“Hóa kiếp” khu rừng núi Nhỏ bất chấp quy hoạch của Thủ tướng: Khi bà Trần Uyên Phương muốn… có đất ở trên “nóc nhà” Vũng Tàu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Xét về giá trị văn hóa cảnh quan, núi Nhỏ, núi Lớn quan trọng với Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như Hồ Gươm với Hà Nội, hồ con Rùa với TP HCM… Thế nhưng bất chấp các quyết định của Thủ tướng quy hoạch núi Nhỏ là đất rừng phòng hộ, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn “âm thầm” chuyển mục đích sử dụng khu rừng hàng ngàn m2 cho bà Trần Uyên Phương (SN 1981, cổ đông nắm giữ gần 30% vốn góp “tập đoàn Tân Hiệp Phát”, đồng thời là con gái ông Trần Quí Thanh, ông chủ “tập đoàn”) làm… nhà hàng.

Tên núi Nhỏ, nhưng giá trị không nhỏ

Ngoài bãi biển tuyệt đẹp, Vũng Tàu còn nổi tiếng với núi Nhỏ, núi Lớn. Hiếm đô thị nào trên thế giới lại có hai ngọn núi kề nhau ngay khu trung tâm, giữa những khu dân cư. Hai ngọn núi nằm ở khu vực nhô ra biển xa nhất Vũng Tàu, với độ cao gần 200m, được mệnh danh “nóc nhà” TP. Phía chân núi là con đường đẹp nhất Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) chạy bao quanh tạo ra Bãi Trước. Phong cảnh “sơn thủy hữu tình” hiếm có.

Hai ngọn núi còn chứa đựng bề dày lịch sử với truyền thuyết núi Lớn là đầu con rồng xanh tắm biển, núi Nhỏ là cái đuôi con rồng; với nhiều di tích lịch sử tôn giáo nổi tiếng như trận địa pháo cổ, tượng Chúa giang tay, ngọn Hải Đăng…

Cảnh sắc trời mây, núi - biển hòa quyện đan xen cùng các di tích lịch sử văn hóa; con đường lên núi quanh co khúc khuỷu rợp bóng cây xanh, đẹp và nên thơ, là nơi bao đời nay người dân dạo chơi ngắm cảnh; đã đi vào lòng người và thơ ca, như ca khúc nổi tiếng “Tình ca Vũng Tàu” của nhạc sĩ Hoàng Vân: “Chiều chiều em đạp xe/ Thả dốc dài bến Đá/ Anh như hòn núi Lớn/ Em như hòn núi Nhỏ…”.

Trong Nghị quyết 117/NQ-CP “về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) đến 2020 và kế hoạch SDĐ kỳ cuối (2016-2020) BRVT” ngày 6/9/2018, Chính phủ đã quy hoạch núi Nhỏ là rừng phòng hộ, đúng như hiện trạng nơi đây đang là rừng. NQ117 chỉ đạo BRVT “chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng trong việc chuyển mục đích SDĐ rừng sang các mục đích khác, hạn chế tối đa việc chuyển mục đích đất rừng”; “kiên quyết không chuyển mục đích SDĐ với các trường hợp không có trong quy hoạch, kế hoạch SDĐ”.

Trong Quyết định 586/2019/QĐ -CP “phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Vũng Tàu đến 2035” (quy hoạch xây dựng) của Thủ tướng ngày 17/5/2019, đồng bộ với NQ117, QĐ586 quy định khu vực núi Nhỏ chỉ được xây dựng “công viên đồi” (rừng trong công viên trên đồi).

