Hòa Bình: Nhà máy giấy Thuận Phát công nghệ thô sơ, lạc hậu xả thải gây ô nhiễm

(PLO) - Mặc dù thủ phạm đầu độc nước đầu nguồn suối Cái huyện Đà Bắc (Hòa Bình) chảy về hạ lưu huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) được xác định gây ô nhiễm là nhà máy giấy Thuận Phát, hai tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ đã có lần phối hợp để xử lý, thế nhưng vì công nghệ nhà máy giấy Thuận Phát thô sơ, lạc hậu, không xử lý nổi nước thải nên gây ô nhiễm suối Cái, ảnh hưởng nghiêm trọng nguồn nước, sức khỏe của người dân vùng hạ lưu suối Cái... 
Nhà máy giấy Thuận Phát xả thải đầu nguồn suối Cái gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Xuân Hồng.
Nhà máy giấy Thuận Phát xả thải đầu nguồn suối Cái gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Xuân Hồng.

Hệ thống xử lý nước thải Nhà máy thô sơ, lạc hậu gây ô nhiễm môi trường

Sau nhiều lần đặt lịch làm việc với Nhà máy giấy Thận Phát thủ phạm đầu độc đầu nguồn nước suối Cái, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam được ông Bùi Trọng Tâm, Giám đốc Nhà máy giấy Thuận Phát đồng ý làm việc và cho biết: Trước khi xả ra môi trường, nước thải từ nhà máy giấy đều phải xử lý và đạt quy chuẩn nước thải Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, còn có một số chỉ tiêu vượt quá tiêu chuẩn cho phép gây ô nhiễm suối Cái.

Ông Bùi Trọng Tâm, Giám đốc Nhà máy giấy Thuận Phát trao đổi với PV Báo PLVN. Ảnh: Xuân Hồng.
Ông Bùi Trọng Tâm, Giám đốc Nhà máy giấy Thuận Phát trao đổi với PV Báo PLVN. Ảnh: Xuân Hồng. 

Trao đổi với pv, ông Nguyễn Hữu Tám, Trưởng Phòng TNMT huyện Thanh Sơn khẳng định: “Nước ở suối Cái bị ô nhiễm do Thuận Phát xả thải là có thật. Tuy nhiên, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nên chúng tôi không thể trực tiếp xử lý được, chỉ biết đề nghị, phối hợp với cơ quan chức năng Hòa Bình để giải quyết. 

Huyện Thanh Sơn, Sở TNMT Phú Thọ đã nhiều lần làm việc với huyện Đà Bắc, Sở TNMT Hòa Bình để giải quyết việc xả thải nhà máy giấy Thuận Phát - nhưng kết quả xử lý của cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình với Thuận Phát không đi đến đâu!” 

Được biết, ngày 16/1/2017, đoàn kiểm tra của Sở TNMT Phú Thọ đã khảo sát đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn nước suối Cái (đoạn chảy qua xã Yên Sơn, bắt nguồn từ huyện Đà Bắc). 

Kết quả cho thấy, nước suối có màu xám, sủi bọt, các mẫu nước suối Cái so sánh với QCVN 08 vượt từ 2,55-3,20 lần. 

Sau đó, Sở TNMT Phú Thọ đã có văn bản đề nghị Sở TNMT tỉnh Hòa Bình chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các nguồn thải có hoạt động xả thải vào suối Cái đoạn chảy qua địa phận tỉnh Hòa Bình, đặc biệt đối với nhà máy giấy Thuận Phát. 

Ngày 25/1/2017, UBND tỉnh Hòa Bình có quyết định xử phạt nhà máy giấy Thuận Phát tổng số tiền là 106.000.000 đồng vì hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Khu xử lý chất thải của Nhà máy giấy Thuận Phát gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Xuân Hồng.
Khu xử lý chất thải của Nhà máy giấy Thuận Phát gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Xuân Hồng.

Ngày 7/4/2017, Sở TNMT Phú Thọ lại có văn bản số 685/TNMT-CCMT, tiếp tục đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình phối hợp giải quyết ô nhiễm suối Cái. 

“Dù ngành chức năng tỉnh Phú Thọ đã nhiều lần đề nghị, nhưng UBND tỉnh Hòa Bình và ngành chức năng vẫn không “ra tay” xử lý dứt điểm việc nhà máy Thuận Phát gây ô nhiễm suối Cái. Nếu tình trạng này còn kéo dài, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của người dân. Mới đây, tỉnh Phú Thọ đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hòa Bình, gửi Bộ TNMT để có biện pháp xử lý tận gốc tình trạng suối Cái bị ô nhiễm”.- ông Tám cho biết thêm.

Công nghệ thô sơ lạc hậu của nhà máy giấy Thuận Phát. Ảnh: Xuân Hồng.
Công nghệ thô sơ lạc hậu của nhà máy giấy Thuận Phát. Ảnh: Xuân Hồng.

Theo quan điểm của ông Tám, có 2 biện pháp để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm ở suối Cái: Thứ nhất, nhà máy giấy Thuận Phát phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu; thứ hai, nhà máy Thuận Phát phải đóng cửa nhà máy. 

Nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước suối Cái chủ yếu là Nhà máy giấy Thuận Phát

Trao đổi với Báo PLVN, ông Nguyễn Khắc Long, Chi cục phó Chi cục BVMT (Sở TNMT tỉnh Hòa Bình) cho rằng: “Nhà máy giấy Thuận Phát được UBND tỉnh cho phép hoạt động, xả thải ra môi trường. Việc xả thải có lúc nọ lúc kia, khi có phản ánh thì chúng tôi vào kiểm tra. Mọi thứ đã nêu rất rõ trong văn bản, tôi không cần nói quan điểm làm gì!?” 

Tại văn bản mà ông Long cung cấp cho phóng viên, ngày 11/4/2017 của Sở TNMT tỉnh Hòa Bình và Sở TNMT Phú Thọ (về việc kiểm soát ô nhiễm môi trường khu vực suối Cái) với nội dung: Nguồn nước suối Cái phía hạ lưu (khu vực huyện Thanh Sơn) bị ô nhiễm nguyên nhân chủ yếu do phải tiếp nhận nước thải của nhà máy Thuận Phát chưa được xử lý triệt để trước khi xả thải ra môi trường. 

Khi PV đề cập đến vai trò kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình đối với việc gây ô nhiễm kéo dài ở suối Cái, ông Long cho biết: “Sở TNMT đã có văn bản chỉ đạo huyện Đà Bắc và Nhà máy Thuận Phát nhưng cụ thể nội dung, sau vài ngày nữa khi ban hành chính thức tôi sẽ gửi cho PV. Mọi việc làm thể hiện trên giấy tờ, văn bản, tôi không nêu quan điểm!”.

Với công nghệ sản xuất giấy thô sơ, lạc hậu của Nhà máy giấy Thuận Phát, việc xả thải ra môi trường đầu độc đầu nguồn nước sông Cái, đề nghị Sở TN&MT và các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình vào cuộc quyết liệt hơn nữa giúp người dân vùng hạ lưu suối Cái Phú Thọ cuộc sống ổn định.

Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Đọc thêm