Hiệp định FTA thế hệ mới: Những thách thức về kinh tế và pháp luật

(PLVN) - Tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới là một xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Các hiệp định này hàm chứa nhiều quy định và cam kết mới sẽ tạo ra cho Việt Nam các cơ hội phát triển kinh tế và thương mại, song cũng đặt ra không ít thách thức cần vượt qua. 
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Nhiều cơ hội…

Dưới góc độ kinh tế và pháp luật, TS Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) TP Hà Nội cho rằng: Các tác động tích cực của việc tham gia FTA thế hệ mới đến nền kinh tế Việt Nam đã được nhiều nghiên cứu thực hiện và chỉ rõ.

Trong đó, có thể đề cập tới một số tác động cơ bản sau: (I) Giúp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, gia tăng xuất siêu cũng như thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu; (II). Giúp Việt Nam thu hút được nguồn vốn FDI từ các quốc gia thành viên; (III). Giúp đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế kinh tế, đổi mới mô  hình tăng trưởng, hoàn thiện môi trường kinh doanh.

Nhiều FTA thế hệ mới Việt Nam tham gia đều hàm chứa các chương, với mức độ cam kết sâu rộng khác nhau, để điều chỉnh về các vấn đề này. Thực thi tốt quy định trong các FTA thế hệ mới sẽ giúp Việt Nam đảm bảo thể chế kinh tế được minh bạch hóa, kịp thời ứng phó với tác động kinh tế thế giới.

Về pháp luật, lợi ích đối với Việt Nam khi tham gia FTA thế hệ mới thể hiện rõ nhất ở cơ hội hoàn thiện pháp luật trong nước theo các cam kết mới. Những nước đang phát triển khi tham gia vào các FTA thế hệ mới thường có hệ thống pháp luật chưa tương xứng với yêu cầu của luật chơi chung.

Do đó, thông qua việc tham gia các FTA thế hệ mới, các nước đang phát triển có cơ hội hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước theo những yêu cầu và chuẩn mực của luật chơi này. Đây là cơ sở để chúng ta hoàn thiện thể chế phù hợp với thông lệ và cam kết. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Các quy định mới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, minh bạch, doanh nghiệp Nhà nước, phòng chống tham nhũng… được đưa vào các FTA thế hệ mới sẽ khiến Việt Nam phải sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật trong nước, từ đó, giúp hệ thống pháp luật của chúng ta đảm bảo sự tương thích và phù hợp với các quy định trong các Hiệp định FTA.

Nhưng cũng lắm… thách thức

Theo TS Mạc Quốc Anh, đối với nền kinh tế, thách thức đầu tiên phải đề cập đến là khả năng cạnh tranh hạn chế của các DN trong nước. Việt Nam sẽ gặp phải thách thức lớn về năng lực cạnh tranh. Điều này được phân tích rất cụ thể tại các báo cáo đánh giá việc thực thi các Hiệp định.

TS Mạc Quốc Anh 

Tiếp theo đó là những thách thức từ sự hấp thụ của nền kinh tế trước luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khi tham gia các FTA thế hệ mới. Sau khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực, Việt Nam có khả năng thu hút được nguồn vốn FDI lớn.

Tuy nhiên, bài học từ việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho thấy, khả năng hấp thụ của nền kinh tế trước luồng vốn đầu tư nước ngoài “ồ ạt” có thể đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ ba, theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), kể từ ngày 01/01/2018, gần 100% dòng thuế nhập khẩu của Việt Nam đều bị cắt giảm về 0%. Hay đối với CPTPP, ngay trong năm 2019, Việt Nam phải cắt giảm về 0% đối với 65,8% dòng thuế nhập khẩu. Đây là thách thức khá lớn đối với Việt Nam khi phải đảm bảo cân đối thu ngân sách nhà nước qua các năm;

Thứ tư, là thách thức đối với ngành Dịch vụ tài chính. Trong WTO hay các FTA thế hệ mới, những cam kết về dịch vụ tài chính bao trùm lên 3 lĩnh vực lớn là bảo hiểm, ngân hàng và chứng khoán. Khi thực hiện các cam kết sâu rộng về dịch vụ tài chính, lĩnh vực tài chính - ngân hàng của Việt Nam đối diện với nhiều khó khăn như: Năng lực và quy mô của ngành ngân hàng Việt Nam còn thấp so với các quốc gia tham gia CPTPP; Cạnh tranh ngày càng lớn do có sự tham gia của các ngân hàng và quỹ đầu tư nước ngoài; Nguy cơ bị chi phối và mua lại nếu hoạt động kinh doanh không hiệu quả.