Vai trò của núi Nhỏ với Vũng Tàu là cực kỳ quan trọng, bảy lần được nhắc đến trong QĐ586 của Thủ tướng: 1. Về định hướng phát triển không gian, cảnh quan núi Nhỏ là bộ khung tự nhiên của đô thị Vũng Tàu; 2. Khu vực núi Nhỏ duy trì các khu công viên rừng (…) tạo điểm nhấn cảnh quan trong TP. 3. Núi Nhỏ là công viên cây xanh khoảng 50 ha; duy trì hệ thống cây xanh sinh thái tự nhiên trên núi. 4. Núi Nhỏ là khu vực quan trọng, có không gian tự nhiên quan trọng, là điểm cao tự nhiên trong đô thị cần được bảo vệ kiểm soát phát triển. 5. Núi Nhỏ là điểm nhấn tự nhiên, cần bảo vệ cảnh quan và địa hình, địa mạo đặc trưng của điểm cao tự nhiên gắn với hình ảnh đô thị…

Núi Nhỏ, núi Lớn tại Vũng Tàu là kỳ quan hiếm thấy trong đô thị.

Núi Nhỏ, núi Lớn tại Vũng Tàu là kỳ quan hiếm thấy trong đô thị.

Tìm mọi cách để có đất ở trên “mái nhà” Vũng Tàu

Trong các NQ117 và QĐ586, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải bảo vệ rừng và cảnh quan, thực hiện nghiêm quy hoạch SDĐ tại núi Nhỏ như nêu trên; nhưng trước đó bà Trần Uyên Phương (SN 1981, cổ đông nắm giữ gần 30% vốn góp “tập đoàn Tân Hiệp Phát”; đồng thời là con gái ông Trần Quí Thanh, ông chủ “tập đoàn”) vẫn được BRVT cho đứng tên một khu đất trên núi Nhỏ.

Đó là khu đất 6.300 m2 thuộc thửa 38, tờ bản đồ 96, có hai mặt tiền là con đường Hải Đăng bao quanh, ở lưng chừng núi Nhỏ (phường 2, TP Vũng Tàu). Trên “sổ đỏ” số CH 695118 cấp cho bà Phương, ghi nguồn gốc khu đất nguyên văn là “nhận chuyển nhượng đất được công nhận QSDĐ như giao đất không thu tiền sử dụng đất”. Trên ngọn núi Nhỏ không thấy có nhà dân, chỉ có hai đơn vị quân sự và khu đất nằm chính giữa hai khu quân sự. Vị trí khu đất được đánh giá tuyệt đẹp, không chỉ nằm trên “nóc nhà” Vũng Tàu, còn “trấn giữ” con đường Hải Đăng dẫn lên đỉnh núi.

Trong Văn bản số 3580/STNMT-CCQLĐĐ ngày 21/6/2019, Sở TN&MT xác định khu đất đứng tên bà Phương “nằm trong khu vực đất có rừng phòng hộ là rừng trồng”, “được quy hoạch là đất rừng phòng hộ”. Nói cách khác, đó là cánh rừng trồng trên khu vực quy hoạch đất rừng phòng hộ.

Thế nhưng theo Văn bản 6332/UBND-TNMT ngày 5/11/2018 do UBND TP Vũng Tàu ban hành, thì ngày 9/10/218, bà Phương vẫn làm đơn xin chuyển mục đích sử dụng khu đất thành… đất ở tại đô thị.

UBND TP Vũng Tàu từ chối, khẳng định đề nghị của bà Phương “không đủ cơ sở xem xét giải quyết” vì vị trí khu đất thuộc quy hoạch đất rừng phòng hộ; không nằm trong danh mục dự án thực hiện trong kế hoạch SDĐ năm 2018 của Vũng Tàu.

Không được cấp huyện chấp nhận, bà Phương tìm đến “cửa” UBND tỉnh. Ngày 16/1/2019, bà Phương có văn bản gửi Sở KH&ĐT, muốn lập “Nhà hàng ẩm thực lâm viên Uyên Phương” tại cánh rừng trên, diện tích sử dụng khoảng 6300m2. Theo Văn bản số 1125/STNMT-CCQQLĐĐ, lúc này bà Phương không xin chuyển cánh rừng thành đất ở đô thị nữa, mà xin chuyển thành đất thương mại dịch vụ.

“Mong muốn” này của bà Phương tiếp tục bị UBND TP Vũng Tàu từ chối vẫn với căn cứ trên.

