Hòa Bình: UBND phường bị “tố” cưỡng chế trái quy định?

(PLO) - Cho rằng quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị của UBND phường Phương Lâm (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình)  trái quy định, bà Bùi Thị Tuyết (trú tại tổ 18, phường Phương Lâm) liên tục có đơn “tố” gửi đến các cơ quan chức năng.
Địa điểm rửa xe này được bà Tuyết khẳng định là thửa đất 86 chứ không phải thửa 48
Địa điểm rửa xe này được bà Tuyết khẳng định là thửa đất 86 chứ không phải thửa 48

Phản ánh đến Báo PLVN, bà Tuyết cho biết: Năm 1960, gia đình bà tự khai hoang được thửa đất hơn 500m2 tại đầm Quỳnh Lâm (nay thuộc phường Phương Lâm). Từ đó, gia đình bà liên tục trồng trọt, tăng gia sản xuất và không tranh chấp với ai. Năm 2006, UBND tỉnh Hòa Bình có chủ trương xây dựng đường Trần Hưng Đạo (giai đoạn II) và gia đình bà bị thu hồi 146,8m2 đất. 

Sau khi bị thu hồi, ngày 25/12/2007 bà làm đơn gửi UBND phường Phương Lâm xin xác nhận nguồn gốc đất và đơn đăng ký quyền sử dụng đất đối với diện tích còn lại, kê khai nguồn gốc đất là tự khai hoang từ năm 1960; mục đích sử dụng làm trang trại, nhà ở; thời hạn sử dụng lâu dài với diện tích là 366m2. 

Đơn xin xác nhận nguồn gốc đất của gia đình bà đã được UBND phường Phương Lâm xác nhận là đúng. 

Ngay sau đó, gia đình bà đã mở dịch vụ rửa xe trên diện tích đất của gia đình và được ông Quách Tùng Dương - Chủ tịch UBND TP Hòa Bình cấp Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh.

Đang sử dụng đất ổn định để làm ăn sinh sống thì vào ngày 11/4/2017, UBND phường Phương Lâm đã ban hành Quyết định số 41/QĐ-UBND về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị tại thửa đất số 48, tờ bản đồ số 23, đường Trần Hưng Đạo (giáp Chi cục Thuế TP Hòa Bình) thuộc phường Phương Lâm.

UBND phường Phương Lâm cho rằng chủ đầu tư của công trình vi phạm (bà Bùi Thị Tuyết) phải có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của lực lượng thi hành quyết định cưỡng chế và chi trả toàn bộ kinh phí tổ chức cưỡng chế…

Tuy nhiên, bà Tuyết khẳng định, quyết định cưỡng chế của UBND phường Phương Lâm là trái pháp luật, bởi theo bản đồ đo vẽ năm 1997 mà Trung tâm Thông tin Tài nguyên và Đăng ký quyền sử dụng đất (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình) cung cấp cho gia đình bà thì thửa 48, tờ bản đồ số 23 có diện tích 11.705,3m2 đã được sử dụng hết vào các dự án xây dựng các cơ quan của tỉnh Hòa Bình. Trong đó, Chi cục Thuế và Chi cục Phát triển nông thôn đã sử dụng 131,8m2; Sở Tài nguyên và Môi trường sử dụng 619,4m2; Công viên Tuổi Trẻ 8.063,6m2; Công an tỉnh Hòa Bình sử dụng 1.645,4m2, chỉ chênh lệch với bản đồ địa chính là 12,6m2.

“Như vậy, diện tích đất thửa 48, tờ bản đồ số 23 thuộc phường Phương Lâm đã được quy hoạch sử dụng hết  thì làm gì còn đất để gia đình tôi lấn chiếm, xây dựng công trình trên đó. Hiện nay, gia đình tôi chỉ kinh doanh tại thửa đất số 86, tờ bản đồ số 22. Vì vậy, quyết định cưỡng chế của UBND phường Phương Lâm phải được thu hồi và hủy bỏ”, bà Tuyết bức xúc nói. 

Được biết, gia đình bà Tuyết cũng đã gửi rất nhiều đơn khiếu nại tới UBND phường Phương Lâm và UBND TP Hòa Bình để yêu cầu làm rõ vụ việc nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Không những thế, cơ quan này vẫn tiếp tục ban hành những văn bản trả lời vòng vo, làm ảnh hưởng đến đời sống và công việc kinh doanh của gia đình bà. 

Thiết nghĩ, UBND TP Hòa Bình cần sớm xem xét, đối chiếu với hồ sơ địa chính để làm rõ quyền sử dụng đất của bà Tuyết và giải quyết dứt điểm vụ việc, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Đọc thêm