Tố cáo tham nhũng như thế nào?

(PLO) - Tôi là người đang phải chấp hành án treo, chưa hết thời hạn thử thách, gần đây tôi phát hiện hành vi của một số cán bộ địa phương có biểu hiện tham nhũng, chia chác đất công. Xin hỏi với tình trạng nhân thân như vậy tôi có quyền tố cáo hành vi tham nhũng hay không? Tôi có thể tố cáo bằng các hình thức nào và tố cáo với cơ quan nào? (anh Thanh Tùng, 26 tuổi ở TP HCM) 
Hình minh họa
Hình minh họa

Trả lời: 

Trước hết, phải khẳng định, quyền tố cáo là quyền hiến định của công dân. Khoản 1 điều 30 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân…”

Điều 5 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: “1. Công dân có quyền phát hiện, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng và được bảo vệ, khen thưởng theo quy định của pháp luật; có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. 2. Công dân có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng.”

Quy định trên được hiểu là mọi công dân đều có quyền phát hiện, tố cáo, tố giác tham nhũng, không phụ thuộc vào tình trạng nhân thân của người tố cáo ra sao. 

Tại Điều 54 Luật Phòng chống tham nhũng cũng quy định về Các hình thức tố cáo hành vi tham nhũng, theo đó: “1. Công dân tố cáo hành vi tham nhũng bằng các hình thức sau:

a) Tố cáo trực tiếp;

b) Gửi đơn tố cáo;

c) Tố cáo qua điện thoại;

d) Tố cáo qua mạng thông tin điện tử.

2. Người tố cáo phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ, nội dung tố cáo và cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có.

3. Những tố cáo về hành vi tham nhũng mà người tố cáo mạo tên, nội dung tố cáo không rõ ràng, thiếu căn cứ, những tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nay tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới thì không được xem xét, giải quyết.”

Công dân có thể tố cáo hành vi tham nhũng tới cơ quan nào? Theo khoản 3 điều 65 Luật Phòng, chống tham nhũng, trách nhiệm xử lý các tố cáo về hành vi tham nhũng chủ yếu thuộc về cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra và viện kiểm sát. 

Cụ thể, cơ quan thanh tra có trách nhiệm giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp xác minh, kết luận về nội dung tố cáo và kiến nghị biện pháp xử lý; trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhận được tố cáo về hành vi tham nhũng phải xử lý theo thẩm quyền. 

Đọc thêm