Sở TN&MT cũng đưa ra ý kiến tương tự, căn cứ quy hoạch SDĐ đến 2020 của Vũng Tàu được tỉnh phê duyệt năm 2014; quy hoạch đến 2020, kế hoạch SDĐ năm năm giai đoạn 2016-2020 của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết 117/NQ-CP năm 2018; thì khu đất này quy hoạch là đất rừng phòng hộ: “Việc SDĐ vào mục đích đất thương mại dịch vụ là không phù hợp quy hoạch SDĐ đã phê duyệt. Sở TN&MT không ủng hộ đầu tư dự án tại khu đất này”.

Theo khoản 4 Điều 46 Luật Đất đai 2013: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch SDĐ của cấp nào thì có thẩm quyền quyết định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch SDĐ của cấp đó”. Như vậy, muốn chuyển mục đích sử dụng cánh rừng trên, thẩm quyền thuộc về Thủ tướng Chính phủ.

Góc nhìn tuyệt đẹp từ khu rừng bị “hóa kiếp” thành dự án Nhà hàng Uyên Phương.

Góc nhìn tuyệt đẹp từ khu rừng bị “hóa kiếp” thành dự án Nhà hàng Uyên Phương.

Chỉ đạo Chủ tịch cấp huyện lạm quyền của… Thủ tướng

Sau khi các ban ngành giải thích không thể chuyển mục đích sử dụng với khu đất bà Phương đứng tên, ngày 11/3/2019, Sở KH&ĐT có Báo cáo 375/SKHĐT-ĐT gửi UBND tỉnh.

Rất “thần tốc”, một ngày sau (12/3/2019), một Phó Chủ tịch tỉnh lập tức triệu tập cuộc họp các Sở ngành và có “chỉ đạo” không ngờ. Như trên giải thích, Thủ tướng đã quy hoạch khu vực này là rừng phòng hộ, muốn điều chỉnh quy hoạch thì thẩm quyền thuộc về Thủ tướng. Thế nhưng theo Văn bản số 146/TB- UBND ngày 20/3/2019 của Văn phòng UBND BRVT, vị Phó Chủ tịch tỉnh vẫn chỉ đạo: “Giao UBND TP Vũng Tàu chủ trì rà soát, điều chỉnh quy hoạch SDĐ với phần diện tích đất thực hiện dự án nhà hàng ẩm thực Uyên Phương”.

Về phía Sở TN&MT, vẫn giữ quan điểm muốn điều chỉnh quy hoạch khu đất, thẩm quyền phải thuộc về Thủ tướng. Ngày 21/6/2019, cơ quan này ra Văn bản 3580/STNMT-CCQLĐĐ hướng dẫn bà Phương, muốn thực hiện dự án trên cánh rừng này, theo quy định pháp luật, không cần chuyển mục đích SDĐ, chỉ cần liên hệ Sở NN&PTNT làm thủ tục thuê môi trường rừng theo Nghị định 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lâm nghiệp.

Những hướng dẫn đúng luật của cơ quan tham mưu về đất đai của tỉnh đã không được “chủ đất” và một số cán bộ nghe theo.

Cùng thời gian đó, rất “tình cờ”, TP Vũng Tàu đang làm các thủ tục “điều chỉnh quy hoạch SDĐ đến 2020 và kế hoạch SDĐ năm đầu của điều chỉnh quy hoạch SDĐ TP Vũng Tàu”. Không thể ngờ TP Vũng Tàu từng từ chối bà Phương, nhưng nay lại làm theo “chỉ đạo” bất thường của vị Phó Chủ tịch tỉnh.

Theo quy định pháp luật, bản quy hoạch của cấp dưới buộc phải tuân theo, phù hợp với bản quy hoạch của cấp trên. Thế nhưng trong bản đồ quy hoạch SDĐ mới, TP Vũng Tàu đã lạm quyền Thủ tướng, tự xác định khu đất mà Thủ tướng đã quy hoạch rừng phòng hộ, thành… quy hoạch “đất thương mại dịch vụ”, trình UBND tỉnh phê duyệt.

