Họa sĩ 8X tổ chức triển lãm tranh “Nghiệm cảnh”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Triển lãm của họa sĩ Nguyễn Thế Dung khai mạc từ 18h ngày 1/12 và kéo dài đến ngày 17/12 tại J Art Space, TP HCM.

Hoạ sĩ Nguyễn Thế Dung sinh năm 1985, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Xuất phát điểm từ “cái nôi” nổi tiếng cho công việc học tập, sáng tạo và thực hành nghệ thuật ở Việt Nam nên Thế Dung có điều kiện thuận lợi trong các hoạt động sáng tác của riêng mình.

Anh đã tạo được những dấu ấn riêng từ rất sớm trong cách khai thác hình tượng tạo hình độc đáo qua cả tranh và tượng mang xu hướng biểu hiện và có chút “siêu thực”, nên các sản phẩm của anh nhiều lần đem đến sự bất ngờ cho người xem.

Hoạ sĩ Nguyễn Thế Dung.

Hoạ sĩ Nguyễn Thế Dung.

Chia sẻ về triển lãm “Nghiệm cảnh” của Nguyễn Thế Dung, hoạ sĩ Phạm An Hải nhận định: “Theo dõi Dung một thời gian dài qua các hoạt động sáng tác tôi thấy Dung là một hoạ sĩ trẻ yêu nghề có nhiều tiềm năng, luôn nghiêm túc trong suy nghĩ, công việc, luôn có ý thức trong việc tìm kiếm cái đẹp, cái mới.

Thế nên, với series tranh trong triển lãm lần này tôi cũng không nhiều bỡ ngỡ khi chủ đề đã thay đổi, nhưng sự ngạc nhiên nhiều nhất lại nằm ở sự thay đổi quan niệm về tương quan và chiều thời gian. Tất cả có thể nói gọn một cách nôm na là trạng thái ‘hiện thực tâm tưởng’ rất mới.

Lằn ranh giữa hội hoạ và minh hoạ ý tưởng tuy khá đơn giản nhưng thật may điều đó không bị rơi vào hay lẫn vào các tác phẩm hội hoạ của Dung và chính nó làm cho các tác phẩm trở nên sống động, âm ỉ một sự bùng nổ”.

Một số bức tranh trong triển lãm “Nghiệm cảnh”.

Một số bức tranh trong triển lãm “Nghiệm cảnh”.

Cũng theo họa sĩ An Hải, trong triển lãm lần này của đồng nghiệp, dường như các chuyển động gây ảo giác trong những series tranh trước đây đã nhường chỗ cho một sự tĩnh lặng cô đặc đến nghẹt thở, lơ lửng giữa thực tại và hư vô.

“Nghiệm cảnh là tất cả những ám ảnh những suy tư trăn trở đã được hoạ sĩ đưa vào các tác phẩm. Nó là một trải nghiệm mới nó không hề dễ dàng để nhìn nhận và đánh giá nhưng Dung đã trải nghiệm, đã dấn thân, và đạt được những dấu ấn mới rất riêng không bị nhạt nhoà trộn lẫn với xung quanh thực tại” - họa sĩ chia sẻ.

Trong khi đó, họa sĩ Phạm Hà Hải cho rằng, triển lãm lần này là kết quả làm việc trong 3 năm của Nguyễn Thế Dung.

“20 bức tranh trải ra những khoảnh khắc hiện thực khác, là kết quả phóng chiếu nội tâm trải nghiệm hơn, cá nhân hơn và hình như lặng lẽ hơn. Hướng đi này ánh sáng mộng mị hơn, hội hoạ này có hướng tới siêu thực hay gì khác, vẫn khiêu khích hay sự phi lý trong suy tưởng thì dường như đang bớt đi sự nghi hoặc mà tinh thần trào lộng trở nên kín đáo hơn” - hoạ sĩ nói.

Họa sĩ Phạm Hà Hải cho rằng, tranh của Thế Dung trải ra những khoảnh khắc hiện thực khác.

Họa sĩ Phạm Hà Hải cho rằng, tranh của Thế Dung trải ra những khoảnh khắc hiện thực khác.

Riêng với cá nhân tác giả, anh tiết lộ, bản thân thích sự kết hợp giữa nghệ thuật cổ điển và nghệ thuật pop. “Vẻ đẹp cổ điển đòi hỏi kỹ thuật diễn tả và làm chủ màu sắc một cách thuần thục. Pop lại đem đến vẻ đẹp hiện đại, thực dụng, hết sức gần gũi và không nặng triết lý.

Tôi thích những bức tranh có kích thước lớn. Đứng trước tấm toan lớn, việc phóng đại những đối tượng nhỏ bé với trí bay bổng cường điệu kích thích tôi làm chủ tác phẩm của mình một cách hưng phấn. Các bức tranh thường có xu hướng đặt những đối tượng ở góc nhìn trực diện, gây ấn tượng đầy đủ và nhấn mạnh tới sự đối lập về kích thước chúng”.

Nam họa sĩ cũng tiết lộ, anh ưa sử dụng các màu như vàng - tím, cam - xanh. Trong các bức tranh của mình, dù các bức tĩnh vật ở đây đều có không gian hư cấu mang hơi hướng siêu thực nhưng anh không chú ý quá nhiều tới hình tượng.

Nguyễn Thế Dung cho biết, tranh của anh hướng tới sự giản đơn, không nặng triết lý. Ảnh: BTC

Nguyễn Thế Dung cho biết, tranh của anh hướng tới sự giản đơn, không nặng triết lý. Ảnh: BTC

“Nhiều người xem tranh thường hỏi tôi ‘cái này’ hay ‘cái kia’ có ý nghĩa gì? Đôi khi họ cũng chia sẻ cảm nhận cá nhân với những liên tưởng rất xa. Chẳng hạn như: ‘Tại sao lại vẽ tĩnh vật quả đu đủ, phải chăng điều đó ám chỉ sự no đủ’ (trong tiếng Việt, đu đủ đồng âm với đủ tương đương với ý nghĩa no đủ).

‘Tại sao lại là cái ghế? Phải chăng cái ghế nhằm ám chỉ vị trí xã hội của người ngồi trên đó?’. Nhưng tôi không nghĩ nhiều như vậy. Tôi muốn nghệ thuật của mình hướng tới sự giản đơn, không nặng triết lý, chỉ đơn thuần là vẽ điều mình thích. Mỗi tác phẩm nghệ thuật có đời sống riêng và người xem tranh có quyền cảm nhận theo cách riêng của mình. Tôi tôn trọng điều đó” - Nguyễn Thế Dung nói thêm.