Thứ năm, sự hiểu biết và nhận thức của doanh nghiệp về các FTA thế hệ mới nói chung còn hạn chế. Nghiên cứu của VCCI năm 2016 cho thấy, nhiều DN Việt Nam còn chưa biết hoặc chưa hiểu rõ về các FTA thế hệ mới. Cụ thể, đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, có 33% DN chưa biết và tới 51% chưa hiểu rõ về nội dung của hiệp định; Tỷ lệ này với TPP (hiện nay là CPTPP) tương ứng là 12% và 40%, với EVFTA là 17% và 56%...

Về pháp luật, TS Mạc Quốc Anh cho biết, qua nghiên cứu có thể kể đến một số thách thức: Thứ nhất, thách thức về sự tương thích của hệ thống pháp luật trong nước với những quy định trong các FTA thế hệ mới: Do FTA thế hệ mới chứa đựng các quy định WTO-X và WTO+ chưa được quy định trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, nên Việt Nam sẽ gặp phải thách thức không nhỏ trong việc đảm bảo sự tương thích của hệ thống pháp luật trong nước với các quy định mới.

Ví dụ, Nghị quyết số 72/2018/QH14 đã chỉ ra, hệ thống pháp luật Việt Nam không tương thích với rất nhiều quy định trong CPTPP. Trong lĩnh vực lao động, có thể kể đến các quy định về công đoàn, tổ chức đại diện của người lao động, về đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, tranh chấp lao động hay đình công; Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là các quy định liên quan đến điều kiện đăng ký hợp đồng để có hiệu lực đối với bên thứ ba…

Thứ hai, quá trình nội luật hóa các FTA thế hệ mới gặp nhiều khó khăn. Phân tích cho thấy, do hệ thống pháp luật của Việt Nam còn nhiều quy định chưa tương thích với các FTA thế hệ mới, nên trên cơ sở Điều 6 Khoản 2 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Việt Nam có thể lựa chọn, hoặc áp dụng trực tiếp các quy định đó, hoặc chuyển hóa các quy định đó vào trong nội luật. Do các quy định trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên được phép áp dụng trực tiếp không nhiều, nên phần lớn các quy định đó phải được nội luật hóa bằng cách sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật trong nước.

Thực tế, các quy định trong FTA thế hệ mới đã được chuyển hóa vào các văn bản luật trong nước, tuy nhiên, quá trình chuyển hóa lại đặt ra nhiều vấn đề đối với Việt Nam như: Chưa thống nhất hình thức văn bản để nội luật hóa các cam kết trong các FTA thế hệ mới;  Xác định phạm vi áp dụng của các văn bản để nội luật hóa các cam kết trong FTA; Các cam kết được chuyển hóa rải rác ở nhiều thời điểm khác nhau; Sau khi nội luật hóa, các quy định của pháp luật trong nước chưa tương thích với các cam kết trong FTA thế hệ mới.

Thứ ba, sự tuân thủ các quy định mới được đưa vào các FTA thế hệ mới và nguy cơ bị khởi kiện. Các FTA thế hệ mới đều hàm chứa những cơ chế, đảm bảo sự thực thi các hiệp định này, trong đó có cơ chế giải quyết tranh chấp. Nhiều quy định của pháp luật trong nước chưa tương thích, cả trước và sau nội luật hóa, đều có thể dẫn đến việc Việt Nam không thực hiện tốt các cam kết của mình. Do đó, chúng ta có thể bị khởi kiện theo đúng các cơ chế giải quyết tranh chấp đã được xây dựng. Đây là vấn đề Việt Nam cần quan tâm đối với lĩnh vực đầu tư.

Đọc thêm