Hiến pháp phải thể hiện được ý nguyện của toàn Đảng, toàn dân

Chiều qua (27/3), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chủ trì Hội nghị  ý kiến nhân sỹ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UB TƯ MTTQ) Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Chiều qua (27/3), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chủ trì Hội nghị  ý kiến nhân sỹ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UB TƯ MTTQ) Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang chủ trì Hội nghị
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang chủ trì Hội nghị

Chủ quyền nhân dân - linh hồn của Hiến pháp

Tiếp tục góp ý vào nhiều nội dung của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu nhân sỹ, trí thức, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo đã phân tích tình hình thực tiễn và đưa ra những kiến nghị cụ thể. Nguyên Chủ tịch UB MTTQ Thành phố Hà Nội Phạm Xuân Hằng kiến nghị Điều 4 trong dự thảo cần thể hiện được trách nhiệm cầm quyền của Đảng trước nhân dân và mối quan hệ mật thiết với nhân dân cũng như khẳng định vai trò của Đảng trong Hiến pháp là tất yếu.

Nhấn mạnh quan điểm “chủ quyền nhân dân là linh hồn của Hiến pháp”, ông Hằng kiến nghị thể hiện lại Điều 9  để truyền tải được giá trị dân chủ (thể hiện sự gắn bó mật thiết với dân) và phản biện xã hội của MTTQ, không chỉ “động viên nhân dân thực hiện quyền giám sát”, “tham gia giám sát cùng chính quyền”… vì như vậy chỉ khiến MTTQ như “đứng ngoài cuộc” chứ chưa phải là chủ thể thực hiện chủ quyền nhân dân. Thượng tọa Thích Đức Thiện (Phó Tổng thư ký TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam) cũng bày tỏ hy vọng có một bản Hiến pháp đem lại cho nhân dân quyền phúc quyết đối với những vấn đề trọng đại, có tính dân tộc, thời đại và lâu dài.

Cùng quan tâm đến quyền dân chủ trực tiếp, PGS.TS.Quách Sỹ Hùng (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, nên xem xét mở rộng việc bầu trực tiếp của nhân dân (thể hiện quyền dân chủ của nhân dân) trong dự thảo để Hiến pháp được sửa đổi sẽ là mốc son mở ra một giai đoạn dân chủ hơn các giai đoạn khác. Đồng thời, PGS.TS.Quách Sỹ Hùng cũng đề nghị quan tâm đến qui định về nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong dự thảo vì “pháp chế chính là chỗ dựa, cẩm nang và công cụ bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân”.

Lãnh đạo có hiệu quả là trách nhiệm lịch sử của Đảng

Ông Trương Công Phú (Chủ tịch Hội đồng tư vấn về kinh tế của UB TƯ MTTQ Việt Nam) tập trung vào hiệu quả lãnh đạo của Đảng và mối quan hệ với sự thể hiện vai trò của Đảng trong Hiến pháp. Theo ông Phú, “hiệu quả lãnh đạo của Đảng thực tế là trong lòng dân chứ không phải qua tuyên truyền. Lãnh đạo Nhà nước và xã hội có hiệu quả là trách nhiệm lịch sử của Đảng đối với vận mệnh đất nước trong điều kiện phát triển hiện nay vì Đảng có chức năng lãnh đạo và cầm quyền”.

Góp ý vào điều 4 dự thảo, Thượng tọa Thích Đức Thiện khẳng định, “không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng vì đó là một sự thật lịch sử. Nhưng Đảng và mỗi Đảng viên cần có sự đổi mới từ “tâm” để có được niềm tin của nhân dân khi một bộ phận Đảng viên đang tự tách rời khỏi quần chúng nhân dân”.

Trăn trở về những qui định liên quan đến các cơ quan tư pháp, Luật gia Nguyễn Thị Lệ (Ủy viên Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật của UB TƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng: “Hiến pháp phải qui định về hoạt động và các cơ quan tư pháp như thế nào để nụ cười của nhân dân nhiều hơn tiếng khóc bởi 3 ngành công an, tòa án và kiểm sát không mạnh thì không thể có công bằng, dân chủ. Phải cải cách tư pháp triệt để, thật tốt để người dân được hưởng tự do, hạnh phúc thực sự.”.

Nêu ra vấn đề nguyên tắc xét xử của Tòa án, Luật gia Nguyễn Thị Lệ đề nghị giữ điều 129 Hiến pháp năm 1992 về sự tham gia của Hội thẩm tại tòa án (cả nhân dân và quân sự) và phải qui định “khi xét xử, hội thẩm được ngang quyền với thẩm phán” mới đảm bảo quyền của người bị xét xử. Bên cạnh đó, có thể xem xét, nghiên cứu về quyền “phúc cung” của Tòa án trước khi xét xử.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đã góp ý về quyền con người, chính sách dân tộc, chính sách với kiều bào, các thành phần kinh tế, chế độ sở hữu đất đai, kiểm soát quyền lực, vai trò của MTTQ Việt Nam… và những vấn đề về kỹ thuật lập pháp trong dự thảo.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:

- Hiến pháp là văn bản pháp lý quan trọng nên việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là sự kiện chính trị - pháp lý rất có ý nghĩa để phát huy tinh thần dân chủ đầy đủ, trí tuệ của toàn dân xây dựng được một bản Hiến pháp đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước trong tình hình mới. Đến nay UB TƯ MTTQ Việt Nam đã tiếp thu được khoảng 8 triệu ý kiến. Đây là khối tài sản quý, rất lớn, phải được sử dụng hiệu quả, tập hợp, tổng hợp và truyền tải khách quan, đầy đủ cho Ủy ban soạn thảo dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Quốc hội.

Vẫn còn thời gian đến cuối tháng 9 để lấy ý kiến nhân dân góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Đoàn Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam và Văn phòng Chủ tịch nước phải nỗ lực trong việc tổ chức lấy ý kiến, “cô đọng” được các ý kiến của nhân dân, đề nghị các cơ quan trọng yếu, có liên quan tiếp tục phối hợp tích cực để đất nước cuối cùng có được bản Hiến pháp năm 1992 sửa đổi phản ánh, đáp ứng được ý nguyện của toàn Đảng, toàn dân.

Hương Giang