UBND BRVT tiếp tục lạm quyền Thủ tướng một lần nữa, khi ngày 28/6/2019, ký Quyết định 1651/QĐ-UBND phê duyệt đề xuất trên của TP Vũng Tàu. Như vậy hiện tại, với khu đất đứng tên bà Phương, quy hoạch mà BRVT phê duyệt, đang mâu thuẫn với quy hoạch của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong NQ117, QĐ586.

Trong các số báo sau, PLVN sẽ phản ánh những bất thường quanh cuốn “sổ đỏ” cấp cho bà Phương.

Trong các số báo sau, PLVN sẽ phản ánh những bất thường quanh cuốn “sổ đỏ” cấp cho bà Phương.

Dấu hiệu các tội vi phạm quy định sử dụng, quản lý đất đai

Từ “cơ sở” là Quyết định 1651/QĐ-UBND của tỉnh, ngày cuối cùng trong năm 2019 (31/12), UBND TP Vũng Tàu ra Quyết định 7238/QĐ-UBND, chuyển mục đích sử dụng 945m2 trong khu đất bà Phương thành đất thương mại dịch vụ, chính thức “hóa kiếp” cánh rừng núi Nhỏ.

UBND TP Vũng Tàu còn thêm một lần sai, khi theo Điều 52 Luật Đất đai, muốn chuyển mục đích sử dụng khu rừng trên, còn phải căn cứ kế hoạch SDĐ hàng năm của Vũng Tàu đã được tỉnh phê duyệt. Trong Quyết định 1009/ QĐ-UBND do UBND BRVT ban hành ngày 23/4/2019, không có tên “dự án Uyên Phương” trong danh mục các công trình dự án chuyển mục đích SDĐ.

Chỉ ít ngày trước khi TP VT và tỉnh BRVT có hành động lạm quyền, tùy tiện sửa quy hoạch của Thủ tướng như trên, ngày 14/6/2019, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 82/2019/QH14 “về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, SDĐ tại đô thị”.

Nghị quyết nêu rõ tại một số đô thị, trong quy hoạch, còn có “những trường hợp điều chỉnh tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, kiến trúc”. Lý do đến từ “một bộ phận cán bộ, công chức quản lý đất đai, quy hoạch đô thị phẩm chất đạo đức yếu kém, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.

Dư luận đánh giá dấu hiệu sai phạm trong vụ táo tợn “sửa” quy hoạch của Thủ tướng như trên, chính là điển hình của tệ trạng mà Quốc hội chỉ ra.

Trong Nghị quyết 82, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ: “Có biện pháp ngăn chặn tình trạng chuyển mục đích SDĐ trái phép; kiên quyết thu hồi những dự án vi phạm pháp luật đất đai; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các cấp để xảy ra sai phạm trong quản lý, SDĐ tại đô thị; chỉ đạo Bộ Công an đẩy nhanh công tác điều tra các vụ án về quản lý, SDĐ tại đô thị”.

Một LS thuộc đoàn LS TP HCM đánh giá: “Hành vi táo tợn sửa quy hoạch của Thủ tướng, quyết chuyển mục đích khu đất đứng tên bà Trần Uyên Phương bằng mọi giá, đã có dấu hiệu của tội vi phạm các quy định sử dụng đất đai và tội vi phạm các quy định quản lý đất đai quy định tại Điều 228 và 229 BLHS”.

“Sự việc là rất nghiêm trọng, vì xâm hại đến danh lam thắng cảnh nổi tiếng của BRVT, vi phạm kỷ cương kỷ luật. Dư luận có quyền đặt câu hỏi cán bộ dám lạm quyền cả Thủ tướng, thì còn có gì khác không dám làm? Tỉnh BRVT cần chỉ đạo CQĐT lập tức vào cuộc, làm rõ vấn đề, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm”.

Đọc thêm