Hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bộ Công an cho biết, qua 12 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (Luật GTĐB) đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc. Do vậy, việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để tạo ra một hành lang pháp lý giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra là rất cần thiết.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Luật GTĐB được ban hành đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng để thiết lập trật tự, kỷ cương về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, góp phần phát triển nền kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng của đất nước.

Tuy nhiên, Bộ Công an cho biết, qua 12 năm thực hiện, Luật GTĐB năm 2008 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc. Thứ nhất, nhiều quy định của Luật GTĐB chưa phù hợp và còn bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện, như: Thiếu các khái niệm liên quan đến ATGT, như: ùn; tắc; chỉ huy, điều khiển giao thông; trung tâm chỉ huy giao thông; tổ chức ATGT; TTATGT;…

Không quy định hoặc quy định không cụ thể, không đầy đủ về các nội dung: độ tuổi người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện; quy tắc ưu tiên “rẽ phải - đi thẳng - rẽ trái”; dừng, đỗ xe; cấm lùi xe trên đường một chiều hoặc đường đặt biển cấm đi ngược chiều; nhường đường cho các xe đi cùng chiều phía sau, khi chuyển hướng; các trường hợp phải chú ý quan sát… Đối với đường cao tốc, không có tốc độ giới hạn tối đa cho từng loại phương tiện, nên nhiều xe trọng tải lớn chạy với tốc độ cao là nguy cơ gây mất ATGT.

Bên cạnh đó, một số quy định về TTATGT đường bộ của Công ước Viên 1968 mà Việt Nam tham gia chưa được nội luật hóa vào Luật GTĐB hiện hành, cần phải khắc phục.

Thứ hai, kết quả kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông (TNGT) chưa vững chắc, số người chết và bị thương do TNGT vẫn rất cao, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng TNGT, còn xảy ra 948 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 3.049 người, bị thương 2.886 người, trong đó có rất nhiều vụ TNGT thảm khốc làm thương vong rất nhiều người.

Ba là, các hành vi vi phạm về TTATGT vẫn diễn ra phổ biến, người tham gia giao thông chưa thực sự tự giác, còn hiện tượng đối phó, thậm chí chống đối người thi hành công vụ (toàn quốc xảy ra 582 vụ chống lại lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự, ATGT, làm 07 đồng chí hy sinh, 184 đồng chí bị thương)...

Bốn là, công tác quản lý an toàn người điều khiển phương tiện chưa quy định cụ thể và chặt chẽ về điều kiện sức khỏe, độ tuổi, loại giấy phép lái xe; về tổ chức đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; quản lý cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe;…

Năm là, công tác quản lý về an toàn của phương tiện còn hạn chế. Cụ thể, Điều 54 Luật GTĐB năm 2008 giao nhiệm vụ cho Bộ Công an thực hiện cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới, Bộ Quốc phòng thực hiện cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng; Điều 55 và Điều 57 Luật GTĐB năm 2008 lại giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT thực hiện công tác kiểm định an toàn kỹ thuật của các loại phương tiện và thực hiện việc cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe máy chuyên dùng.

“Như vậy, khi ba ngành cùng thực hiện việc quản lý an toàn của phương tiện, nhưng việc kết nối, chia sẻ thông tin còn hạn chế, dẫn đến giảm hiệu quả trong công tác quản lý. Luật chưa quy định nguyên tắc xác định màu sắc biển số xe thuộc chức năng quản lý của mỗi ngành” – Bộ Công an cho biết.

Sáu là, các biện pháp tổ chức giao thông an toàn, giải quyết TNGT, thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm còn chung chung, sơ sài, phải ban hành nhiều văn bản dưới luật để thực hiện.

Bảy là, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT tuy đã được quan tâm thực hiện, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; các ngành các cấp đã tham gia thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, tuy nhiên, không thực hiện thường xuyên, liên tục; nội dung, hình thức tuyên truyền không phù hợp với đặc điểm từng loại đối tượng, địa bàn;…

Tám là, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại được trong công tác bảo đảm TTATGT còn hạn chế; thiếu các quy định cụ thể và chặt chẽ về việc đầu tư, lắp đặt, quản lý, khai thác, vận hành, sử dụng hệ thống giám sát về TTATGT, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác chỉ huy điều khiển giao thông, phát hiện và xử lý các vi phạm về TTATGT cũng như các vấn đề về an ninh, trật tự diễn ra trên các tuyến giao thông đường bộ.

Đề xuất 6 chính sách đánh giá tác động

Bộ Công an cho rằng, việc xây dựng Luật TTATGT đường bộ để điều chỉnh chuyên sâu các nội dung về TTATGT đường bộ, tách bạch với lĩnh vực đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ, trên cơ sở kế thừa Luật GTĐB năm 2008, luật hóa một số quy định ở các văn bản dưới luật và bổ sung một số quy định mới, tạo ra một hành lang pháp lý để giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra trong tình hình hiện nay về TTATGT là rất cần thiết.

Qua quá trình lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật, Bộ Công an xác định có 6 chính sách trong dự án Luật được đánh giá tác động, bao gồm: Chính sách 1: Quy tắc giao thông đường bộ; Chính sách 2: Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; Chính sách 3: Chỉ huy, điều khiển giao thông bảo đảm TTATGT đường bộ; Chính sách 4: Giải quyết TNGT đường bộ; Chính sách 5: Tuần tra, kiểm soát về TTATGT đường bộ; Chính sách 6: Quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ.

Đọc thêm