'Hóa kiếp' rừng núi Nhỏ bất chấp quy hoạch của Thủ tướng: 'Đại chiến' Sở ngành khi thẩm định 'dự án Uyên Phương'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước khi UBND Bà Rịa – Vũng Tàu và TP Vũng Tàu lạm quyền Thủ tướng, tùy tiện sửa quy hoạch núi Nhỏ để chuyển mục đích sử dụng từ rừng phòng hộ sang đất thương mại dịch vụ cho bà Trần Uyên Phương, cơ quan tham mưu về đất đai từng nhiều lần có ý kiến phản đối. Sự việc đã gây ra cuộc “đại chiến” tại một số Sở ngành Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cánh rừng trên núi Nhỏ, “nóc nhà Vũng Tàu”, đã được chuyển mục đích sử dụng trái phép gần 1000m2 cho bà Uyên Phương.
Cánh rừng trên núi Nhỏ, “nóc nhà Vũng Tàu”, đã được chuyển mục đích sử dụng trái phép gần 1000m2 cho bà Uyên Phương.

“Một công, đôi việc”

Như PLVN đã phản ánh trong số báo trước, ngày 25/5/2017, bà Trần Uyên Phương (SN 1981, ngụ 169, Nơ Trang Long, Bình Thạnh, TP HCM; cổ đông nắm giữ gần 30% vốn góp “tập đoàn Tân Hiệp Phát”; con gái ông Trần Quý Thanh) được cấp sổ đỏ CH 695118, đứng tên khu đất 6.300 m2 thuộc thửa 38, tờ bản đồ 96, phường 2, TP Vũng Tàu. Sở TN&MT xác định khu đất này “nằm trong khu vực đất có rừng phòng hộ là rừng trồng”, “được quy hoạch là đất rừng phòng hộ”.

Ngày 9/10/218, bà Phương làm đơn xin chuyển mục đích sử dụng khu rừng trên thành… đất ở tại đô thị. Ngày 5/11/2018, UBND TP Vũng Tàu có Văn bản 6332/UBND-TNMT do Phó Chủ tịch Hoàng Vũ Thảnh (nay là Chủ tịch UBND TP, ký), trả lời đề nghị của bà Phương “không đủ cơ sở xem xét giải quyết” vì khu đất thuộc quy hoạch đất rừng phòng hộ.

Bà Phương sau đó không xin chuyển mục đích sang đất ở nữa, mà tìm đến “cửa” UBND tỉnh, có động thái “một công đôi việc”, xin lập dự án, đồng thời chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ) sang đất thương mại dịch vụ (TMDV) (xây dựng các cơ sở TMDV; xây dựng các công trình phục vụ cho TMDV). Theo Điều 32 Luật Đầu tư 2014, dự án có yêu cầu chuyển mục đích SDĐ thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh.

Theo tìm hiểu của PLVN, trong quá trình làm các thủ tục liên quan “dự án” này, có một số đối tượng “cò” có tiếng Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) tham gia, có đối tượng nhiều năm nay mạo danh “từng là thư ký của một cựu Bộ trưởng KH&ĐT”.

Ngày 16/1/2019, Sở KH&ĐT nhận được văn bản đề nghị thực hiện “dự án Nhà hàng ẩm thực lâm viên Uyên Phương”.

Theo bà Phương, dự án sẽ sử dụng toàn bộ 6300m2. Mục tiêu xây dựng khu nhà hàng lâm viên kết hợp các dịch vụ du lịch phục vụ nhu cầu ẩm thực ăn uống, tham quan vui chơi giải trí của du khách. Quy mô ba khu gồm khối đón tiếp điều hành; khối dịch vụ (chòi vọng cảnh kết hợp giải khát, hồ nhân tạo cảnh quan, nhà hàng lớn cao 2 tầng, nhà dịch vụ, các chòi phục vụ ẩm thực); khối hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ. Thời hạn hoạt động 50 năm.

Dự án có vốn đầu tư 14,8 tỷ. Để chứng minh khả năng tài chính, bà Phương trưng ra xác nhận số dư tài khoản 25,1 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại CP Đại chúng Việt Nam chi nhánh Sài Gòn (PVComBank - cũng là ngân hàng xác nhận số dư trong nghi án thông đồng đấu giá khu đất 8ha tại Côn Đảo).

