Hoàn thiện quy định về phân loại việc chưa có điều kiện thi hành án

(PLVN) -Từ những bất cập trong thực tiễn hiện nay, cần bổ sung quy định về việc phân loại chưa có điều kiện thi hành án đối với những trường hợp có tài sản nhưng tài sản đó không thể xử lý được.
Cán bộ Thi hành án trao đổi nghiệp vụ, ảnh MH
Cán bộ Thi hành án trao đổi nghiệp vụ, ảnh MH

Khoản 6 Điều 3 Luật THADS quy định:“Có điều kiện thi hành án” là trường hợp người phải thi hành án có tài sản, thu nhập để thi hành nghĩa vụ về tài sản; tự mình hoặc thông qua người khác thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Theo điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, việc thi hành án được phân loại thành việc chưa có điều kiện và việc có điều kiện thi hành án. 

Việc chưa có điều kiện thi hành án là các loại việc được thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án, thuộc các trường hợp sau: Người phải thi hành án không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án, người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng và không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án. Người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được; phải trả giấy tờ nhưng giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được mà đương sự không có thỏa thuận khác. Chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án, người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng. 

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của VKSND, TAND, công tác thi hành án năm 2016 và những năm tiếp theo giao Chính phủ là “chú trọng việc xác minh, phân loại chính xác, đúng pháp luật án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành”. Trong công tác THADS, việc phân loại án có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành chính xác có ý nghĩa rất quan trọng và hết sức cần thiết để Chấp hành viên cơ quan THADS lập kế hoạch công tác, bảo đảm việc THADS được kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật; đồng thời, để phục vụ công tác quản lý, nâng cao trách nhiệm của Chấp hành viên trong việc tuân thủ các quy định pháp luật. Mặt khác, bảo đảm chính xác số liệu thống kê thi hành án, phản ánh thực chất kết quả, hiệu quả công tác THADS; là cơ sở để công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục THADS, trong 11 tháng năm 2020, số việc chưa có điều kiện thi hành trong cả nước là trên 154.486 việc (chiếm 18% trên tổng số việc phải thi hành), tương ứng với số tiền trên 97 nghìn tỷ đồng (chiếm 37% trên tổng số tiền phải thi hành). Có thể thấy, số lượng việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành chiếm một số lượng rất lớn trong tổng số việc phải thi hành. Tuy nhiên, việc phân loại việc thi hành án chưa có điều kiện theo các quy định pháp luật hiện hành vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện.

Theo đó, Luật THADS cần mở rộng hơn về tiêu chí xác định việc chưa có điều kiện thi hành án vì trong thực tế, có rất nhiều trường hợp khác ngoài các trường hợp được quy định tại Điều 44a Luật THADS mà cơ quan THADS không thể xử lý tài sản nhưng cũng không thể phân loại án sang dạng án chưa có điều kiện thi hành. Thực tế có các trường hợp như: Người phải thi hành án có tài sản là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất nhưng đất mà người đó đang sử dụng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cũng không thuộc diện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; có nhà xây trên thửa đất lấn chiếm, đất hành lang giao thông; người phải thi hành án có nhà ở nhưng nhà ở đó nằm trên đất của người khác và người có quyền sử dụng đất không đồng ý kê biên, xử lý quyền sử dụng đất đó để thi hành án trong khi không thể tách rời nhà và đất... Theo quy định tại Điều 44a Luật THADS thì các căn cứ để ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án không bao gồm những trường hợp mặc dù người phải thi hành án có điều kiện thi hành (có tài sản) nhưng lại bế tắc trong việc xử lý tài sản. 

Ngoài ra, cần có phương án xử lý đối với những vụ việc chưa có điều kiện thi hành đã kéo dài nhưng không thể xét miễn, giảm. Thực tế việc thực hiện xác minh điều kiện thi hành án đối với một số việc chưa có điều kiện thi hành của cơ quan THADS cho thấy, có một số trường hợp chưa có điều kiện thi hành án đã 10 năm. Tuy nhiên, thực tế xác minh tại địa phương thì phát hiện đối tượng đã không có mặt tại địa phương từ lâu, hiện không rõ địa chỉ cư trú. Cơ quan THADS vẫn phải duy trì trong sổ theo dõi qua nhiều năm mà không có căn cứ để xử lý vì không đủ điều kiện để xét miễn, giảm thi hành án theo quy định tại Điều 61 Luật THADS. Hoặc có trường hợp cơ quan THADS đã kê biên xử lý tài sản bán đấu giá, hạ giá nhiều lần nhưng vẫn không bán được tài sản.

Mặc dù đã hết thời hạn 10 năm, nhưng vẫn không thể thực hiện được việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án do các trường hợp trên vẫn thuộc diện “có tài sản” nên không thể xét miễn giảm thi hành. Do đó, cần bổ sung quy định về việc phân loại chưa có điều kiện thi hành án đối với những trường hợp có tài sản nhưng tài sản đó không thể xử lý được hoặc đã xử lý tài sản nhưng không hiệu quả và có cơ chế miễn giảm đối với những vụ việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành án đã bị tồn đọng, kéo dài nhưng không thể có khả năng thi hành dứt điểm. 

Đọc thêm