS tỉnh Vĩnh Phúc đều cho rằng, quy định như hiện nay là không phù hợp. Theo ý kiến của ĐLS tỉnh Vĩnh Phúc, điều 50 của Dự thảo viết: “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuê”, đây là quy định sửa đổi, bổ sung từ điều 80 Hiến pháp năm 1992, nhưng quy định như vậy sẽ khó thi hành. Vì hai từ “mọi người” được chỉ tất cả mọi người từ đứa trẻ mới sinh ra cho đến cụ già đã hết tuổi lao động, từ người khỏe mạnh đến những người ốm đau, bệnh tật, và cả những người đang chấp hành án…đều phải nộp thuế, nhưng họ làm gì có thu nhập mà bắt họ nộp thuế, quy định như vậy dễ bị hiểu lầm nhà nước quay lại chế độ “thuế thân”.
Thực tế hiện nay thường thì chỉ người có thu nhập đến mức phải chịu thuế hoặc người tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh mới phải nộp thuế. Việc nộp thuế gì, mức chịu thuế cũng phải do pháp luật về thuế quy định. Vì thế cần sửa lại là “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định”, còn ĐLS Hà Nam thì nêu ý kiến sửa theo hướng “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế, trừ trường hợp do luật định”.
Cũng theo bản góp ý của ĐLS tỉnh Hà Nam, Hiến pháp sửa đổi cần thể hiện được tư tưởng, quan điểm lớn, phù hợp với nguyện vọng pháp của nhân dân, vì nhân dân, phục vụ nhân dân. Việc tiến hành sửa đổi Hiến pháp cần nghiên cứu xây dựng phù hợp cho một giai đoạn dài của sự phát triển xây dựng đất nước ta; mạnh dạn đổi mới tư duy hơn nữa để có được một bản Hiến pháp đáp ứng được lòng dân và xu thế đi lên của đất nước trong tiến trình phát triển chung của khu vực và quốc tế.
Trước đòi hỏi này thì bản dự thảo Hiến pháp hiện nay còn hạn chế về tầm, quy mô, khoa học lập hiến và những đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.
Ý kiến đóng góp đối với dự thảo Hiến pháp sửa đổi của hầu hết các luật sư đều nhấn mạnh, Hiến pháp mới sẽ đặt nền tảng cho việc xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, “đạo luật gốc” này cần phải nghiên cứu, xây dựng phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của xã hội hiện nay, để người dân có thể thực hiện quyền làm chủ của mình một cách khả thi, hạn chế để các quy định của Hiến pháp chỉ mang tính khẩu hiệu./.
Bình Minh (tồng hợp)