Dấu hiệu “chạy” “dự án Uyên Phương”

Cả hai mục đích vừa muốn lập dự án, vừa muốn chuyển mục đích SDĐ tại cánh rừng trên đã gây ra tranh luận kịch liệt trong các cơ quan Sở ngành BR-VT.

Theo Điều 33 Luật Đầu tư, với dự án này, có hai điều quan trọng nhất phải thẩm định: 1. Sự phù hợp của dự án với quy hoạch SDĐ; 2. Đánh giá căn cứ pháp lý về quyền sử dụng địa điểm đầu tư, nếu nhà đầu tư có nhu cầu chuyển mục đích SDĐ thì thẩm định nhu cầu này.

Như trên đã nói, Sở TN&MT xác định khu đất này “là đất có rừng phòng hộ là rừng trồng”, nên phải có ý kiến của cơ quan chuyên môn quản lý rừng là Sở NN&PTNT. Thế nhưng Sở NN&PTNT đã không được hỏi bất kỳ ý kiến nào.

Về phía Sở TN&MT, khẳng định căn cứ quy hoạch Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết 117/NQ-CP năm 2018 thì khu đất này quy hoạch đất rừng phòng hộ. “Việc sử dụng đất vào mục đích đất TMDV không phù hợp quy hoạch SDĐ đã phê duyệt”, Văn bản 1125/STNMT-CCQLĐĐ ngày 27/2/2019 khẳng định.

Ngày 28/2/2019, UBND TP Vũng Tàu cũng đồng ý kiến với Sở TN&MT, một lần nữa tái khẳng định quan điểm đã trả lời bà Phương trước đó.

Khi lấy ý kiến Sở Xây dựng, mới phát hiện ra có dấu hiệu “đi đêm” liên quan “dự án Uyên Phương”. Dù ngày 16/1/2019 Sở KH&ĐT mới nhận được văn bản của bà Phương đề nghị thực hiện dự án; nhưng trước đó một thời gian, ngày 8/1/2019, Sở Xây dựng đã có Văn bản 91/SXD-QHKT báo cáo UBND tỉnh về quy hoạch xây dựng với khu đất. Sở Xây dựng cho rằng đề nghị của bà Phương xây dựng nhà hàng Uyên Phương “là phù hợp”. Vì sao bà Phương chưa nộp hồ sơ mà một số cán bộ đã “tài thánh” biết trước, chỉ đạo và báo cáo trước như vậy?

Ngày 11/3/2019, Sở KH&ĐT có Văn bản 375/SKHĐT-ĐT, báo cáo do ý kiến các ngành chưa thống nhất, đề nghị tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở TN&MT, UBND Vũng Tàu báo cáo về quy hoạch SDĐ với khu đất. Trong danh sách các cơ quan phải dự họp, vẫn không thấy nhắc đến Sở NN&PTNT.

“Thần tốc”, chỉ một ngày sau, Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Thành Long (sau này là quyền Chủ tịch tỉnh từ 1/8 – 13/12/2019; rồi nghỉ hưu tháng 5/2020) lập tức triệu tập, chủ trì cuộc họp.

Đây chỉ là một dự án có vốn đầu tư dự tính gần 15 tỷ đồng của một cá nhân, không là dự án trọng điểm, không thể là đòn bẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của một tỉnh lớn như BR-VT; lại có đề nghị bất hợp pháp là chuyển mục đích khu đất Thủ tướng đã quy hoạch đất rừng phòng hộ sang đất TMDV; sao ông Long lại phải “ra tay” như vậy?

Khu vực được Thủ tướng quy hoạch là đất rừng phòng hộ, nhưng Vũng Tàu đã lạm quyền, tự xác định sửa thành đất TMDV (phần gạch chéo).

Khu vực được Thủ tướng quy hoạch là đất rừng phòng hộ, nhưng Vũng Tàu đã lạm quyền, tự xác định sửa thành đất TMDV (phần gạch chéo).

“Hóa kiếp” cánh rừng núi Nhỏ bất chấp pháp luật

Thủ tướng đã quy hoạch khu vực này là rừng phòng hộ, muốn điều chỉnh quy hoạch thì thẩm quyền thuộc về Thủ tướng. Thế nhưng theo Văn bản 146/TB- UBND ngày 20/3/2019 của Văn phòng UBND tỉnh, trong cuộc họp ngày 12/3/2019, ông Long vẫn chỉ đạo TP Vũng Tàu… lạm quyền Thủ tướng: “Giao UBND Vũng Tàu chủ trì rà soát, điều chỉnh quy hoạch SDĐ với phần diện tích đất thực hiện dự án Uyên Phương”.

Vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm, sau cuộc họp trên, ngày 21/6/2019, Sở TN&MT có Văn bản 3580/STNMT-CCQLĐĐ, một lần nữa khẳng định nếu tỉnh và Vũng Tàu chuyển mục đích SDĐ khu rừng này là không đúng luật: “Vị trí khu đất được quy hoạch là “đất rừng phòng hộ” nên việc SDĐ vào mục đích “đất TMDV” làm nhà hàng là không phù hợp quy hoạch SDĐ đã được phê duyệt”.

Sở TN&MT hướng dẫn bà Phương, nếu thực sự muốn thực hiện “dự án Uyên Phương” trên cánh rừng này mà không cần chuyển mục đích SDĐ, chỉ liên hệ Sở NN&PTNT làm thủ tục thuê môi trường rừng.

Bà Phương đã không thực hiện theo hướng dẫn trên. Cuối tháng 5/2021, trao đổi với PLVN, đại diện Sở NN&PTNT khẳng định: “Sở chưa từng tiếp nhận hồ sơ nào của bà Trần Uyên Phương liên quan núi Nhỏ”.

Về phía Vũng Tàu, sau khi nhận “chỉ đạo” chính thức từ ông Long, ngày 25/6/2019 có Văn bản 3367/UBND-QLĐT “báo cáo UBND tỉnh về sự phù hợp quy hoạch SDĐ” của khu đất. Vũng Tàu lạm quyền Thủ tướng, tự xác định khu đất mà Thủ tướng đã quy hoạch rừng phòng hộ, thành… quy hoạch “đất thương mại dịch vụ”. Rồi ngày 28/6/2019, UBND BRVT ký QĐ1651/QĐ-UBND, “rửa” sai phạm trên của TP Vũng Tàu.

Ngày 30/8/2019, UBND tỉnh có Văn bản 8755/UBND-VP “ủng hộ chủ trương đầu tư dự án Uyên Phương”. Lúc này, ông Long đã là quyền Chủ tịch tỉnh.

Ngày 2/10/2019, quyền Chủ tịch tỉnh Nguyễn Thành Long ký Quyết định 2574/QĐ-UBND chấp nhận cho bà Phương thực hiện dự án “nhà hàng Uyên Phương”.

Từ “cơ sở” là QĐ1651/QĐ-UBND của tỉnh và QĐ Chủ trương đầu tư do ông Long ký, ngày cuối cùng trong năm 2019, UBND TP Vũng Tàu đã “có cơ sở” để ra QĐ7238/QĐ-UBND, chuyển mục đích sử dụng 945m2 trong khu đất bà Phương thành đất TMDV, chính thức “hóa kiếp” cánh rừng núi Nhỏ; không cần thông qua Sở TN&MT, không cần thông qua Sở NN&PTNT. Thời điểm này, ông Nguyễn Lập (nguyên GĐ Sở Xây dựng) là Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu (ông Lập sau này xin “nghỉ hưu non”).

Chi nhánh VPĐKĐĐ TP Vũng Tàu là đơn vị cập nhật biến động này. Thêm bất thường là chuyển mục đích 945m2, Vũng Tàu không chỉ rõ diện tích đó thuộc vị trí nào trong “sổ đỏ”.

Hai năm sau khi xảy ra sự việc, trao đổi với PLVN, một cán bộ Sở TN&MT vẫn khẳng định: “Sở vẫn giữ quan điểm đất này không thể chuyển mục đích thành đất TMDV”.

Cần thanh tra, điều tra, xử lý nghiêm

Trở lại với “dự án Uyên Phương”, QĐ 2574 ông Long ký có mốc thời gian phi thực tế. QĐ ban hành ngày 2/10/2019, nhưng nội dung lại nêu thời gian khởi công xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật từ… tháng 9/2019. Theo luật định, sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư mới có thể hoàn thành thủ tục, xin giấy phép xây dựng… nhưng QĐ ông Long ký lại có mốc thời gian “ngược đời”.

Theo QĐ2574, bà Phương sẽ xây dựng nhà hàng trên khu đất từ tháng 1 - 6/2020; đưa vào kinh doanh từ tháng 12/2020.

QĐ2574 yêu cầu bà Phương phải tập trung nguồn vốn triển khai dự án đúng tiến độ trên, phải ký quỹ đảm bảo khả năng thực hiện dự án, thành lập DN tại BRVT trước khi đưa dự án vào hoạt động; và “UBND tỉnh sẽ chấm dứt hiệu lực chủ trương dự án trong trường hợp nhà đầu tư không triển khai dự án theo tiến độ cam kết”.

Thực tế sau khi được chuyển mục đích SDĐ, bà Phương đã không có động thái gì “đầu tư dự án” tại đây. Đây vẫn là cánh rừng trồng, chỉ có duy nhất một con đường bê tông bề ngang khoảng 0,5m nối từ đường Hải Đăng vào khu rừng.

Dự án trên đã được điều chỉnh chủ trương đầu tư (gia hạn) hay chưa, ký quỹ như thế nào…? Trong tháng 5/2021, PLVN đã nhiều lần tới Sở KH&ĐT đề nghị trả lời, nhưng đơn vị này không phản hồi. Được biết ngày 2/6/2021 mới đây, Sở KH&ĐT mới có văn bản gửi bà Phương đề nghị báo cáo về tình hình thực hiện dự án và theo văn bản này thì “dự án” chưa được điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Thực tế trên đặt ra câu hỏi: Với khu đất này, bà Phương muốn lập “dự án”, hay chỉ muốn chuyển mục đích sử dụng cánh rừng? Nếu “đại chiến” Sở ngành diễn ra chỉ vì một “dự án” có mục đích chuyển mục đích SDĐ thì quả là điều đáng cay đắng.

Một LS thuộc Đoàn LS TP HCM đánh giá, trong sự việc này, hành vi “chuyển quyền SDĐ trái quy định”, “lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn cho phép chuyển mục đích SDĐ trái quy định” đã rất rõ ràng, có dấu hiệu của các tội “vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” và “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo Điều 228 và 229 BLHS. Vì sự việc rất nghiêm trọng, các đối tượng có dấu hiệu lạm quyền Thủ tướng, xâm hại danh lam thắng cảnh nổi tiếng; nên Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Công an, tỉnh BRVT vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; đảm bảo tinh thần như Nghị quyết 82/2019/QH14 Quốc hội yêu cầu.

BRVT cũng cần lập các đoàn thanh kiểm tra, xác minh nguồn gốc khu đất bà Phương được chuyển nhượng; thu hồi các quyết định trái pháp luật, thu hồi sổ đỏ đã cấp sai quy định; xác minh những bất thường trong quá trình ra chủ trương đầu tư cho “dự án Uyên Phương”.

Vũng Tàu không cung cấp hồ sơ:

Trong sự việc này, một câu hỏi nhiều người băn khoăn, là nguồn gốc khu đất bà Phương có từ đâu?

Một cán bộ địa chính Phường 2 cho biết khu đất trên diện tích 6.800 m2 (có tranh chấp 500m2), do ông Vũ Đình Cường “mua lại hồi xưa đấu giá vào khoảng 2017, rồi chuyển nhượng cho bà Uyên Phương”. Quá trình đấu giá, chỉnh lý, sang tên, phường không làm.

Ngày 12/5, PV đến UBND TP Vũng Tàu. Chánh Văn phòng UBND Trần Anh Tuấn đề nghị để lại nội dung làm việc trình lãnh đạo. Đã đáp ứng yêu cầu này, nhưng suốt thời gian dài PV nhiều lần liên hệ lại, ông Tuấn hoặc không nghe máy, hoặc nhắn tin “để kiểm tra”.

UBND TP Vũng Tàu

UBND TP Vũng Tàu

Ngày 25/5, PV gọi điện cho ông Hoàng Vũ Thảnh (thời điểm đó là quyền Chủ tịch UBND Vũng Tàu). Ông Thảnh nói “chưa nắm được hồ sơ, nội dung do PLVN gửi”.

Ngày 26/5, PV tiếp tục đến UBND TP Vũng Tàu. Ông Tuấn trả lời đang họp, sẽ hồi âm.

Ngày 2/6, PV quay lại UBND phường 2, Chủ tịch phường Hoàng Hữu Nam cho biết UBND TP đã đề nghị các cơ quan trong đó có phường 2 “tập hợp hồ sơ về TP để làm cơ sở trả lời PLVN”. Ông Nam đề nghị PV liên hệ UBND TP.

PV nhiều lần liên hệ với UBND TP Vũng Tàu, nhưng đến nay đơn vị này vẫn chưa trả lời, chưa cung cấp hồ sơ về khu đất đứng tên bà Phương.

Đọc thêm